Thứ Hai, 18/03/2013 10:00

Đánh thuế tiền gửi, người dân Cộng hòa Síp đổ xô rút tiền

Đây là lần đầu tiên EU đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm trong một gói giải cứu

Kế hoạch đánh thuế đối với người gửi tiền tại các ngân hàng Cộng hòa Síp, một phần của gói giải cứu Liên minh châu Âu (EU) dành cho nước này, đã khiến người dân đổ xô tới các máy ATM để rút tiền mặt.

* Eurozone, IMF cấp 10 tỷ euro giải cứu Cộng hòa Síp

* S&P: Rủi ro vỡ nợ của Cộng hòa Síp ngày càng lớn

* IMF hối thúc Liên minh châu Âu củng cố ngân hàng

 

Theo đó, EU đã yêu cầu áp mức thuế 9.9% đối với người gửi tiền trên 100,000 EUR bắt đầu từ ngày thứ Ba (19/03). Hôm thứ Bảy, EU đã công bố kế hoạch trị giá 10 tỷ EUR nhằm giải cứu hệ thống ngân hàng Cộng hòa Síp và giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Đây là lần đầu tiên EU đặt ra các điều khoản như vậy đối với những người gửi tiền trong một gói giải cứu. Các gói giải cứu của EU dành các quốc gia khác trong vòng ba năm qua, chẳng hạn như Hy Lạp và Bồ Đào Nha, thường đi kèm với các điều kiện ngân sách nghiêm ngặt và dẫn đến khoản thua lỗ nặng nề cho những người nắm giữ trái phiếu.

Theo dự kiến, Quốc hội Cộng hòa Síp sẽ bỏ phiếu cho kế hoạch này vào ngày thứ Hai (18/03). Nếu được thông qua, những người gửi tiền dưới 100,000 EUR sẽ phải trả mức thuế 6.75%.

Khi nhận được thông tin trên, người dân Cộng hòa Síp đã xếp hàng dài bên ngoài các máy ATM để rút tiền. Các ngân hàng đã phải giới hạn mức rút tiền ở mức 400 EUR và nhiều máy ATM hết sạch tiền mặt vào cuối tuần qua.

Tổng thống Cộng hòa Síp, Nicos Anastasiades, đã nỗ lực trấn an người dân nước này vào Chủ nhật và thuyết phục các nhà lập pháp bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch giải cứu (bao gồm khoản đánh thuế tiền gửi tiết kiệm). Ông nói: “Chúng ta sẽ phải rời Eurozone và phá giá đồng tiền nếu vỡ nợ”.

Động thái của EU đang được các nhà làm chính sách theo dõi sát sao vì có thể đe dọa đến sự bình ổn của các thị trường tài chính châu Âu. Mối lo ngại lúc này là những người gửi tiền tại các quốc gia đang được giải cứu hoặc các quốc gia yếu kém về mặt tài chính có thể lo sợ rằng EU sẽ áp dụng các điều khoản giải cứu tương tự trong thời gian tới.

Gói giải cứu dành cho Cộng hòa Síp tương đối nhỏ so với các khoản vay khẩn cấp dành cho các quốc gia khó khăn khác của châu Âu như Hy Lạp và tương đương hơn một nửa quy mô 18 tỷ EUR của nền kinh tế nước này. Hiện Cộng hòa Síp là thành viên nhỏ nhất của EU và chỉ đóng góp 0.2% sản lượng của Liên minh. Vấn đề của Cộng hòa Síp nằm ở hệ thống ngân hàng với quy mô gấp nhiều lần quy mô nền kinh tế.

IMF có thể đóng góp vào gói giải cứu này tương tự như đối với các gói giải cứu trước đó. Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde, cho biết bà ủng hộ các điều khoản của gói giải cứu và sẽ đề nghị IMF cấp vốn.

Được biết, Cộng hòa Síp chính thức xin gói giải cứu vào tháng 6/2012 sau khi các ngân hàng nước này rơi vào tình cảnh khốn đốn do các khoản thua lỗ liên quan đến Hy Lạp. Các khoản thua lỗ đã khiến hoạt động cho vay ngưng trệ và đẩy nền kinh tế lún sâu hơn vào suy thoái.

Trong năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cộng hòa Síp giảm 2.4% và các dự báo mới nhất cho thấy nền kinh tế có thể tiếp tục suy giảm trong năm nay và năm tới. Tỷ lệ thất nghiệp chạm 12% trong năm 2012 và được dự báo tăng lên trên 14% trong năm 2014. Hiện nợ công chiếm 87% GDP và được dự báo lên tới 100% GDP trong năm 2020.

Các cuộc đàm phán về gói giải cứu đã rơi vào bế tắc trong năm ngoái sau khi Chính phủ trước đây, dưới sự cầm quyền của Tổng thống Demetris Christofias, đã phản đối các điều kiện do các nhà cho vay quốc tế đặt ra. Sau cuộc bầu cử Tổng thống mới Nicos Anastasiades vào tháng trước, các cuộc đàm phán đã được khởi động trở lại.

Được biết, Nga đã hỗ trợ cho Cộng hòa Síp khoảng 2.5 tỷ EUR trong năm 2011 để nước này củng cố tình hình tài chính công. Theo dự báo, Nga có thể tiếp tục tham gia vào gói giải cứu mới, nhiều khả năng dưới hình thức kéo dài thời hạn của các khoản vay hiện tại hoặc giảm lãi suất.

Bên cạnh mức thuế đánh lên người gửi tiền ngân hàng, Cộng hòa Síp còn phải đáp ứng một số điều kiện khác của gói giải cứu như cải tổ hệ thống tài chính và tăng thuế doanh nghiệp.

Cộng hòa Síp là quốc gia thứ tư của EU được các đối tác EU và IMF cứu trợ, sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Tây Ban Nha cũng đã nhận được khoản hỗ trợ để giải cứu hệ thống ngân hàng nhưng cho tới nay quốc gia này vẫn chưa yêu cầu một gói giải cứu quốc gia toàn diện.

Tuy nhiên, để đi đến quyết định cuối cùng về gói giải cứu, vẫn còn rất nhiều việc phải làm và Quốc hội của một số quốc gia EU sẽ phải phê chuẩn thỏa thuận này. Các nhà phân tích cho rằng sức ép để đạt được thỏa thuận là rất lớn.

Chuyên viên phân tích quốc gia của IHS Global Insight, Charles Movit, cho biết trong báo cáo tuần trước rằng: “Cả Chính phủ Cộng hòa Síp và các bộ trưởng tài chính EU (Eurogroup) đều không muốn chứng kiến một quốc gia nào vỡ nợ. Vì điều này có thể gây tác động dây chuyền lên các quốc gia khó khăn về tài chính khác”.

Niềm tin của các thị trường về Eurozone một lần nữa chao đảo khi cuộc bầu cử mới đây tại Ý vẫn chưa chọn ra được Quốc hội. Quốc gia với mức nợ công lớn thứ hai Eurozone sau Hy Lạp sẽ khó có thể cắt giảm núi nợ khi thiếu một Chính phủ ổn định.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   IMF hối thúc Liên minh châu Âu củng cố ngân hàng (17/03/2013)

>   Hội nghị thượng đỉnh EU vẫn chưa có bước đột phá (17/03/2013)

>   Thụy Sĩ có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm nay (17/03/2013)

>   Bồ Đào Nha được gia hạn giảm thâm hụt ngân sách (16/03/2013)

>   Gọng kìm mới với ngân hàng châu Âu (16/03/2013)

>   Eurozone, IMF cấp 10 tỷ euro giải cứu Cộng hòa Síp (16/03/2013)

>   Qatar lên kế hoạch rót 16 tỷ USD vào hạ tầng ở Anh (15/03/2013)

>   Hội nghị thượng đỉnh EU-Những vấn đề đầy gai góc (15/03/2013)

>   Kinh tế Canada thăng hạng với nhiều thách thức lớn (15/03/2013)

>   Hạ viện Nhật phê chuẩn Thống đốc Ngân hàng TW (14/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật