FDI sẽ tập trung vào ngành điện tử, thực phẩm, may mặc
Trong bản tổng hợp, phân tích dự báo tình hình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam do Công ty CBRE thực hiện và công bố ngày 26-3 cho thấy FDI sẽ không bao phủ mọi lĩnh vực, ngành nghề như những năm trước mà sẽ tập trung vào những lĩnh vực nhất định, như: điện tử, thực phẩm, may mặc...
Theo nhận định của CBRE, năm 2012 là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh việc bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng cao, tái cấu trúc ngân hàng…, lượng vốn FDI vào Việt Nam cũng không mấy lạc quan. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn vào Việt Nam giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nằm trong tình hình chung, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng giảm sút rõ rệt mặc dù nguồn vốn thực hiện không có sự thay đổi nhiều so với các năm. Điều này là nhờ những dự án mở rộng sản xuất hoặc đang trong giai đoạn thực hiện của các như các dự án của Samsung, P&G, Nokia…
Theo nghiên cứu gần đây của CBRE, năm 2013 sẽ hiếm thấy các dự án lớn vào Việt Nam như những năm trước, cùng thời điểm này vào năm ngoái, rất nhiều dự án hàng trăm triệu USD như Bridgestone, Oshima Shipping… được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Từ đầu năm tới nay, các dự án đầu tư chủ yếu là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực may mặc, gỗ nội thất ở phía Bắc, cơ khí chính xác, điện tử mở rộng ở phía Nam.
Điểm sáng trong bức tranh đầu tư nước ngoài là Việt Nam đã và đang thu hút được những tập đoàn về công nghệ cao, điện tử, R&D…Điển hình trong cuối năm 2012 và đầu năm 2013, CBRE đã hỗ trợ tập đoàn Panasonic thành lập dự án Eco-Solution Factory ở Bình Dương với tổng vốn đầu tư khoảng 38 triệu USD, sau thành công của nhà máy sản xuất linh kiện ở phía Bắc, tập đoàn điện tử này đã quyết định mở rộng đầu tư ở phía Nam, đây là nhà máy thứ 5 của Panasonic xây dựng theo kiểu mẫu thân thiện với môi trường, dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động cuối năm 2014.
CBRE cũng đã tư vấn và hỗ trợ cho Tập đoàn LGE trong việc lựa chọn vị trí thích hợp cũng như những quan ngại của LGE về lao động, ưu đãi thuế. Tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc này đang dự định đầu tư khoảng 300 triệu USD nhà máy sản xuất ở Hải Phòng, khu vực mà chi phí lao động còn thấp và không bị cạnh tranh lao động gay gắt như Bắc Ninh, Bắc Giang.
Dự báo năm 2013, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ vẫn tiếp tục dẫn đầu nguồn FDI ở hầu hết các lĩnh vực, trong khi đó các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu sẽ chủ yếu tập trung vào việc tăng quy mô, mở rộng sản xuất. Nguồn FDI vào Việt Nam sẽ không bao phủ mọi lĩnh vực, ngành nghề như những năm trước mà sẽ tập trung vào những lĩnh vực nhất định như điện tử, thực phẩm, may mặc… Và sẽ phân tán ra những khu vực mà chi phí dành cho lao động, giá thuê đất còn thấp như Long An, Cần Thơ, Tiền Giang ở khu vực phía Nam và Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên ở khu vực Phía Bắc.
Trang Hà
Hải Quan
|