Điện tư nhân hay nhà nước?
Các thành phố Hoa Kỳ đang cân nhắc tiếp quản công việc kinh doanh điện của các công ty tư nhân, phản ánh những mối quan ngại về biến đổi khí hậu, mất điện và mong muốn đưa năng lượng tái tạo vào lưới điện nhiều hơn.
Các cơ sở tư nhân thuộc sở hữu của các nhà đầu tư hiện đang cung cấp điện cho khoảng 70% hộ gia đình Hoa Kỳ. Họ được phép thu về lợi nhuận nhất định trên khoản đầu tư của mình, thông thường bằng cách tính phí khách hàng.
Trong khi đó, các cơ sở do chính phủ sở hữu hầu hết đã được thành lập từ 50-100 năm trước, là các đơn vị phi lợi nhuận, không chịu áp lực cổ đông, được tiếp cận nguồn tài trợ miễn thuế cho các dự án, không phải nộp thuế thu nhập liên bang và có xu hướng trả lương cho các giám đốc điều hành theo mức lương nhà nước chứ không cao như lương công ty tư nhân.
Cơ cấu tài chính đó có thể giúp các cơ sở điện của chính quyền địa phương cung cấp điện rẻ hơn và theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Liên bang, điều này đúng ở 32/48 tiểu bang có cả 2 mô hình cung cấp điện tồn tại. Ngoài ra, cơ sở điện nhà nước thường tái đầu tư doanh thu cho việc bảo trì nhiều hơn, kết quả là dịch vụ đáng tin cậy hơn và tốc độ khắc phục sự cố mất điện cũng nhanh hơn.
Thành phố Boulder (bang Colorado) đang trù tính thành lập cơ sở điện nhà nước mới.
|
Ở tiểu bang Massachusetts sau cơn bão Irene năm 2011, các cơ sở điện nhà nước tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã có thể cung cấp điện trở lại trong 1 hoặc 2 ngày, trong khi các công ty thuộc sở hữu của nhà đầu tư như NStar và National Grid mất khoảng 1 tuần.
Theo nhóm vận động “Liên minh Massachusetts vì sự lựa chọn điện nhà nước”, tỷ lệ nhân viên bảo trì mạng điện trên mỗi 10.000 khách hàng của các cơ sở điện nhà nước nói chung cao hơn so với các công ty tư nhân. Thành phố Winter Park (bang Florida) trong năm 2005 đã tiếp quản cơ sở điện tư nhân. Trong những năm đầu, họ chấp nhận mất tiền và phải tăng giá điện để cải thiện hệ thống. Kết quả là giờ đây, khách hàng được hưởng dịch vụ tốt hơn với mức giá cạnh tranh hơn.
Cơ sở điện nhà nước cũng kiếm được khoảng 45 triệu USD doanh thu, trong đó 5 triệu USD lợi nhuận được dùng để ngầm hóa đường dây điện. Thành phố đã ngầm hóa 10 trong số 80 dặm dây cáp, và với giá thành bán điện hiện nay, dự án có thể hoàn thành trong 15 năm.
Ở Boulder (bang Colorado), người dân địa phương đã trở nên mất kiên nhẫn trước sự ì ạch của các công ty điện tư nhân trong việc đáp ứng các mục tiêu môi trường nên muốn chính quyền thành lập cơ sở điện công cộng và họ chấp nhận tăng thuế để trang trải.
Dĩ nhiên, các cơ sở điện tư nhân không muốn mất quyền kiểm soát cung cấp điện và mất khách hàng cho các đối thủ mới, họ tranh cãi rằng chính quyền thành lập cơ sở công khiến họ không thể thu hồi vốn đầu tư đã bỏ ra để phục vụ khách hàng.
Thêm vào đó, họ nhấn mạnh kinh nghiệm và lịch sử lâu đời trong việc cung cấp điện.
“Đây là công việc kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi không phải điều hành các hoạt động khác của thành phố nên có thể tập trung chuyên môn” - Giám đốc David Eves của Public Service Company Colorado đang hoạt động tại Boulder tuyên bố.
Các chủ công ty điện tư nhân vẫn có những thế lực tài chính, chính trị mạnh làm hậu thuẫn. Trong khi đó, ở một số địa phương như Colorado Springs (bang Colorado), Vero Beach (bang Florida) hay New York có chuyển động ngược lại, khi đang xem xét tư nhân hóa các cơ sở cung cấp điện của mình.
Bách Sơn (Theo NYT)
sài gòn đầu tư tài chính
|