Thứ Tư, 10/04/2013 22:46

Giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp bình ổn

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM đang hoàn tất hồ sơ để được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng.

Tại cuộc họp giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và ngân hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2013 – 2014 diễn ra sáng 10-4, các bên đã báo cáo tiến độ giải ngân với lãnh đạo Sở Công Thương, đơn vị chủ trì tổ chức chương trình để được tháo gỡ một số khó khăn phát sinh.

Theo ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó giám đốc chi nhánh Lý Thường Kiệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), từ sau ngày công bố chương trình mới hôm 30-3, đơn vị này đã tiếp cận với hai doanh nghiệp và một hồ sơ đang được hoàn tất để giải ngân.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, báo cáo tài chính của doanh nghiệp đi vay rất ít được kiểm toán nên ngân hàng cần thời gian thẩm định hồ sơ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đi vay hiện đang vay ở các chi nhánh khác của ngân hàng nên cần làm việc trong nội bộ.

Theo cam kết từ đầu chương trình, Chi nhánh Agribank Lý Thường Kiệt tham gia với số vốn 1.000 tỉ đồng (400 tỉ cho ngắn hạn và 600 tỉ đồng cho dài hạn).

Ông Lâm Thanh Nguyên, Giám đốc phòng tín dụng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank- EIB), cho biết ngân hàng này đã tiếp xúc với tất cả các doanh nghiệp có đăng ký vay vốn và đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để giải ngân cho 2-3 doanh nghiệp. Số vốn giải ngân lần này khoảng 30 tỉ đồng.

Eximbank cam kết cho vay 200 tỉ đồng trong toàn chương trình, trong đó 100 tỉ đồng dành cho ngắn hạn, số còn lại dành cho dài hạn.

Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - STB), ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc cho biết đã cấp hạn mức tín dụng cho 5 doanh nghiệp do đã hoàn thành hồ sơ từ trước ngày triển khai chương trình mới. Các đơn vị này có thể nhận tiền bất kỳ lúc nào.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đang làm việc với hai doanh nghiệp khác đã gửi hồ sơ. Cũng giống như Eximbank, Sacombank cho các doanh nghiệp trong chương trình vay 200 tỉ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - CTG) đang tiếp nhận và thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp đăng ký. Đơn vị này cho vay ngắn hạn 110 tỉ đồng.

Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp, một số đơn vị cho biết cũng phát sinh một số khó khăn khi triển khai.

Bà Trần Hoàng Mai, Phó giám đốc Công ty cổ phần nước mắm Liên Thành nói công ty bà đã có quan hệ vay vốn với chi nhánh TPHCM của Agribank hơn 30 năm nay. Tuy nhiên, chi nhánh này lại không tham gia cho vay trong chương trình bình ổn mà là chi nhánh Lý Thường Kiệt. Do vậy, nếu phải chuyển hồ sơ sang thì tốn khá nhiều thời gian.

Hay như Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát, doanh nghiệp tham gia bình ổn ở mặt hàng gạo, đơn vị này đăng ký vay của Sacombank 20,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, công ty vốn đang có hạn mức tín dụng khá lớn với một ngân hàng khác cùng tham gia chương trình. Vì vậy, đề nghị này bị ngân hàng từ chối trước hai ngày chương trình ký kết diễn ra nên doanh nghiệp bị động xử lý.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, trước buổi công bố chương trình và ký kết vay vốn, cơ quan quản lý đã tổ chức gặp gỡ hai bên. Thực tế xảy ra là có nhiều doanh nghiệp cùng đăng ký vay một ngân hàng. Ngược lại, có ngân hàng lại không có doanh nghiệp vay. Do vậy, Sở Công Thương đã phải điều phối để cân bằng.

Cũng theo bà Đào, trong quá trình triển khai hiện nay, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp một số khó khăn, ví dụ như chuyển đổi từ ngân hàng đang làm ăn nhiều năm sang ngân hàng tham gia chương trình.

Trong từng trường hợp cụ thể, Sở Công Thương sẽ đóng vai trò cầu nối giữa hai bên để kịp thời tháo gỡ. Bên cạnh đó cũng sẽ mời gọi thêm ngân hàng khác tham gia chương trình.

Theo bà Đào, trong số 31 doanh nghiệp sản xuất, phân phối tham gia chương trình bình ổn lương thực, thực phẩm có 25 doanh nghiệp đăng ký hạn mức tín dụng (tức có vay vốn từ ngân hàng tham gia) nhưng hiện tại chỉ có 20 doanh nghiệp cần ngay. Các doanh nghiệp còn lại, trong đó có một số tổng công ty nhà nước tham gia nhưng không có nhu cầu vay vốn.

Theo chương trình bình ổn năm nay, các doanh nghiệp trực tiếp vay vốn từ các ngân hàng với lãi suất 6% đối với khoản vay ngắn hạn và 10% đối với khoản vay dài hạn. Ngân sách của thành phố ngừng cung ứng cho doanh nghiệp với lãi suất 0% như những năm trước.

Minh Tâm

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Giao dịch liên ngân hàng giảm nhẹ so với tuần trước (10/04/2013)

>   Không ngại mở “room” cho vốn ngoại (10/04/2013)

>   Ngân hàng ngoại lãi lớn năm 2012, cho vay tăng 40% (10/04/2013)

>   Nửa cuối tháng 4, ngân hàng dồn dập tổ chức ĐHĐCĐ 2013 (10/04/2013)

>   Ngân hàng đã “xắn tay”, doanh nghiệp không thể “đứng ngoài” (10/04/2013)

>   Khó cân bằng bài toán lãi suất, lạm phát và vốn (10/04/2013)

>   Ngân hàng không thể quá kỳ vọng vào VAMC (10/04/2013)

>   Ngân hàng vẫn khó tất toán trạng thái vàng (10/04/2013)

>   JPMorgan Chase: Lãi suất VNĐ sẽ giảm thêm 1% trong năm nay (10/04/2013)

>   HDBank được tăng trưởng tín dụng 12% năm 2013 (10/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật