Gọng kìm mới với ngân hàng châu Âu
Ông Michel Barnier - Ủy viên về thị trường nội khối của EU cho rằng, đây là bước đi để ngăn chặn những khoản tiền thưởng đôi khi được cấp một cách không chính đáng, hay khó hiểu đối với người dân và nó thường khuyến khích việc chấp nhận các rủi ro ngắn hạn.
Quyết định lịch sử
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc cải cách thị trường tài chính châu Âu, một đề xuất hạn chế tiền thưởng dành cho các chủ ngân hàng được đưa ra nhằm giải tỏa tâm lý bất mãn của người dân khi nhìn vào các khoản tiền thưởng kếch xù mà giới lãnh đạo ngân hàng nhận được, bất chấp tình trạng làm ăn thua lỗ, phải nhận cứu trợ từ “tiền thuế của dân”.
Theo dự thảo, kể từ 1/1/2014, tiền thưởng cho giới ngân hàng sẽ phải căn cứ theo lương. Tiền thưởng dành cho lãnh đạo các ngân hàng thuộc EU sẽ không được cao gấp hơn hai lần mức lương hiện tại của người được hưởng và phải được đa số cổ đông tán thành. Bên cạnh đó, còn có nhiều quy định khống chế các khoản tiền thưởng khác của giới ngân hàng.
Việc khống chế tiền thưởng có thể làm giảm tính hấp dẫn của khu tài chính London
|
Việc hạn chế tiền thưởng dành cho các lãnh đạo ngân hàng châu Âu sẽ được đưa vào cơ chế pháp lý của EU cùng với một loạt các biện pháp khác, nhằm siết chặt các tiêu chuẩn nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ngoài ra, dự thảo có thể được áp dụng với tất cả các nhân viên làm việc tại các trung tâm tài chính trên khắp châu Âu (tất cả các ngân hàng hoạt động trên địa bàn EU và các ngân hàng EU hoạt động ở nước ngoài), đồng thời sẽ đánh vào tất cả các loại thưởng khác nhau và trong khoảng thời gian dài để tránh việc lách luật.
Ông Michel Barnier - Ủy viên về thị trường nội khối của EU cho rằng, đây là bước đi để ngăn chặn những khoản tiền thưởng đôi khi được cấp một cách không chính đáng, hay khó hiểu đối với người dân và nó thường khuyến khích việc chấp nhận các rủi ro ngắn hạn.
Đồng tình với quan điểm này nhiều nghị sĩ châu Âu cũng cho đây là một “cuộc cách mạng” bởi ngân hàng châu Âu được bảo vệ tốt hơn trước các nguy cơ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008, giảm bớt sự mạo hiểm để kiếm lợi nhuận kếch xù. Với đề xuất mới này EU hy vọng các ngân hàng ở châu Âu tiến tới sẽ phải công khai lợi nhuận và thuế của mình tại từng quốc gia hoạt động.
Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc đàm phán đề ra các quy tắc để làm cho hệ thống ngân hàng an toàn hơn của EU và là một bước tiến để thực hiện minh bạch tài chính theo chuẩn Basel III. Nghị viện châu Âu cho rằng, yêu cầu minh bạch thông tin đối với các ngân hàng sẽ giúp các nước châu Âu kiểm soát được hiện tượng trốn thuế của nhiều tập đoàn, công ty.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, mặc dù đây là bước đi đúng hướng của EU, song một luật lệ áp đặt một giới hạn tuyệt đối về tiền thưởng, toàn cầu hoặc cho từng quốc gia, đều khó có thể thực hiện bởi khi đó các công ty có thể tăng lương hoặc một số khoản hỗ trợ khác như nhà ở và xe cộ để bù vào.
Khu Tài chính London rúng động
Về bản chất, quy định mới về tiền thưởng của EU không ảnh hưởng tới tất cả nhân viên ngân hàng. Các chuyên gia ước tính mỗi ngân hàng sẽ có khoảng 300- 500 người giữ trọng trách bị cắt bớt tiền thưởng. Chịu ảnh hưởng lớn nhất là Khu Tài chính London, nơi có 144.000 nhân viên ngân hàng trong tổng số 700.000 người làm việc trong lĩnh vực tài chính. Tất nhiên, cũng sẽ chỉ có khoảng 5.000 nhà quản lý, điều hành bị ảnh hưởng của quy định mới.
Theo một nghiên cứu được hãng tin Reuters công bố ngày 10/3, năm 2012, 35 ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu đã chi 359 tỷ USD để trả lương và thưởng cho nhân viên, tăng 13 tỷ USD so với năm trước đó, trong đó phần lớn là tiền thưởng cho giới lãnh đạo. |
Tuy nhiên, quyết định cải cách của EU lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của Anh, quốc gia muốn bảo vệ vị thế trung tâm tài chính hàng đầu ở châu Âu và thế giới.
Ngày 7/3, Thủ tướng Anh David Cameron lên tiếng cho rằng, đề xuất siết chặt quy định về tiền thưởng của các chủ ngân hàng của EU là đi ngược lại lợi ích quốc gia Anh. Theo ông Cameron, đây là một vấn đề nhạy cảm bởi vì quyền lợi nước Anh nằm ở nguồn vốn đầu tư. Trong đó, nguồn vốn của Anh chiếm 40% thị phần của dịch vụ tài chính trong EU. Do vậy, Anh mong muốn trụ sở chính của các ngân hàng thế giới phải đặt tại nước mình.
Thủ tướng Anh David Cameron cho biết: “Chúng tôi có các ngân hàng quốc tế lớn có trụ sở tại Anh, nhưng có các chi nhánh và hoạt động trên toàn thế giới. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng quy định đưa ra tại Brussel là đủ linh hoạt để cho phép các ngân hàng để tiếp tục cạnh tranh và thành công trong khi được đặt tại Anh”.
Anh lo ngại việc hạn chế mức tiền thưởng sẽ khiến trụ sở đầu não tại thủ đô London và các trung tâm tài chính châu Âu mất đi cơ hội kinh doanh, đồng thời điều này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng Mỹ hay châu Á "lôi kéo" các chuyên gia có triển vọng từ châu Âu và các nhân tài từ Khu Tài chính London sẽ ra đi.
Không chỉ lo ngại rằng quy định mới sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài, mà Anh còn sợ rằng nguy cơ các ngân hàng quốc tế rút khỏi London, nơi diễn ra 1/3 số giao dịch tài chính toàn cầu, sẽ khiến Anh mất đi một phần không nhỏ trong khoản thu 32 tỷ USD hàng năm từ thuế giao dịch.
Dù cho các Bộ trưởng Tài chính Eurozone trong cuộc họp ngày 5/3 vẫn chưa thông qua dự thảo theo như lịch trình, song các chuyên gia cho rằng với sự ủng hộ của đa số các quốc gia thành viên Anh không có đủ khả năng ngăn chặn nó trở thành luật, dự kiến được thực thi từ đầu năm tới.
Hoàng Hà
Thời báo ngân hàng
|