Đấu thầu vàng miếng: Vướng đâu, gỡ đó
Với thị trường vàng của Việt Nam hiện nay, mục đích của cơ quan quản lý là khi thị trường cần vàng thì NHNN bán và xử lý sự mất cân đối cung cầu. Trong trường hợp giá vàng thế giới tăng mà nhu cầu vàng trong nước cao thì NHNN sẽ tổ chức đấu thầu nhiều phiên trong tuần.
Có niêm yết giá vàng như tỷ giá?
Phiên đấu thầu thử nghiệm NHNN bán vàng miếng cho các TCTD và DN diễn ra suôn sẻ. Nhưng đó mới là những thực hành dựa trên giả định. Còn với diễn biến thực, khi giá vàng thế giới liên tục biến động thì những thành viên tham gia đấu thầu sẽ khá “vất vả” với bài toán chi phí và lợi nhuận.
Vậy quy trình đấu thầu như thế nào, và có giống với cấp quota xuất nhập khẩu hay không? Và trong trường hợp nào thì NHNN bán vàng ra? Lãnh đạo NHNN cho biết, việc NHNN thực hiện các phiên đấu thầu để bán vàng ra thị trường là nhằm mục tiêu bình ổn thị trường. Một băn khoăn nữa là vấn đề định giá vàng. Liệu tới đây là có điều chỉnh giá liên tục theo sự liên thông với giá vàng thế giới, thậm chí công bố giá vàng như tỷ giá USD hàng ngày?
Các chuyên gia kinh doanh vàng cho rằng, giá vàng quốc tế thay đổi từng giây, từng phút, việc công bố giá như vậy không phải mục tiêu của NHNN. Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay chỉ ở một số nước có vàng sa khoáng với trữ lượng lớn thì NHTW mới công bố giá vàng hàng ngày.
Chẳng hạn, ở Philippines, NHTW công bố giá vàng 2 lần trong ngày: một lần buổi sáng và một lần buổi chiều để các DN đến bán vàng cho NHTW. Nhưng đó là lúc thị trường vàng châu Á bình thường, còn khi thị trường biến động liên tục thì cũng khó có thể thực hiện niêm yết giá.
Trong khi đó, với thị trường vàng của Việt Nam hiện nay, mục đích của cơ quan quản lý là khi thị trường cần vàng thì NHNN bán và xử lý sự mất cân đối cung cầu. Theo nguồn tin mà Thời báo Ngân hàng có được, trong trường hợp giá vàng thế giới tăng mà nhu cầu vàng trong nước cao thì NHNN sẽ tổ chức đấu thầu nhiều phiên trong tuần. “Chẳng hạn, theo dự kiến mỗi tuần NHNN thực hiện 1 đến 3 phiên. Nhưng nếu nhu cầu vàng trong nước lớn, thì chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu tiếp”, lãnh đạo một vụ chức năng của NHNN cho biết.
Việc đấu thầu bán vàng của NHNN được các TCTD và DN đồng tình, tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần chọn giờ đấu thầu cho phù hợp để các đơn vị có thể tính toán tham gia. Giám đốc một DN kinh doanh vàng cho rằng, NHNN nên chọn thời điểm từ 9 giờ đến 9 giờ 30 phút là hợp lý. Bởi khi đó, DN sẽ ước lượng được cung cầu của thị trường để tham gia đấu thầu.
Còn đại diện một NHTM lớn cho biết, quy định tại Điều 6 của Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN có phần hơi “nặng tay” khi cơ quan quản lý sẽ tạm ngừng giao dịch mua, bán vàng miếng với TCTD và DN trong thời gian 6 tháng trong các trường hợp: TCTD, DN bán vàng không bảo đảm chất lượng cho NHNN; vi phạm quy định về đặt cọc mua, bán vàng miếng quy định tại Thông tư này; thanh toán, giao nhận không đúng thời hạn quy định 3 lần và vi phạm 3 lần các quy định về thông tin, báo cáo tại Thông tư này.
“Cơ quan quản lý có thể rút ngắn thời gian tạm ngừng giao dịch, thay vì 6 tháng như dự thảo thông tư. Bởi trong bối cảnh hoạt động kinh doanh hiện nay khó có thể đảm bảo không đơn vị nào vi phạm”, đại diện một NHTM đề nghị.
NHNN chỉ bán buôn
Nói đấu thầu nghe có vẻ to tát, nhiều người nghĩ phải giống như một trung tâm giao dịch, nhưng thực tế chỉ là một phòng nhỏ, các đơn vị mang đơn đến bỏ thầu. Cơ chế đấu thầu rất minh bạch và các bên tham gia giám sát lẫn nhau. NHNN thiết kế quy trình đảm bảo hạn chế rủi ro trong quy trình đó về giá, chất lượng.
Lịch sử hoạt động ngân hàng của Việt Nam trước đây khi còn Công ty Vàng bạc đá quý Việt Nam, Nhà nước đã từng can thiệp thị trường vàng. Nhưng thời điểm đó thị trường vàng không lớn và phức tạp như hiện nay. Từ những bài học kinh nghiệm lịch sử trước đây NHNN đưa ra một cơ chế mới, thực hiện chỉ đạo bán buôn trên thị trường chứ không can thiệp trực tiếp qua bán lẻ. Và 20 năm trước dự trữ vàng của NHNN mỏng, xuất đi vài chục kg vàng cũng phải tính toán thận trọng.
Lãnh đạo NHNN Việt Nam cho biết, khác biệt của NHNN so với nhiều nước trên thế giới vừa là thành viên Chính phủ, vừa đóng vai trò là NHTW nên cũng như tất cả NHTW các nước khác trên thế giới là tham gia thị trường gồm thị trường tiền tệ, thị trường vàng. NHNN tham gia thị trường vàng không phải làm kinh doanh mà được xem là biện pháp quản lý.
Theo quy định tại Quyết định số 16/2013/QĐ - TTg về việc mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN: Căn cứ mục tiêu CSTT trong từng thời kỳ NHNN mua bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng. Tùy tình hình thực tế, NHNN sẽ xác định giá, thời điểm, khối lượng, hình thức mua, bán. NHNN có thể mua bán vàng miếng trực tiếp hoặc thông qua đấu thầu. Nhưng dù có theo phương thức nào, thì giá giao dịch của NHNN với các TCTD và DN cũng là giá bán buôn. Còn giá trên thị trường bán lẻ là giá mua, bán của các TCTD, DN với người dân.
“Giá trên thị trường là do thị trường quyết định, trên cơ sở cung cầu. Đặc biệt bán vàng qua hình thức đấu thầu. Ví dụ, một đơn vị trúng thầu với giá 45 triệu đồng/lượng với 1 nghìn lượng vàng mà cứ đòi giá 47 triệu đồng/lượng mới bán ra cũng khó. Bởi nếu, ngân hàng hay DN cứ ôm trạng thái 1 nghìn lượng vàng, chẳng may giá giảm thì sẽ bị lỗ. Bên cạnh đó, NHNN cũng đề nghị các đơn vị thường xuyên báo cáo về tình hình sử dụng vàng miếng mua của NHNN sau khi trúng thầu”, một chuyên gia ngân hàng lý giải.
Không có chuyện chạy đấu thầu như chạy quota nhập khẩu. Với phương thức đấu thầu, NHNN sẽ công bố bán ra số lượng, mức giá. Đơn vị nào thấy cần thì tham gia đấu, bỏ trúng thầu thì được.
Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, sẽ phải có hội đồng xét thầu, rồi qua nhiều tầng kiểm soát, như Kiểm toán nội bộ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ. Các cơ quan này sẽ Kiểm tra từng bộ hồ sơ đấu thầu; tại sao được chọn thầu... Như vậy, không thể xảy ra tiêu cực được.
|
Quang Cảnh
thời báo ngân hàng
|