Thứ Hai, 11/03/2013 21:45

Vàng: Bất ổn và bất an!

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với vàng thực sự là gì? Bình ổn thị trường? Bình ổn thị trường đúng nghĩa là hàng hóa phải được mua bán theo đúng quy luật cung cầu, thị trường không bị bóp méo bởi các hành vi đầu cơ trực lợi. Nếu theo định nghĩa này thì hiện nay thị trường vàng Việt Nam chưa thể gọi là đã bình ổn được.

Việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam đã không còn phổ biến kể từ năm 2007, năm mà giá vàng bắt đầu biến động mạnh. Các giao dịch bằng vàng khi đó thường không thể hoàn tất êm xuôi do giá vàng biến động nhanh dẫn đến các tranh chấp dân sự khi thanh toán. Do đó người dân đã tự chuyển sang hình thức thanh toán bằng tiền.

Chờ mua vàng tại một cửa hàng của SJC dịp Tết Nguyên đán vừa qua

Thêm vào đó, các quy định hành chính về việc công chứng hợp đồng và thanh toán qua ngân hàng cũng đã góp phần loại bỏ dần thói quen sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Người mua vàng hiện nay chủ yếu để đầu cơ hoặc sử dụng vàng như công cụ tích trữ tài sản mang tính an toàn cao. Như vậy mục tiêu bình ổn thị trường vàng phải nhắm đến là loại bỏ khả năng đầu cơ lũng đoạn thị trường. Việc tích trữ vàng như tài sản là quyền lợi hợp pháp hợp hiến của người dân, không ai có quyền hạn chế cấm đoán.

NHNN cho rằng vào thời điểm 30-6-2013 khi tất cả các ngân hàng thương mại phải tất toán xong trạng thái vàng thì nhu cầu mua vàng sẽ giảm, chênh lệch cung cầu sẽ trở nên cân bằng hơn và hy vọng khi đó giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới hơn. Nhưng sự việc liệu có diễn tiến như vậy không khi các ngân hàng phải đóng trạng thái, trả vàng cho dân nhưng lại không được nhập vàng?

Hơn nữa, người dân chỉ chấp nhận trả vàng SJC do vàng SJC là thương hiệu độc quyền. Cung SJC do NHNN quyết định nhưng cầu do thị trường quyết định. NHNN cấp phép chuyển đổi vàng các thương hiệu khác sang SJC theo kiểu “bí mật, nhỏ giọt” như cơ chế xin cho thời bao cấp, tạo cho thị trường cảm giác bất an.

Thị trường bất ổn và bất an luôn là môi trường thuận lợi nuôi dưỡng hành vi trục lợi.

Đây chính là nguyên nhân đẩy cầu tăng, gây ra chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. Quản lý kiểu “mua thì dễ, bán thì khó” sẽ chỉ làm cho thị trường ngầm có cơ hội thu mua vàng SJC nhiều hơn chứ không làm “nhụt chí” mua vàng tích trữ của người dân. Khi thị trường ngầm có thể tích lũy số lượng vàng miếng SJC đủ lớn để tạo áp lực giá thì liệu NHNN có thể làm ngơ không xuất dự trữ ngoại hối nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng miếng để bình ổn thị trường hay không? Khi đó mục tiêu bình ổn thị trường sẽ phải đánh đổi bằng sự biến động giá trị nội tệ, tác động đến lạm phát, dẫn đến mục tiêu này đạt được sẽ ảnh hưởng mục tiêu vĩ mô khác!

Quy định cấm các ngân hàng thương mại huy động vàng trả lãi là hợp lý, vì việc ngân hàng huy động vàng rồi chuyển đổi sang nguồn vốn cho vay sẽ kích thích nhu cầu mua vàng để đầu cơ sinh lợi. Tuy nhiên, ngưng huy động vàng sẽ làm giảm nhu cầu nhập vàng để đầu cơ, nhưng không làm giảm nhu cầu mua vàng tích trữ vốn là thói quen hàng trăm năm của người dân. Theo số liệu của NHNN thì thời gian trước đây hệ thống ngân hàng đã huy động 60,1 tấn vàng trong dân (tương đương khoảng 70.000 tỉ đồng được đưa vào lưu thông). Tuy nhiên, cũng chính NHNN tính toán số liệu nguồn vàng tích trữ trong dân cư khoảng 400-500 tấn. Như vậy ngay vào thời điểm vàng được huy động nhiều nhất thì số vàng trong dân đưa ra lưu thông cũng chỉ hơn 10% số vàng họ tích trữ mà thôi.

