Thứ Năm, 11/04/2013 06:18

Thu hút FDI: Tăng hậu kiểm, tránh tai tiếng

Thời gian tới, cơ quan Nhà nước sẽ mạnh tay hơn trong kiểm soát lĩnh vực FDI, nhất là sau những tai tiếng gần đây của cộng đồng doanh nghiệp này.

Chủ trương phân cấp quản lý FDI được xem là đã tạo ra nhiều thuận lợi cho các tỉnh thành trong việc thu hút và quản lý dòng vốn này. Thế nhưng, ngay các địa phương cũng không hài lòng với chính sách phân cấp hiện hành. Vì sao?

Phân cấp chưa đúng thời điểm

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu, là người có trải nghiệm sâu sắc về công tác quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi trước đó ông đã có thời gian dài làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Theo dõi tình hình FDI nhiều năm, ông Sửu cho rằng việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến lĩnh vực FDI còn chậm so với đòi hỏi thực tiễn quá trình phát triển và hội nhập; còn có sự thiếu đồng bộ, thậm chí có mâu thuẫn giữa các luật liên quan trong lĩnh vực doanh nghiệp, đầu tư với pháp luật chuyên ngành... Lý do: các văn bản này được ban hành tại nhiều thời điểm khác nhau, do các bộ ngành khác nhau soạn thảo.

Việc phân cấp triệt để công tác cấp phép, quản lý đầu tư cho các địa phương trong bối cảnh công tác quy hoạch lãnh thổ, ngành, lĩnh vực còn thiếu và đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện dẫn đến tình trạng mất cân đối chung trong thu hút FDI. Trong khi đó, phạm vi, đối tượng, trình tự thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền giải quyết, trách nhiệm xử lý trong một số thủ tục đầu tư lại thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, khiến việc thực hiện chưa thống nhất.

"Luật quá thông thoáng dẫn đến số lượng dự án được cấp phép trên địa bàn ngày càng gia tăng; song, quy mô dự án FDI nhìn chung còn nhỏ, vắng bóng các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao. Việc thiếu chế tài ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ chế xử lý vi phạm là nguyên nhân cơ bản khiến một số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên, ảnh hưởng môi trường đầu tư và suy giảm lòng tin của xã hội", ông Sửu nhận xét.

Cùng quan điểm trên, một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho rằng hiện nay tuy phân cấp cho địa phương, nhưng những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và các dự án đầu tư có điều kiện, trước khi cấp phép, địa phương phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ chuyên ngành.

"Với nhiều lĩnh vực đầu tư có điều kiện, các quy định còn chung chung, dẫn đến tình trạng lĩnh vực quy mô rất nhỏ cũng phải có ý kiến thẩm tra của bộ chuyên ngành trước khi cấp phép, làm mất thời gian và gia tăng thủ tục", quan chức này nói.

Theo ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, việc phân cấp quản lý đầu tư cho các địa phương đã tạo ra tính chủ động trong quá trình thu hút FDI. Tuy nhiên, việc phân cấp vẫn tồn tại một số hạn chế như công tác quy hoạch cho từng vùng, quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch ngành nghề cho địa phương chưa hợp lý dẫn đến tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư tràn lan, không tính đến nhu cầu thị trường, gây lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp, tính liên kết vùng, phân bổ nguồn lực đầu tư trùng lắp, kém hiệu quả.

"Hệ thống pháp luật và chính sách chưa đồng bộ và đầy đủ, mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau về luật dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Các nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về sự không thống nhất chính sách giữa chính quyền Trung ương và địa phương", ông Chiến nói.

Phối hợp giám sát

Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về quản lý FDI đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan. Theo ông Nguyễn Văn Sửu, chính vì thiếu cơ chế phối hợp trong kiểm tra, giám sát đối với các dự án FDI khi đã phân cấp toàn diện cho các địa phương đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động quản lý đầu tư.

"Ý thức chấp hành nghĩa vụ báo cáo định kỳ của các doanh nghiệp FDI vẫn chưa cao, tỷ lệ thực hiện đạt thấp, chỉ đạt khoảng 25-30%. Do vậy, việc nắm bắt thông tin giám sát quản lý sau đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước rất khó khăn trong điều kiện các quy định, và chế tài xử lý vi phạm của doanh nghiệp còn thấp, chưa mang tính chất răn đe", ông Nguyễn Văn Sửu cho hay.

Từ thực tế này, TP. Hà Nội kiến nghị cần sớm xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp kiểm tra việc cấp phép, quản lý giám sát sau đầu tư... ; đồng thời các bộ chuyên ngành nên sớm ban hành rõ lĩnh vực đầu tư có điều kiện và quy định cụ thể các điều kiện đầu tư phải đáp ứng đối với dự án FDI để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.

"Việc xây dựng ban hành Quy chế là rất cần thiết nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng, hỗ trợ cho các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình quản lý, đặc biệt là việc quy định rõ trách nhiệm các cơ quan chức năng, sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành liên quan nhằm chấn chỉnh và tăng cường nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực FDI , ông Sửu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thông tư quy định công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai thực hiện các dự án cũng đang được xây dựng nhằm tăng cường "hậu kiểm" tại các dự án FDI để hạn chế những sai phạm tại các dự án này. Chẳng hạn, sẽ "kiểm tra theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất tại các doanh nghiệp, dự án FDI nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư".

Theo dự thảo, nội dung sẽ được thanh kiểm tra thường xuyên như: việc thực hiện các nội dung quy định tại giấy chứng nhận đầu tư; tiến độ góp vốn; tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ theo cam kết; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước... cũng như tình hình tài chính của chính các doanh nghiệp FDI.

Những động thái này cho thấy trong thời gian tới, cơ quan Nhà nước sẽ mạnh tay hơn trong kiểm soát lĩnh vực FDI, nhất là sau những tai tiếng gần đây của cộng đồng doanh nghiệp này.

Yến Thanh

Diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp bình ổn (10/04/2013)

>   Xăng dầu giảm giá, thị trường vẫn “trơ như đá” (10/04/2013)

>   Triển khai nhiều giải pháp tài chính “gỡ khó” cho DN (10/04/2013)

>   Có ít nhất 300 tỷ mới được mở hãng bay mới (10/04/2013)

>   6 tỷ phú người Việt khiến dân Mỹ nể trọng (10/04/2013)

>   Không thể tái cơ cấu cùng lúc các doanh nghiệp nhà nước (10/04/2013)

>   Việt Nam xuất xe máy: “Bánh ngon” không dễ nuốt (10/04/2013)

>   Vinalines không được ADB tài trợ 'vì tạo ra ít lợi nhuận' (10/04/2013)

>   “Hấp hối” vì trót đưa gần 300 tỷ cho Vinashin (10/04/2013)

>   Doanh nghiệp Việt đang bị “ngoại hóa” (10/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật