ADB khuyến cáo
Không thể tái cơ cấu cùng lúc các doanh nghiệp nhà nước
Chính phủ Việt Nam cần có cách tiếp cận có tính chiến lược và có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc, ông Tomoyuki Kimura, giám đốc ADB tại Việt Nam, nhấn mạnh tại buổi công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2013 sáng 9.4 tại Hà Nội.
Theo phân tích của ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, các DNNN vốn đang có gánh nặng nợ rất cao. Việc tái cơ cấu các doanh nghiệp này sẽ là một bài tập rất tốn kém và khó khăn. Việt Nam không thể tái cơ cấu các DNNN cùng một lúc, phải chọn doanh nghiệp nào phù hợp nhất để tái cơ cấu. Khi đã lựa chọn, phải tiến hành cơ cấu một cách tổng thể để nó gây ra được những tác động lan toả đến các doanh nghiệp khác. Việt Nam cũng phải chú ý đến nợ tiềm ẩn của DNNN vì nó sẽ khiến mức nợ công có khả năng tăng trong tương lai, và ảnh hưởng đến chính sách dư địa tài khoá của Chính phủ. Nợ công và nợ do Chính phủ bảo lãnh của Việt Nam đang ngày càng tăng. Trong năm 2009, tỷ lệ là trên 50% và hiện là 55% GDP.
Các chuyên gia của ADB cũng lưu ý việc ngân hàng Nhà nước (SBV) ước tính con số nợ xấu của các ngân hàng giảm còn 6% vào tháng 2.2013, nhưng theo ước tính của cơ quan tín dụng quốc tế Fitch, tỷ lệ nợ xấu tính theo chuẩn mực kế toán quốc tế có thể ở mức hai con số. Các doanh nghiệp hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là lý do khiến nợ xấu tại Việt Nam có thể cao hơn con số báo cáo chính thức.
Đặc biệt, ông Tomoyuki Kimura cho rằng, nợ xấu của ngân hàng và nợ xấu của DNNN là hai mặt của một đồng tiền. Kinh nghiệm của các quốc gia châu Á khác trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997 cho thấy họ phải giải quyết nợ xấu kết hợp với tái cơ cấu doanh nghiệp. Việc giải quyết nợ xấu không thể tách rời khỏi tái cơ cấu doanh nghiệp. Về cơ bản, các vấn đề nợ của DNNN cũng chính là vấn đề nợ xấu của ngân hàng.
Trả lời về gói cứu trợ bất động sản hiện nay, ông Dominic Mellor cho hay, bong bóng bất động sản ở Việt Nam đã nổ rồi. Thị trường hiện đang lắng đọng và đã rơi xuống đáy. Ở nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, họ cũng đưa ra nhiều giải pháp, như đưa ra các công ty quản lý nợ và mua lại các khoản nợ xấu như Việt Nam sẽ làm. Một điều quan trọng là khi giá cả và tài sản được xác định sẽ dựa trên cơ chế thị trường minh bạch. Vì vậy, Việt Nam có lợi thế là có thể rút ra kinh nghiệm từ các nước đi trước. Song Nhật Bản lại có những cơ chế luật về phá sản tiến bộ hơn, cũng như có cơ sở thông tin, dữ liệu dồi dào hơn trong nền kinh tế, để giúp định giá tài sản tốt hơn. Đây là một thách thức cho Việt Nam.
Dự báo cho cả năm 2013, ADB cho rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm 2013, và tăng lên 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố khu vực ngân hàng và các nền kinh tế công nghiệp lớn, lấy lại được đà phát triển trong năm 2014. Lạm phát dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức trung bình 7,5% trong năm nay, trước khi tăng lên đến 8,2% trong năm 2014.
ADB cũng nhận định, bất chấp những quan ngại nói trên, Việt Nam vẫn là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động và chi phí lao động thấp. Trong hai năm 2013 – 2014, các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Nhật Bản, không có ý định dừng đầu tư ở Việt Nam; tuy nhiên, lợi ích chủ yếu lại dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu vì đầu tư FDI từ Nhật nhắm vào các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu.
Việt Anh
sài gòn tiếp thị
|