Lỏng lẻo... cụm liên kết ngành
Hiện VN có tới 283 khu công nghiệp (KCN) và nhiều CCN… với trên 80 nghìn ha. Tuy nhiên, phần lớn vẫn hoạt động một cách đơn lẻ và chưa nhận thức được vai trò quan trọng của cụm liên kết ngành (CLKN) đối với sự phát triển kinh tế, thậm chí nhầm lẫn giữa vai trò của KCN, CCN với CLKN…
Chiến lược công nghiệp hóa của VN trong khuôn khổ hợp tác VN - Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã lựa chọn ra 6 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, gồm: điện gia dụng/điện tử; chế biến thực phẩm; đóng tàu; máy nông nghiệp; môi trường và tiết kiệm năng lượng; công nghiệp ôtô và sản xuất phụ tùng ôtô.
Theo GS Micheal Porter - Đại học Harvad: CLKN là nơi tập trung về địa lý của những Cty có liên kết với nhau, các nhà sản xuất chuyên môn hóa, các nhà cung cấp dịch vụ, Cty trong những ngành có liên quan và các thể chế liên quan (như trường đại học, các cơ quan tiêu chuẩn và hiệp hội ngành hàng) cùng cạnh tranh nhưng cũng cùng hợp tác.
Bù đắp thiếu hụt
Phân tích những lợi thế của CLKN, ông Nguyễn Trọng Hiệu - Phó Cục trưởng Cục phát triển DN thuộc Bộ KH-ĐT cho rằng, phát triển CLKN sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho DN bằng việc gia tăng năng suất, khuyến khích DN nâng cao sức cạnh tranh. Các DN trong cụm sẽ có mối liên kết cùng cạnh tranh nhưng cùng hợp tác, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của chính DN. CLKN được hình thành khi các lợi thế cạnh tranh của DN được gia tăng, trên cơ sở hỗ trợ bố trí lại chuỗi sản xuất kinh doanh, để phát triển các ngành CN tương tự trong một vùng. CLKN sẽ tăng khả năng cạnh tranh bằng việc tăng năng suất, khuyến khích các Cty mới cải tiến, kể cả các Cty cạnh tranh, tạo ra cơ hội cho hoạt động kinh doanh.
Thực tế, một số lĩnh vực của VN đã thực hiện liên kết ngành và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chủ yếu do nhu cầu bắt buộc của thị trường. Chẳng hạn ngành dệt may, da giày tham gia phần gia công, chế biến nguyên vật liệu được thực hiện trong nước đạt được 20-30 %, phần thực hiện ở nước ngoài tới 70 - 80% do nhập khẩu nguyên vật liệu. Tương tự, ngành ôtô, lắp ráp trong nước đạt khoảng 5 – 10% trong khi phần thực hiện nước ngoài tới tới 90 – 95% do phải nhập linh kiện, máy móc. Hay như ngành điện – điện tử, phần gia công, lắp ráp, chế tạo trong nước khoảng 20 – 40% phần còn lại là nhập khẩu nguyên liệu chiếm 60 – 80%...
“Ở địa phương, CLKN còn giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế địa phương và giải quyết một số vấn đề kinh tế - xã hội khác” - ông Hiệu chia sẻ. Nhưng có một thực tế, các khu, cụm công nghiệp đang phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch và chưa biết tận dụng áp dụng CLKN. Trong khi đó, CLKN chủ yếu được hình thành và phát triển một cách tự nhiên với tính bền vững, năng động thấp, mối liên hệ lỏng lẻo, ít liên kết đối với các DN trong cụm và bên ngoài cụm. Do vậy có thể nói, VN chưa có các chiến lược, chính sách hữu hiệu hình thành và phát triển các CLKN để qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững cho nền kinh tế. Không chỉ có vậy, CNHT một trong những “mắt xích” quan trọng của CLKN hiện cũng kém phát triển, mạng liên kết sản xuất yếu và chuỗi giá trị thấp.
TS Trần Kim Hào - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: CLKN được hình thành từ sự quần tụ của các DN trong một số ngành và lĩnh vực có liên quan khá chặt chẽ, do đó không thể không tính đến vai trò của công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Sự lớn mạnh của CLKN cũng kéo theo sự lớn mạnh của CNHT. Sự phát triển của CLKN thể hiện ở các khía cạnh sản phẩm được tập trung sản xuất với khối lượng lớn, chất lượng sản phẩm cao, đồng đều; tạo công ăn việc làm cho người lao động; thu hút vốn đầu tư nước ngoài;… sẽ tạo điều kiện cho các DN trong nước phát triển ngành CNHT. Các DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư; thị trường đầu ra; dây chuyền công nghệ hiện đại;… đây là những điều kiện cần thiết cho phát triển CNHT.
Theo ông Thân Dĩ Ngữ - Giám đốc Cty TNHH Ecolink, mỗi ngành, lĩnh vực đều có những đặc thù, điểm yếu và điểm mạnh riêng, vì vậy việc tạo được cụm liên kết sẽ hỗ trợ nhau và bù đắp vào những phần thiếu hụt của từng DN. Ông Dĩ đưa ra ví dụ, lĩnh vực chế biến thực phẩm, cơ sở hạ tầng đang thiếu hụt, chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Trong đó, nguồn cung năng lượng, đường giao thông, hạ tầng xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu của các DN chế biến thực phẩm. Thiếu công nghiệp phụ trợ (bao bì, kiểm nghiệm… ), nhân lực trình độ thấp, thiếu kỹ năng mềm. Do vậy, ông Ngữ cho rằng, để phát triển, ngành chế biến thực phẩm cần chuyển sang sản phẩm có hàm lượng công nghệ, sáng tạo, khác biệt và có giá trị hàm lượng gia tăng cao. Liên kết dọc chuỗi (thiết lập chuỗi liên kết với nông dân), liên kết ngang (cùng nhau đầu tư và khai thác công nghệ).
Định hình chính sách
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay để phát triển CLKN, Thứ nhất, VN cần lồng ghép, gắn kết chính sách, chương trình phát triển CLKN với các chính sách, chương trình liên quan khác, đặc biệt là chính sách trợ giúp phát triển DNNVV. Thứ hai, cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cụ thể và thực tiễn trong xây dựng chính sách phát triển CLKN. Thứ ba, tập trung hình thành, phát triển CLKN trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng hiện có.
Về chính sách cho việc phát triển CLKN tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường nâng cao nhận thức về CLKN, xây dựng và hoàn thiện quy hoạch phát triển KCN-CCN của ngành, địa phương gắn với định hướng chính sách phát triển CLKN. Lựa chọn lĩnh vực và xây dựng một số mô hình CLKN trong các ngành, lĩnh vực tiềm năng, xây dựng cơ quan quản lý chính sách CLKN cũng như phân định chức năng quản lý nhà nước của các cấp chính quyền.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, mỗi cụm liên kết ngành phải có các Cty dẫn đầu, mạng lưới các Cty cung ứng và các nền tảng kinh tế với các nhân tố sản xuất cơ bản (nguồn nhân lực, công nghệ, khả năng tiếp cận vốn, môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng) phải được đặc biệt chú trọng. Đây là điều kiện cơ bản để phát triển CLKN.
Ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương khẳng định: việc tham gia chuỗi cung ứng của các Tập đoàn sẽ có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy của các ngành phát triển. Chẳng hạn, ngành công nghiệp điện tử phát triển bền vững, tiến tới tạo được sản phẩm hoàn chỉnh với tỷ lệ nội địa hóa cao trong tương lai, có tác dụng lan tỏa đến các ngành sản suất liên quan như cơ điện tử, sản xuất thiết bị y tế, máy in... thì cần phải triển khai một số giải pháp, chẳng hạn phát triển công nghệ vật liệu, luyện kim, cao su, hóa chất, nhựa và công nghệ gia công.
VN hoàn toàn có thể xây dựng ngành công nghiệp trọng điểm hay xác định ngành công nghiệp tiềm năng để hỗ trợ phát triển, trong đó phát triển CLKN là một giải pháp về chính sách để thực hiện chiến lược công nghiệp hóa VN, đạt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI :
Tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên
Nền kinh tế VN đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa đã bộc lộ những điểm yếu như: Tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào lao động giá rẻ, thâm dụng vốn, năng suất lao động thấp, chủ yếu gia công, lắp ráp… có giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, VN cần cải thiện năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược công nghiệp, tập trung phát triển CLKN để đạt mục tiêu đề ra.
Hiệp định đối tác kinh tế VN – Nhật Bản cùng với tuyên bố chung hai nước được ký kết là cơ hội để Nhật Bản hỗ trợ VN xây dựng chiến lược công nghiệp hóa trong đó tập trung vào vào 6 ngành hai bên cùng quan tâm và ưu tiên phát triển, bao gồm: (1) Điện gia dụng/Điện tử; (2) Chế biến thực phẩm; (3) Đóng tàu; (4) Máy nông nghiệp; (5) Môi trường và tiết kiệm năng lượng và (6) công nghiệp ôtô và sản xuất phụ tùng ôtô.
Đây cũng là cầu nối để liên kết hai nước thu hút dòng vốn FDI. Điều này phần nào lý giải vì sao năm 2012, Nhật Bản là nước có dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào VN lớn nhất cả số lượng dự án và vốn.
Ông Noriyuki Yonemura -Tổng thư ký Quỹ kinh tế Nhật Bản:
7 Thách thức với VN
Hiện nay, việc phát triển các ngành công nghiệp ở VN đang gặp phải 7 vấn đề lớn, đó là: Làm thế nào VN học hỏi được từ kinh nghiệm Châu Á; Khởi đầu tốt? Chiến lược công nghiệp; Giới thiệu về chính sách công nghiệp tầm nhìn, ngành công nghiệp mục tiêu, các biện pháp toàn diện để thực hiện; Các cơ quan Nhà nước có năng lực và trách nhiệm; Phát triển nguồn nhân lực; Hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân.
Nhật Bản sử dụng chính sách công nghiệp như là một công cụ quan trọng của Chính phủ để phát triển công nghiệp và những bài học trong quá trình công nghiệp hóa của Nhật Bản sẽ giúp VN phát triển, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hóa giải những vấn đề trên. Nhật Bản sẽ hỗ trợ VN trong phát triển lĩnh vực CNHT, công nghiệp điện tử, chế biến thực phẩm... Tôi tin rằng, cùng với sự phát triển của VN, Nhật Bản sẽ tìm ra cơ hội đầu tư mới, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng FDI của Nhật Bản vào VN.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
CLKN gắn với CNHT là cần thiết
6 ngành phía Nhật Bản hỗ trợ VN phát triển đều là ngành VN vẫn có tiềm năng phát triển, có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn vừa qua, có nhu cầu cao ở trong nước và có thể đóng góp lớn vào hoạt động xuất khẩu. Một số ngành VN còn nhiều tiềm năng phát triển như chế biến thực phẩm, máy nông nghiệp và đóng tàu, nhưng năng suất còn thấp và năng lực cạnh tranh yếu. Trong khi các ngành điện gia dụng/điện tử, ôtô tăng trưởng nhanh trong thời gian qua và đóng góp lớn vào xuất khẩu có lợi thế là thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng chủ yếu tập trung ở khâu lắp ráp do thiếu công nghiệp hỗ trợ và nguyên liệu đầu vào. Ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng còn tương đối mới, trong khi nhu cầu đối với ngành này có xu hướng tăng lên cùng với quá trình công nghiệp hóa như xử lý rác thải công nghiệp, thiết bị bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Do đó, việc mở rộng các ngành này tới đây cần đi đôi với tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách công nghiệp để khuyến khích phát triển.
|
Quốc Anh
diễn đàn doanh nghiệp
|