Vừa qua khi có thông tin NHNN chuẩn bị đấu thầu vàng miếng, giá vàng vừa hạ giảm chênh lệch với giá thế giới thì người dân đã ồ ạt mua vàng. Các ngân hàng thậm chí không còn vàng miếng lẻ để bán, tình trạng xếp hàng mua vàng ngay lập tức tái diễn! Điều này chứng tỏ những bất ổn và bất an chỉ làm tăng chứ không làm giảm đi nhu cầu tích trữ vàng trong dân.

Nhu cầu tích trữ trong dân chỉ có thể giảm đi khi nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, khi đó tiền sẽ được ưu tiên đưa vào sản xuất kinh doanh thay cho tích trữ. Trong 10 nước đứng đầu thế giới về số lượng vàng tích trữ thì chỉ có hai nước châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc, trong đó dân chúng Nhật Bản không có thói quen tích trữ vàng. Trừ IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu thì cư dân ở sáu nước còn lại là Mỹ và năm nước châu Âu cũng đều không tích trữ vàng. Khác với Ấn Độ là nước thả nổi đồng rupi, Trung Quốc là nước áp dụng chính sách cố định tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, nhưng cả hai nước đều theo đuổi chính sách tự do hóa thị trường vàng. Các nước Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan) đều là những nước mà ngân hàng trung ương tích trữ vàng như thành phần của dự trữ ngoại hối và dân chúng các nước này vẫn còn thói quen tích trữ vàng.

Tuy nhiên các ngân hàng trung ương của các nước này không có ngân hàng nào đứng ra độc quyền quản lý thị trường vàng. Vàng được giao dịch thông qua các sàn giao dịch tập trung có tính chuyên nghiệp cao (Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore là những nước có sàn giao dịch quy mô quốc tế). NHNN nên tổ chức và quản lý sàn giao dịch vàng tập trung (sàn giao dịch vàng vật chất, không phải loại hình sàn ảo như trước đây). Chính sách thiết lập, quản lý và vận hành sàn vàng phải thực sự minh bạch, ổn định và liên thông với thế giới. Ngân hàng thương mại được phép kinh doanh giao dịch vàng trên sàn này và cân bằng trạng thái vàng bằng công cụ phái sinh, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa không phải xuất lượng ngoại tệ lớn để nhập vàng.

Nhu cầu tích trữ vàng trong dân là nhu cầu tự nhiên và hợp pháp. Việc điều tiết thị trường bằng công cụ hành chính, khi áp dụng vào bất kỳ loại hàng hóa nào, cũng chỉ tạo sự bất an về minh bạch thông tin và về cơ chế xin cho. Thị trường bất ổn và bất an luôn là môi trường thuận lợi nuôi dưỡng hành vi trục lợi. Để thị trường vận hành thực sự minh bạch làm yên lòng dân chúng, dập tắt hành vi đầu cơ trục lợi, tận dụng lợi thế thông tin để kiếm lời, NHNN nên công bố lộ trình các tiến trình quản lý và cách quản lý giá vàng minh bạch. NHNN đang sử dụng 100% công cụ hành chính để điều hành thị trường mà những vận hành của nó buộc phải liên thông với quốc tế - nơi áp dụng 100% công cụ thị trường để điều tiết. Sự khập khiễng này cần sớm được điều chỉnh để tránh cái giá phải trả là sự thua lỗ của các ngân hàng thương mại và sự thiệt hại của người dân do phải mua vàng không đúng giá trị thực của nó.

Nguyễn Thị Bảo Quỳnh - Chủ tịch HĐTV - Công ty Giải pháp Thông minh I-Solution

tbktsg

Các tin tức khác

>   Không thể xa rời mục tiêu điều hành giá vàng (11/03/2013)

>   Mở lối cho vàng trang sức hướng ngoại (11/03/2013)

>   Giá vàng trong nước quay đầu giảm (11/03/2013)

>   Kỳ vọng vàng giảm giá (10/03/2013)

>   Giá vàng tuần tới: Áp lực giảm vẫn lớn (10/03/2013)

>   Giá vàng tăng hơn 400.000 đồng trong tuần (09/03/2013)

>   Tình trạng quá bán đẩy vàng tăng giá bất chấp thông tin bất lợi (09/03/2013)

>   Vàng bán cho Ngân hàng Nhà nước phải đóng lô 100 lượng (08/03/2013)

>   Đấu thầu vàng miếng: Vướng đâu, gỡ đó (08/03/2013)

>   Cần những quy chuẩn cho vàng trang sức  (08/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật