Chất thải thành phân bón: Tìm cơ hội tại Việt Nam
Phân chăn nuôi, chất thải hữu cơ sinh hoạt, thậm chí cả gia súc, gia cầm chết nguyên con đều có thể được biến thành phân bón hữu cơ sạch đạt tiêu chuẩn thương mại trong vòng 24 giờ.
Sẽ rất khó tin điều này nếu không được chứng kiến tận mắt hoạt động của dây chuyền xử lý chất thải khép kín theo công nghệ được phát triển tại một công ty của Singapore.
Dây chuyển tự động xử lý rác thải hữu cơ thành phân
|
Giải pháp liên hoàn
Xử lý chất thải chăn nuôi, đặc biệt là phân, là gánh nặng cho ông chủ trang trại gà đẻ trứng có tên Chew Farm ở phía tây bắc Singapore. Trang trại có quy mô lên tới 300.000 con gà, mỗi ngày thải ra gần 20 tấn phân. Singapore là một đất nước có những tiêu chuẩn vệ sinh môi trường nghiêm ngặt nên chi phí xử lý chất thải rất cao. Đây cũng là lý do khiến hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi không phát triển mạnh ở quốc đảo này.
Biện pháp xử lý phân gà thường được sử dụng là ủ truyền thống. Tuy nhiên phương pháp này có ba hạn chế chính: thời gian ủ quá lâu, thường kéo dài vài tuần tới vài tháng; cần diện tích đất rộng để xây dựng các hầm ủ nếu muốn xử lý trên quy mô 20 tấn phân/ngày; trong quá trình ủ, vẫn phát sinh mùi không xử lý được hoàn toàn. Một “vấn nạn” nữa của Chew Farm là phải xử lý vỏ trứng gà dập, thối cũng như gà chết, gà già sau khi kết thúc thời kỳ đẻ trứng.
Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải hữu cơ được phát triển tại một công ty có tên Biomax Technologies, trụ sở tại Singapore, đã giúp nông trại giải quyết những khó khăn này.
Trực tiếp chứng kiến hoạt động của dây chuyền xử lý khép kín mới có thể tin được những đột phá về công nghệ, rút ngắn thời gian xử lý mọi loại chất thải hữu cơ xuống thời gian 24 tiếng là có thực. Từng đống phân gà chất cao hơn 2m, sau khi trộn theo tỉ lệ với mùn cưa để giảm độ ẩm ban đầu, được đưa trực tiếp vào buồng trộn.
Ấn tượng hơn, hàng chục xác gà chết cũng được đưa thẳng vào dây chuyền mà không cần qua sơ chế. Người công nhân điều khiển khởi động hệ thống vận hành tự động. Dây chuyền hoạt động liên tục trong 24 giờ, và đầu ra là sản phẩm phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn thương mại.
Công nghệ xử lý chất thải của Biomax cũng mở ra một hướng kinh doanh mới cho Chew Farm. Với công suất xử lý 15 tấn chất thải/ngày, mỗi ngày nông trại có thể sản xuất ra 10 tấn phân bón hữu cơ từ 10 tấn phân gà và 5 tấn mùn cưa. Toàn bộ lượng phân bón này được xuất khẩu sang Malaysia với giá khoảng 220 USD/tấn.
Bí mật công nghệ
“Khi chúng tôi giới thiệu công nghệ xử lý chất thải hữu cơ trong vòng 24 giờ, không một ai tin là thực. Họ đều muốn chứng kiến tận mắt. Thậm chí khi chúng tôi lắp đặt một dây chuyền, khách hàng còn thí nghiệm bằng cách vứt thẳng một con cừu chết nguyên lông vào máy. Sau một ngày, các bộ phân như thịt, da, mô, lông… đều biến mất. Chỉ một số bộ phận cứng như xương bánh chè hoặc răng là còn sót lại, có thể được tách ra sau đó bằng máy sàn”, ông Anton Wibowo, Phó giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của Biomax Techonologies, nói với VnEconomy.
Hệ thống xử lý có tên Biomax Rapid Thermophilic Digestor này có thể xử lý từ rác thải nông nghiệp như bã mía, thân và cành cây, xác dầu cọ, trấu, cùi hoa quả, chất thải gia súc, chất thải giết mổ, xác động vật cho tới chất thải sinh hoạt như phân bể phốt và thức ăn thừa, bùn nước thải, cặn bã hầm biogas…
Mọi loại chất thải nói trên đều được phân hủy và chuyển hóa thành phân bón hữu cơ trong vòng 24h trên một dây chuyền duy nhất. Bí mật công nghệ nằm ở một loại men vi sinh do Biomax tìm ra cách đây ba năm và được đặt tên là enzyme BM1.
Men vi sinh này được cho trực tiếp vào buồng trộn và sau khi đạt được môi trường sống tiêu chuẩn, khả năng phá vỡ các hợp chất hữu cơ phức tạp được thực hiện ở tốc độ nhanh hàng chục lần so với điều kiện thông thường để tạo ra các chất hữu cơ đơn giản hơn mà cây trồng có thể hấp thụ được.
Phương pháp tiếp cận của Biomax khác ở chỗ hướng tới một loại men vi sinh có khả năng chuyển hóa chất hữu cơ nhanh nhất trong điều kiện đặc biệt, thay vì lựa chọn các loại men vi sinh hoạt động tốt trong điều kiện bình thường. Đáp số đã được tìm ra là nhiệt độ phù hợp. Dĩ nhiên khi các chế phẩm vi sinh thông thường có thể hoạt động tốt trong điều kiện thường, thì BM1 của Biomax cần nhiệt độ trong khoảng 70-80 độ C, do đó cần loại buồng xử lý nhiệt chuyên biệt. Hiện công ty này đã có sẵn buồng xử lý được gia nhiệt bằng điện hoặc khí hóa lỏng. Buồng xử lý của Biomax được chế tạo tại Hàn Quốc, còn enzyme BM1 được điều chế tại Singapore.
Cơ hội kinh doanh
Thừa nhận chi phí đầu tư cho một hệ thống xử lý chất thải hữu cơ sử dụng chế phẩm BM1 là khá cao so với giải pháp truyền thống, đại diện Biomax vẫn đánh giá cơ hội kinh doanh là lớn. Công ty hiện đã xuất khẩu hệ thống này sang 14 quốc gia khác nhau, bao gồm cả Mỹ, Australia, Thái Lan, Jamaica…
"Chi phí đầu tư hệ thống khá lớn nên ban đầu chúng tôi tập trung vào các thị trường phát triển có tiêu chuẩn vệ sinh môi trường cao. Tại các quốc gia này, những trang trại nông nghiệp phải bỏ ra chi phí rất cao để xử lý chất thải để đáp ứng tiêu chuẩn của chính phủ, nên giá thành của hệ thống là phù hợp. Ngược lại, ở những quốc gia khác như trong khu vực Đông nam Á, châu Phi, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường thấp hơn, phần lớn còn sử dụng phương pháp xử lý chất thải kiểu truyền thống như chôn lấp, hầm biogas, chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh khác”, ông Anton Wibowo cho biết.
Theo đại diện Biomax, hệ thống xử lý chất thải này hướng tới ba dạng khách hàng chính. Đầu tiên là những trang trại có nhu cầu xử lý chất thải nông nghiệp trong quá trình hoạt động, chẳng hạn như trạng trại chăn nuôi hay trồng trọt. Dạng thứ hai là các trang trại hỗn hợp, vừa có nhu cầu xử lý chất thải vừa có nhu cầu phân bón cây trồng. Dạng thứ ba là các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ như một sản phẩm độc lập.
“Chúng tôi rất chú ý đến các thị trường khu vực Đông Nam Á vì đây là những nơi cần lượng phân hữu cơ lớn cho nông nghiệp. Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của chúng tôi trong khu vực và chúng tôi đang tìm kiếm đối tác hợp tác. Chúng tôi cũng đã có nghiên cứu thị trường chuyên sâu về lĩnh vực phân bón và nhận thấy cơ hội lớn hơn trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm này hơn là cung cấp hệ thống xử lý chất thải thuần túy”.
Trao đổi về chất lượng sản phẩm đầu ra là phân bón hữu cơ, Biomax cho biết theo giám định tại Singapore, hàm lượng hữu cơ trong phân bón ở mức 70%, hàm lượng NPK đạt 9%, độ ẩm thấp hơn 20% cùng nhiều yếu tố khác tốt cho đất và cây trồng. “Sản phẩm của chúng tôi đạt tiêu chuẩn vào thị trường Australia, nơi mà bạn không thể mang một quả táo qua biên giới được, thì hoàn toàn đủ tiêu chuẩn vào các thị trường khác”.
Ngoài yếu tố công nghệ, Việt Nam có thể là một thị trường rất tiềm năng khi nhu cầu phân bón hữu cơ cho nông nghiệp rất cao. Mặt khác, lợi thế quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu để xử lý rất sẵn và rẻ, thậm chí có thể là cho không. Theo một nghiên cứu năm 2009, chất thải chăn nuôi đang là vấn nạn ở Việt Nam. Hàng năm ngành chăn nuôi thải ra khoảng 80 triệu tấn chất thải rắn và vài chục tỷ khối chất thải lỏng. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi gây bức xúc trong thời gian dài. Chính phủ cũng có những ưu đãi nhất định trong việc sử dụng công nghệ cao để xử lý chất thải nông nghiệp.
Hiện trạng xử lý chất thải nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chủ yếu là theo phương pháp truyền thống, trong đó các mô hình khép kín dạng vườn - ao - chuồng khá phổ biến nhưng vẫn không xử lý hoàn toàn được chất thải. Đó là chưa kể phương pháp xử lý này vẫn gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Việt Nam vẫn chưa có hoạt động xử lý chất thải nông nghiệp ở quy mô công nghiệp.
Nguyễn Hoàng
tbktvn
|