Cơ hội nào cho vàng trang sức?
Mở lối cho vàng trang sức hướng ngoại
Một chuyên gia kinh doanh vàng cho rằng, nhiều ngành hàng của Việt Nam khó vươn ra thế giới được vì độ tinh xảo, mẫu mã còn yếu. Trong khi đó với lĩnh vực vàng trang sức muốn xuất khẩu được cần phải đầu tư rất lớn vào khâu chế tác, nâng giá trị sản phẩm, thương hiệu.
* Cần những quy chuẩn cho vàng trang sức
Doanh số xuất khẩu chưa đến 500 triệu USD
Theo đánh giá của một chuyên gia kinh doanh vàng, ngành vàng trang sức, mỹ nghệ của chúng ta so với các nước trong khu vực còn khá khiêm tốn. Một số liệu từ Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho thấy, doanh số xuất khẩu vàng trang sức của Hồng Kông mỗi năm đạt gần 3 tỷ USD, trong khi đó xuất khẩu vàng trang sức của Việt Nam không được 500 triệu USD.
Sức cầu vàng trang sức chưa lớn do thu nhập của người dân còn thấp
|
Hiện nay, PNJ là thương hiệu sản xuất vàng trang sức lớn nhất Việt Nam nhưng doanh số 1 năm cũng chưa đến 100 triệu USD. Một số DN sản xuất vàng trang sức như: Kim Hảo (Sài Gòn), hay miền Bắc có DoJi, Huy Thành cũng chủ yếu bán trong nước, doanh số xuất khẩu không đáng kể.
Ngoài ra, cũng phải kể đến Tập đoàn Pranda của Thái Lan có mở Công ty TNHH Pranda Việt Nam, chủ yếu xuất khẩu tới 80% còn tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 20%. Doanh số của công ty này lớn hơn PNJ, nhưng là DN 100% vốn nước ngoài, chỉ sử dụng nhân công của Việt Nam nên khó có thể coi là đại diện cho thương hiệu nội.
Ông Nguyễn Thanh Trúc – Tổng giám đốc Tổng Công ty vàng Agribank Việt Nam cho rằng, DN muốn đầu tư sản xuất vàng trang sức xuất khẩu phải có vốn lớn, công nghệ hiện đại, cùng với đó phải xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. VGTA cũng muốn mở rộng thị trường vàng trang sức cho các hội viên nhưng năng lực của nhiều DN chế tác vàng Việt Nam hiện còn hạn chế, nên lực bất tòng tâm. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các thành viên VGTA thì cần sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và NHNN.
Ở Thái Lan, Hiệp hội Vàng bạc đá quý của Thái Lan rất mạnh với 1.500 hội viên, kinh phí hoạt động, xúc tiến thương mại của hiệp hội này tới 50 - 70 triệu USD. Trong khi đó, ở Việt Nam có trên 10 nghìn DN sản xuất kinh doanh vàng trang sức, đá quý, nhưng VGTA chỉ chưa đầy 100 hội viên. Số DN có doanh số 10 triệu USD/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Xuất ngoại: đường xa và khó đi
Một chuyên gia kinh doanh vàng cho rằng, nhiều ngành hàng của Việt Nam khó vươn ra thế giới được vì độ tinh xảo, mẫu mã còn yếu. Trong khi đó với lĩnh vực vàng trang sức muốn xuất khẩu được cần phải đầu tư rất lớn vào khâu chế tác, nâng giá trị sản phẩm, thương hiệu. Ở nhiều nước trên thế giới độ tinh xảo có thể chiếm tới 20% giá thành sản phẩm, thì ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 5 – 7%. Đó cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu vàng trang sức còn thấp.
“Từng là DN sản xuất vàng trang sức khá sớm được chuyển giao từ Tổng công ty Vàng bạc đá quý Việt Nam, nhưng bước đi quá thận trọng nên lĩnh vực vàng trang sức của Agribank vẫn chưa được chú trọng đầu tư”, ông Nguyễn Thanh Trúc chia sẻ.
Tuy nhiên, tới đây, Agribank sẽ chuyển hướng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này khi đang chuẩn bị nhập thiết bị để sản xuất vàng trang sức. Muốn vàng trang sức xuất khẩu được phải quan tâm nâng cao chất lượng và mẫu mã. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của bản thân các DN ông Đinh Nho Bảng – Tổng thư ký VGTA cho rằng, cần phải có cơ chế chính sách để thông thoáng hơn cả về đầu vào và đầu ra của vàng trang sức.
Hiện mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cao đang gây nhiều khó khăn cho vàng trang sức xuất khẩu. Bởi vậy, để phát triển vàng trang sức thì phải kéo giá vàng trong nước xuống sát giá thế giới. Bên cạnh đó, một chuyên gia kinh doanh vàng kiến nghị, Nhà nước nên cho DN sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài để ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất, cạnh tranh với quốc tế.
Thứ hai, hiện nay thuế xuất khẩu vàng trang sức có hàm lượng từ 80% đến dưới 99,99% là 10%. Còn các sản phẩm vàng trang sức hàm lượng dưới 80%, thuế suất là 0%. Theo vị chuyên gia trên, Nhà nước nên xem xét điều chỉnh thuế suất xuất khẩu vàng nói chung xuống còn 0 đến 1%. Bởi các quốc gia khác trong khu vực đã giảm thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ xuống mức 0%, nên ngành vàng trang sức của họ luôn đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, khi mà các DN chưa được cấp quota nhập khẩu vàng thì cần có chính sách cho họ vay vàng.
Hướng ngoại sẽ là con đường dài và không dễ dàng đối với vàng trang sức Việt Nam. Nhưng với sức cầu trong nước còn quá khiếm tốn khi thu nhập người dân chưa cao, thì hướng ngoại là hướng đi để tồn tại và phát triển. Để vàng trang sức Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thế giới thì cần rất nhiều trợ lực, cả về vốn đầu tư lẫn cơ chế, chính sách.
Đức Nghiêm
thời báo ngân hàng
|