Thứ Tư, 10/04/2013 15:32

Không ngại mở “room” cho vốn ngoại

Theo TS. Trần Du Lịch trong quá trình tái cơ cấu, những NHTM yếu kém có thể bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc chúng ta mở "room" cho các nhà đầu tư nước ngoài ở mức 20% hay 30%, thậm chí cao hơn nữa mới chỉ là một phần, vấn đề quan trọng hơn chính phải là ở khâu quản lý.

TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng

Sau lần NHNN điều chỉnh trần lãi suất huy động (LSHĐ) xuống còn 7,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng kể từ ngày 6/3, có ý kiến cho rằng, vẫn còn dư địa hạ lãi suất quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi cho rằng, hạ LSHĐ phải căn cứ trên con số dự báo lạm phát kỳ vọng của năm nay. Với mức lạm phát kỳ vọng khoảng 6,5% - 7% thì dư địa để giảm LSHĐ nếu có điều chỉnh cũng chỉ ở mức 0,5%.

Và một khi giảm LSHĐ, các DN kỳ vọng ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay (LSCV). Tuy nhiên, dù ngân hàng có giảm LSCV thì khả năng tiếp cận vốn của DN cũng không hề đơn giản, bởi hiện có không ít DN được ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất 10%/năm, thậm chí 9%/năm nhưng họ không vay vì đầu ra cho thị trường không có. Dĩ nhiên cũng có những DN chấp nhận vay với mức lãi suất 15% -16%/năm. Song, với đối tượng DN này, nếu ngân hàng cho vay thì nguy cơ rủi ro cao và sẽ góp phần tăng nợ xấu.

Vậy nên giải quyết bài toán mâu thuẫn này thế nào, thưa ông?

Hiện nay đang có biên độ khá rộng trong việc đánh giá giữa DN có chất lượng tín dụng tốt (theo đánh giá về phía ngân hàng) để hưởng lãi suất ưu đãi với DN được đánh giá chất lượng tín dụng kém. Và NHTM bao giờ cũng có biên độ để áp dụng những chính sách lãi suất khác nhau cho từng đối tượng khách hàng. Nhưng chính vì do biên độ đánh giá DN quá rộng nên những đối tượng vay lãi suất cao không hài lòng. Xử lý được bài toán này không hề đơn giản.

Bây giờ muốn giãn biên độ này chỉ có cách là theo lộ trình giảm nợ xấu. Chừng nào nợ xấu chưa giảm được thực sự thì chừng đó biên độ này còn lớn. Cùng với đó là phải sớm triển khai những chính sách theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Đặc biệt, với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dự kiến cho vay nhà ở, tôi đề nghị tập trung cho vay đối với người mua nhà. Nhất là với những căn hộ giá dưới 1 tỷ đồng – vì đây là mức giá phù hợp với điều kiện kinh tế, sức mua chung của thị trường. Khi ngân hàng cho vay đối với mua loại căn hộ này, một mặt nó sẽ giải quyết được nhu cầu của đa số người dân, mặt khác sẽ kích thích được các dự án có căn hộ với giá quá cao phải giảm xuống xung quanh mức 1 tỷ đồng/căn, từ đó góp phần giải phóng căn hộ tồn kho.

Còn đối với DN bất động sản, cần giải quyết bài toán tín dụng thế nào thưa ông?

Với những dự án đang xây dựng dở dang mà người dân đã đóng khoảng 30% giá trị căn hộ rồi, 70% số tiền còn lại, theo hợp đồng DN phải xây xong nhà thì mới được thu nốt, thì ngân hàng cần cho các DN này vay để hoàn thiện dự án. Và khi đó DN mới có tiền trả ngân hàng để chuyển dịch quay vòng dòng tiền nhanh hơn.

Vậy còn vấn đề xử lý nợ xấu thì sao?

Rất tiếc công ty mua bán nợ ra đời hơi chậm. Tuy nhiên, theo tôi nguyên lý mua nợ xấu của VAMC là phải cần một “dòng tiền tươi” bơm vào, bên cạnh việc VAMC sẽ phát hành trái phiếu lãi suất 0% để hoán đổi lấy nợ xấu của ngân hàng theo giá trị sổ sách thì mới mang lại hiệu quả. Ví dụ, một DN có 100 tỷ đồng nợ xấu, thì phải bơm cho nó 10 - 20 tỷ đồng vốn mồi, còn lại là ghi nợ thì mới xử lý được vấn đề.

Có ý kiến cho rằng nên tăng "room" sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM để xử lý nhanh vấn đề nợ xấu? Ông bình luận gì về đề xuất này?

Tôi ủng hộ vấn đề này. Theo tôi trong quá trình tái cơ cấu, những NHTM yếu kém có thể bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc chúng ta mở "room" cho các nhà đầu tư nước ngoài ở mức 20% hay 30%, thậm chí cao hơn nữa mới chỉ là một phần, vấn đề quan trọng hơn chính phải là ở khâu quản lý. Vì vậy, theo quan điểm của tôi là không có gì phải hạn chế việc các nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào NHTM.

Xin cảm ơn ông!

Quang Cảnh thực hiện

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Ngân hàng ngoại lãi lớn năm 2012, cho vay tăng 40% (10/04/2013)

>   Nửa cuối tháng 4, ngân hàng dồn dập tổ chức ĐHĐCĐ 2013 (10/04/2013)

>   Ngân hàng đã “xắn tay”, doanh nghiệp không thể “đứng ngoài” (10/04/2013)

>   Khó cân bằng bài toán lãi suất, lạm phát và vốn (10/04/2013)

>   Ngân hàng không thể quá kỳ vọng vào VAMC (10/04/2013)

>   Ngân hàng vẫn khó tất toán trạng thái vàng (10/04/2013)

>   JPMorgan Chase: Lãi suất VNĐ sẽ giảm thêm 1% trong năm nay (10/04/2013)

>   HDBank được tăng trưởng tín dụng 12% năm 2013 (10/04/2013)

>   Saigonbank: Đặt kế hoạch lãi 412 tỷ, nợ xấu dưới 5% (10/04/2013)

>   Ngân hàng ứ vốn, đầu ra tín dụng vẫn tắc: Tiền về đâu? (10/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật