Thứ Tư, 27/03/2013 06:23

Doanh nghiệp vượt khó cách nào ? Bài 2: Đòn bẩy chính sách

Hàng loạt chính sách về thuế, phí, lãi suất cùng với những bất cập trong quản lý đã tạo nên rào cản kéo lùi sự phát triển của thị trường. Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó, điều tiên quyết lúc này cần phải có một đòn bẩy chính sách hợp lý, nhất quán và đi ngay vào cuộc sống.

* Doanh nghiệp vượt khó cách nào? - Bài 1: Gam màu tối!

Chòi đạp vươn lên

Theo kết quả khảo sát 800 DN hội viên do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM vừa thực hiện, có tới 81% trong số DN trên phàn nàn về chi phí và lệ phí quá cao, thuế thu nhập cao làm DN mất khả năng cạnh tranh; 76% DN (chủ yếu trong ngành dệt may, da giày) cho biết, lợi nhuận của các hợp đồng xuất khẩu giảm mạnh do giá đơn hàng xuất khẩu không tăng, trong khi chi phí đầu vào tăng cao; 76% DN cho rằng, lãi suất vốn vay ngân hàng vẫn còn quá cao; 68% DN phản ánh còn gặp nhiều vướng mắc, phiền hà do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ; 92% DN yêu cầu có chính sách miễn, giảm và gia hạn thuế.

Ngành thủy sản đang rất cần sự hỗ trợ như giãn, giảm thuế để gia tăng sản lượng xuất khẩu. Chế biến tôm xuất sang thị trường Nhật Bản.

Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK Nam Thái Sơn cho biết, hiện nhiều DN ngành nhựa tại TPHCM đã ký được hợp đồng đến hết tháng 6-2013. Nhưng nghịch lý là dù có đơn hàng nhưng do thiếu vốn, nên DN chưa thể mua đủ nguyên liệu sản xuất để thực hiện các đơn hàng trên. Cũng có những DN đang sản xuất bằng vốn tự có hoặc chiếm dụng vốn lẫn nhau dẫn đến sức cạnh tranh yếu. “Không có DN nào dám đi vay vốn ngân hàng lúc này vì lãi suất quá cao. Cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho DN xuất khẩu mới mong cải thiện được tình hình”, ông Trần Việt Anh kiến nghị.

Sức mua chậm, giá đơn hàng xuất khẩu không tăng so với chi phí đầu vào tăng khá cao khiến các nhà sản xuất và kinh doanh phải năng động hơn trong cách nghĩ và cách làm. Họ buộc phải tự chòi đạp để tồn tại, vượt qua khó khăn. Trưởng phòng kinh doanh một công ty thực phẩm cho biết, thời gian này, hầu hết nhân viên trong phòng đều phải ngược xuôi ở ngoài đường hoặc “nằm vùng” ở các tỉnh, thành để tìm kiếm, phát triển thêm điểm bán mới. Mặt khác, công ty cũng tham gia hầu hết các hội chợ trong và ngoài nước, tổ chức các đợt quảng bá sản phẩm, thông qua khuyến mãi để bán hàng, mở thêm thị phần.

Các siêu thị điện máy đang ráo riết kết hợp với các ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho khách hàng khi mua hàng hóa. Ngoài việc giảm giá bán sản phẩm bình quân từ 10%-30%, với các khách hàng mua sắm và thanh toán qua thẻ sẽ được giảm giá trực tiếp 5% trên đơn hàng. Tuy nhiên, nỗ lực của các DN hiện chỉ mang tính chất tự thân, không bền vững.

Chính sách phải nhất quán

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc các DN vẫn tiếp tục nhập hàng ngoại nói chung và các loại thép nói riêng mà trong nước đã sản xuất được, một phần do chính sách quản lý hàng nhập khẩu còn khá lỏng lẻo, chưa bảo vệ được hàng sản xuất trong nước. Đơn cử, trong khi Indonesia, Thái Lan đang tiến hành khởi kiện thép Việt Nam bán phá giá tại nước họ, mà chủ yếu là do họ dựng hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu thì hàng từ các nước vào Việt Nam lại khá dễ dàng, kể cả thép kém phẩm chất. Chính vì vậy, để cứu DN sản xuất kinh doanh trong nước cần có một chính sách đủ mạnh để ngăn chặn hàng nhập khẩu, đặc biệt đối với các sản phẩm trong nước đã sản xuất được.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hải, giảng viên Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, cần mạnh tay ngăn chặn hàng nhập khẩu để giải phóng hàng tồn kho trong nước. “Việc dựng các hàng rào kỹ thuật cùng với siết chặt thủ tục hành chính trong khâu quản lý nhập khẩu, chẳng hạn như yêu cầu phải thực hiện việc đăng ký, có chứng nhận chất lượng theo thủ tục quy định là một trong những biện pháp bảo vệ các sản phẩm trong nước đã sản xuất được”, ông Hải phân tích.

Đặt vấn đề làm gì để kích cầu sức mua, khơi thông nền kinh tế, tạo lối thoát cho DN, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho rằng, ngay từ tháng 12-2012, Chính phủ đã tiến hành khảo sát thực tế để trình Quốc hội ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo đó, ngay đầu năm 2013, Chính phủ có Nghị quyết 02 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, nghị quyết này vẫn căn bản mang tính ngắn hạn, phủ sóng hẹp, thậm chí mở đường cho những mệnh lệnh hành chính gia tăng và nhiều nội dung chỉ nằm trên giấy hơn là đi vào cuộc sống. Niềm tin từ các cơ chế chính sách ngày càng giảm. Đây là một nguy cơ vì muốn kích cầu sức mua thì người dân phải có tiền. Hiện dư nợ cho vay quá thấp dẫn đến nền kinh tế bị đình trệ…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, điều cần nhất lúc này là Chính phủ cũng như chính quyền TP nên tạm ngưng ban hành thêm các loại thuế, phí phải thu của DN, người dân; miễn thuế giá trị gia tăng cho hàng tồn kho làm cơ sở cho DN giảm giá bán, thu hồi vốn để có thể tái sản xuất. Giải quyết sớm bài toán nợ xấu để dòng tiền được lưu thông, giúp DN an tâm đầu tư cho sản xuất, tránh tình trạng có đơn hàng nhưng lại không có tiền mua nguyên vật liệu. Doanh nghiệp đang trông chờ sự khẩn trương của các bộ, ngành để chuyển nhanh Nghị quyết 02 thành các giải pháp cụ thể giúp những doanh nghiệp còn sức chớp ngay cơ hội trụ vững và vươn lên, chậm nhất từ tháng 7 năm này.

Điều quan trọng là các chính sách cần nhất quán, bao gồm cả các tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn. Nội dung chính sách phải minh bạch hóa cơ chế thị trường để phát huy tối đa sức mạnh các nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng được cạnh tranh bình đẳng. Phải kiến tạo càng sớm càng tốt một nền kinh tế thị trường dựa vào sức mua nội địa. Trong sản xuất nên hợp tác và tận dụng tối đa công nghệ chuyển giao từ các nước tiên tiến. Không nên đặt vấn đề cần phá giá hay tăng giá đồng nội tệ, mà có tư duy ổn định sức mua của đồng nội tệ…

Thúy Hải - Lạc Phong

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   FDI sẽ tập trung vào ngành điện tử, thực phẩm, may mặc (26/03/2013)

>   8 DN xuất cá tra sang Mỹ được hưởng thuế suất thấp (26/03/2013)

>   Hiệp định TPP - Cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu hơn (26/03/2013)

>   Khuôn mặt mới của “cuộc chiến” chống chuyển giá? (26/03/2013)

>   TP Hồ Chí Minh: Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phục hồi (26/03/2013)

>   KCN, KCX "chuyển mình" đón làn sóng FDI mới (26/03/2013)

>   Doanh nghiệp vật liệu xây dựng bị lãng quên? (26/03/2013)

>   Sản xuất công nghiệp quý I tăng 4,9% (26/03/2013)

>   Kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản giảm (26/03/2013)

>   M&A ngành vật liệu: Bán - mua đều hồ hởi (26/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật