Thứ Tư, 27/03/2013 09:10

Thị trường vật liệu đang rơi vào tay “đại gia“ ngoại

Thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo những khó khăn chồng chất lên ngành vật liệu xây dựng nội địa nhưng lại đang tạo cơ hội quý báu cho các đại gia ngoại trong những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) “ngon lành”. Thực tế là thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam có thể rơi vào tay đại gia nước ngoài trong ngày một ngày hai.

Một góc Nhà máy Xi măng Thăng Long

Những thương vụ “giật mình”

Thông tin Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia) mua lại 70% cổ phần (tương đương 230 triệu USD) Xi măng Thăng Long từ CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) từng gây “sốc” không ít đối với những người quan tâm đến thương hiệu Việt những ngày cuối năm vừa rồi. Sement Gresik là tập đoàn xi măng lớn nhất Đông Nam Á, và đây là thương vụ đầu tư đầu tiên của Semen Gresik ra ngoài lãnh thổ Indonesia. Thương vụ M&A Xi măng Thăng Long cũng được coi là vụ M&A lớn được tiến hành vào loại nhanh nhất, chỉ chưa đầy 4 tháng kể từ khi đàm phán đến lúc triển khai.

Một thương vụ M&A khác cũng làm xôn xao thị trường vật liệu xây dựng là việc Tập đoàn Siam (SCG) của Thái Lan mua lại 85% cổ phần của Tập đoàn Prime (khoảng 5.000 tỷ đồng). Prime được coi là “người khổng lồ”, là thương hiệu hàng đầu về sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam với 20% thị phần.

Với thương vụ này, cùng với việc SCG thông qua công ty con NawaPlastic gom hơn 20% cổ phần của hai công ty nhựa lớn nhất Việt Nam là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong để chờ nâng tỷ lệ nắm giữ tại cả 2 công ty lên 49% khi điều kiện cho phép, Siam đã thực sự đã trở thành “đại gia” trên thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam. Trước đó, SCG đã đặt vấn đề với Bộ Xây dựng về việc đầu tư nhà máy xi măng tại Việt Nam, nhưng năm 2011, tập đoàn này đã chi 5,5 triệu USD để mua lại 99% cổ phần và nâng cấp Nhà máy Xi măng Bửu Long (Đồng Nai) có công suất 200.000 tấn/năm.

3 tháng đầu năm, thị trường vật liệu xây dựng vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Xi măng mới tiêu thụ được khoảng hơn 10 tấn, tương đương với 19,54% kế hoạch. Lượng xi măng tồn kho hiện khoảng 5,5% - không phải do tiêu thụ tốt hơn mà do DN điều tiết kế hoạch sản xuất. Kính xây dựng tiêu thụ bằng khoảng 65% so với cùng kỳ, trong khi các loại vật liệu khác chỉ nhỉnh hơn một chút – khoảng 70% so với cùng kỳ. Lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) dự báo, thị trường vật liệu xây dựng năm 2013 khó có chuyển biến gì đáng kể, chỉ hy vọng sẽ không xấu hơn năm 2012.

Thị trường đang “rơi” vào tay đại gia ngoại

Nhận định về xu hướng M&A trong lĩnh vực vật liệu xây dựng hiện nay, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, khi kinh tế khó khăn như hiện nay, hoạt động thâu tóm để mở rộng thị phần và tiềm lực sẽ càng có đất phát triển. Trong bối cảnh này, M&A là lối thoát tốt nhất cho các DN trước nguy cơ phá sản.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua được các nhà máy với giá rẻ hơn so với trước đây. Điều này sẽ đem lại nguồn lợi lớn hơn nhiều so với việc đầu tư xây dựng nhà máy mới, bởi các nhà máy hiện tại đã có thương hiệu và thị trường. “Có cung mà có cầu, khi khó khăn có người thu xếp tiền để giải quyết khó khăn đó, thế là mừng rồi” – một vị lãnh đạo Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nói về hoàn cảnh trước mắt của các DN vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, nếu nhìn về lâu về dài, chúng ta đang đối mặt với thực trạng thị trường vật liệu xây dựng nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại. Khi đó, câu chuyện bình ổn giá và điều tiết thị trường sẽ phải nhìn nhận theo hướng khác. Ông Nguyễn Văn Thiện (Hiệp hội Xi măng Việt Nam) cho rằng, lợi nhuận sẽ chuyển ra nước ngoài, trong khi nguyên liệu cho sản xuất xi măng là tài nguyên trong nước. “Như vậy, chúng ta vừa bị mất tài nguyên, vừa trở thành công trường sản xuất gánh thêm ô nhiễm môi trường…” – ông Thiện nói.

Cũng trong tâm trạng giằng xé và tiếc nuối không ít, ông Nguyễn Quang Cung (Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam) bày tỏ, đúng là trong bối cảnh hội nhập, việc bán – mua là bình thường, nhưng “việc các đại gia ngoại vào mua các doanh nghiệp vật liệu xây dựng với quy mô lớn để lại cho chúng ta không ít suy ngẫm”. “Lúc này, xi măng bán không được, gạch bán không được, vật liệu xây dựng tồn kho, doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản, tại sao doanh nghiệp nước ngoài lại “dại” mà vào mua thứ ế ẩm, mua quy mô lớn, để chịu lỗ? Phải chăng, họ đã nhìn thấy điểm sáng phía trước trong bức tranh tiêu thụ vật liệu?” – ông Cung nói.

Nhìn lại, các đại gia ngoại trên thị trường vật liệu xây dựng lúc này đều là những công ty xuyên quốc gia với tiền nhiều và kinh nghiệm dầy dặn. “Thật xót xa khi chúng ta thiếu tiền mà phải bán doanh nghiệp. Chúng ta trồng cây mà không thể đợi đến ngày hái quả. Doanh nghiệp vật liệu xây dựng giờ đang chịu khấu hao, và 5 – 10 năm nữa chúng ta sẽ lãi bằng chính nhà máy chúng ta vừa khấu hao xong đó, thế nhưng chúng ta lại không đủ sức nuôi doanh nghiệp đến ngày đó” – ông Cung buồn rầu.

Chúng ta đã có những bài học không nhỏ khi thị trường thức ăn chăn nuôi nằm trong tay các đại gia ngoại. Và, nếu không có biện pháp kịp thời, thì không chỉ thị trường vật liệu xây dựng, mà còn những lĩnh vực khác nữa, sẽ lặp lại những trải nghiệm khó khăn như đang diễn ra trên thị trường thức ăn chăn nuôi.

Hoàng Thủy

Pháp Luật Việt Nam

Các tin tức khác

>   Thức ăn chăn nuôi: Nước ngoài mở rộng, trong nước thu hẹp (27/03/2013)

>   Bị rút thương quyền, DN nguy cơ phá sản (27/03/2013)

>   Doanh nghiệp vượt khó cách nào? - Bài 1: Gam màu tối! (25/03/2013)

>   Doanh nghiệp vượt khó cách nào ? Bài 2: Đòn bẩy chính sách (27/03/2013)

>   FDI sẽ tập trung vào ngành điện tử, thực phẩm, may mặc (26/03/2013)

>   8 DN xuất cá tra sang Mỹ được hưởng thuế suất thấp (26/03/2013)

>   Hiệp định TPP - Cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu hơn (26/03/2013)

>   Khuôn mặt mới của “cuộc chiến” chống chuyển giá? (26/03/2013)

>   TP Hồ Chí Minh: Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phục hồi (26/03/2013)

>   KCN, KCX "chuyển mình" đón làn sóng FDI mới (26/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật