WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia
Ngày 18/3, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia từ mức 6,3% xuống 6,2%.
Công nhân tại một nhà máy ở Indonesia
|
Lý do của sự điều chỉnh này là mức tăng trưởng đầu tư trong nước cũng như mức tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa vốn của Indonesia tiếp tục giảm.
WB cho rằng tăng trưởng nhập khẩu vốn của Indonesia đã giảm kể từ đầu năm 2012, và giảm tới 12,1% so với cùng kỳ trong tháng 1/2013, chủ yếu do giá lượng hàng hóa giảm nên đầu tư ít hơn vào các lĩnh vực khai mỏ và dầu khí.
Mặc dù kinh tế Indonesia trụ vững trước tác động suy thoái kinh tế toàn cầu và vẫn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây, nhưng thâm hụt thương mại của Indonesia lần đầu tiên lên tới mức kỷ lục là 1,63 tỷ USD trong năm 2012, và được dự báo sẽ tiếp tục thâm hụt trong năm 2013. Điều này cũng gây áp lực lên đồng nội tệ rupia.
Cũng như ở nhiều nơi khác trong khu vực, nhu cầu nội địa mạnh sẽ giúp Indonesia tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng kinh tế cao trên 6% trong những năm qua, và Ngân hàng Trung ương nước này hy vọng cán cân thương mại và tài khoản vãng lai của đất nước “Vạn Đảo” sẽ được cải thiện trong những tháng đầu năm nay, khi xuất khẩu tăng sẽ trở lại nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế đối tác chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
WB còn dự báo lạm phát của Indonesia trong năm 2013 sẽ cao nhất Đông Nam Á, với tỷ lệ 5,5%.
Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia cho biết lạm phát của nước này trong tháng 2/2013 là 5,3%, mức cao nhất trong 20 tháng trở lại đây, chủ yếu do biến động về giá thực phẩm và việc tăng lương tối thiểu cho người lao động trong cả nước.
Chính phủ Indonesia đang cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách tiếp tục trợ cấp chi phí nhiên liệu, mặc dù điều này sẽ khiến thâm hụt ngân sách gia tăng.
WB cũng ước tính thâm hụt ngân sách của Indonesia năm 2013 sẽ vào khoảng 1,9% GDP.
vietnam+
|