Không thể xa rời mục tiêu điều hành giá vàng
Các chính sách liên quan đến vàng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện đều nhằm ổn định giá bán, thiết kế lại thị trường, ngăn chặn biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, khuyến khích đưa tiền vào sản xuất, kinh doanh. Nhưng trên thực tế, giá vàng thế giới đang trở thành điểm quy chiếu cho phương pháp quản lý hiện nay, không phải những mục tiêu nêu trên.
Việc giá vàng trên thị trường thế giới không thể trở thành điểm quy chiếu cho điều hành, quản lý thị trường này ở nước ta là câu hỏi dễ trả lời. Trước hết, không có căn cứ nào để khẳng định thị trường thế giới không bị thao túng bởi nhóm lợi ích hay tình trạng đầu cơ. Điều này hoàn toàn dễ nhận ra vì giá vàng chỉ biến động mạnh khi tình hình thế giới không ổn định hay kinh tế khủng hoảng. Khi đó vàng sẽ trở thành một điểm tựa an toàn cho cá nhân, tổ chức khiến nhu cầu dự trữ mặt hàng này tăng cao. Trong tình trạng này không thể khẳng định là chẳng có hiện tượng cố tình tạo ra mức cầu lớn hơn nhiều lần so với mức cung để đẩy giá bán lên cao, trục lợi của nhóm lợi ích nào đó.
Ngoài ra, giá vàng trên thị trường thế giới được đưa ra làm căn cứ so sánh trên thực tế là giá tại các sàn giao dịch. Trong khi, giá vàng tại thị trường trong nước là mức giá của một số thương hiệu vàng có uy tín trên thị trường và hiện là giá SJC. Phương thức giao dịch vàng trên thế giới và trong nước khác nhau nên không thể khuôn diễn biến ở thị trường trong nước vào căn cứ này. Tất nhiên, ảnh hưởng từ thị trường thế giới đến nước ta là điều khó tránh khỏi khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Nhưng đó là phản ứng tự nhiên của thị trường.
Mục tiêu cuối cùng của các giải pháp điều hành giá vàng hiện nay cũng được Ngân hàng Nhà nước khẳng định là để kiến tạo lại thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, khuyến khích đưa tiền vào sản xuất, kinh doanh thay vì vào dự trữ vàng như hiện nay. Song các biện pháp được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong thời gian gần đây như cho phép tạm xuất, tái nhập vàng, thử nghiệm đấu thầu vàng miếng... lại hướng đến mục tiêu kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Ở đây không chỉ là việc chính sách bất nhất, quan trọng hơn là ai được lợi, ai bị thiệt khi thực hiện những giải pháp này.
Có thể thấy, việc tạm xuất vàng bốn số chín phi SJC rồi nhập lại vàng nguyên liệu về để dập thành vàng SJC sẽ giúp các ngân hàng được phép thực hiện. Mặc dù theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, việc cho phép tạm nhập, tái xuất thực chất là đổi vàng miếng phi SJC thành vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế. Phương thức này không làm phát sinh nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng, cũng như không tạo áp lực lên thị trường ngoại tệ, gây ra biến động về tỷ giá. Nhưng thực tế, chênh lệch giá giữa vàng phi SJC và vàng SJC đang được thấy rõ trên thị trường trong nước. Vậy nhưng chỉ trong một thời gian ngắn các ngân hàng được quy đổi lượng lớn vàng phi SJC hiện đang nắm giữ để bán thành loại vàng có giá cao hơn. Thế thì không phải ngân hàng thương mại được lợi trước nhất từ các biện pháp can thiệp hành chính đang được Ngân hàng Nhà nước áp dụng hay sao?
Dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định giá vàng trong nước không liên thông với giá vàng thế giới. Nhưng các phát biểu gần đây của đại diện cơ quan quản lý vẫn xác định đây là một tiêu chí cho quản lý loại hàng hóa này. Đúng là giá vàng tại thị trường trong nước đã giảm so với thời điểm căng thẳng giữa năm 2012. Song mục tiêu cao hơn là giảm tình trạng tích trữ, đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh thì chưa thực hiện được. Trong những ngày trước và sau Tết, hình ảnh người dân xếp hàng mua vàng đã lặp lại. Nhu cầu tích trữ vàng vẫn tăng cũng bởi việc cấp phép chuyển đổi vàng thương hiệu khác sang SJC không được công bố rõ ràng, mà bức tranh kinh tế chưa có nhiều tín hiệu tích cực. Trong khi đó, giá loại hàng hóa này giảm lại là một cơ hội để các tổ chức tín dụng thực hiện tất toán trạng thái vàng của mình. Bởi họ sẽ không phải tốn chi phí như trước để mua vàng về bù đắp cho lượng đã chuyển thành vốn cho vay trước đó.
Mục tiêu đưa giá vàng trong nước về sát với giá thế giới không thể thay thế cho các mục tiêu khác. Nhiệm vụ quan trọng nhất với cơ quan chức năng là phải có biện pháp để thị trường này hoạt động lành mạnh, hạn chế tối đa sự chi phối của giớái đầu cơ. Mặt khác, nhu cầu tích trữ trong dân chỉ có thể giảm đi khi kinh tế phát triển ổn định. Do đó, can thiệp hành chính cần sử dụng ở mức hợp lý để tránh những chi phí không cần thiết và làm méo mó thị trường này.
Lê Bình
đại biểu nhân dân
|