Bị rút thương quyền, DN nguy cơ phá sản
Hai DN hợp tác thương quyền kinh doanh taxi. Mọi việc đang tiến hành thì đối tác cho mượn thương quyền bất ngờ chấm dứt hợp đồng. Sự cố bất ngờ khiến DN mượn thương thương quyền rơi nguy cơ phá sản.
Ngày 25/11/2009, Công ty Cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist và Công ty Cổ phần ô tô vận tải Vina Đông Dương (Công ty Vina Đông Dương) ký hợp đồng số 181-09/HĐHTKD về việc mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hồ chí Minh và ngoài tỉnh.
Thời hạn hợp đồng là 7 năm, từ tháng 05/2009 đến tháng 05/2016. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, Công ty Vina Đông Dương sẽ sử dụng tên thương mại Saigon Tourist để kinh doanh dịch vụ Taxi.
Tuy nhiên, khi hợp đồng giữa Công ty Cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist và Công ty Vina Đông Dương đang được thực hiện thì Công ty Sài Gòn Tourist lại liên hệ với Công ty An Thiện Nhân để đàm phán ký kết đồng nhượng quyền thương mại.
Trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, Công ty Cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist không đề cập đến việc đã ký hợp đồng nhượng quyền thương mại với một đối tác khác nên Công ty An Thiện Nhân không biết việc hợp tác giữa Công ty Cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist và Công ty Vina Đông Dương.
Xe taxi nhượng quyền thương hiệu
|
Vì vậy, hai bên đã ký hợp số 242/HĐHTKD ngày 16/09/2010 về việc mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh bằng xe Taxi ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; hợp đồng số 02-11/HĐHTKD ngày 04/01/2011 về việc mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh bằng xe Taxi trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Thời hạn của mỗi hợp đồng là 7 năm.
Theo đó, Công ty An Thiện Nhân sẽ sử dụng tên thương mại của Công ty cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist để tiến hành hoạt động kinh doanh taxi.
Sau khi ký hợp đồng cho đến nay, Công ty An Thiện Nhân đã chuyển cho Công ty Sài Gòn Tourist hơn 2 tỷ đồng nhưng việc nhượng quyền thương mại kinh doanh dịch vụ taxi vẫn chưa được tiến hành. Tình thế này đẩy An Thiện Nhân vào chỗ khó khăn khi tiền thì đã chuyển mà việc kinh doanh lại không thể thực hiện.
Đến ngày 22/01/2013, ông Dương Hữu Danh, tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Touris ký thông báo số 04/TB-13 ngày 22/01/2013, về việc ngưng thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh taxi thương quyền với Công ty An Thiện Nhân.
Công văn nêu rõ công ty Sài Gòn Tuorist đơn phương chấm dứt hợp đồng số 02-11/HĐHTKD và chấm dứt hợp tác kinh doanh xe taxi mang logo và thương hiệu SaiGon Tourist tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh kể từ ngày 23/01/2013 với công ty An Thiện Nhân.
Đại diện phía công ty An Thiện Nhân cho rằng, bằng công văn này, Công ty Cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist thừa nhận hợp đồng số 02-11/HĐHTKD ngày 04/01/2011 là hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Trước đó, Công ty Sài Gòn Tourist xuất hóa đơn cho Công ty An Thiện Nhân đến ngày 31/12/2012, mặc dù chưa thực hiện nghĩa vụ đăng ký nhượng quyền thương mại. Đến nay, Công ty Sài Gòn Tourist đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, khi đã thu hơn 2 tỷ đồng tiền ký quỹ và tiền thương quyền khiến cho Công ty An Thiện Nhân rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Xung quanh sự việc nêu trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty An Thiện Nhân và Công ty Cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist nếu có, sẽ giải quyết trên cơ sở thương lượng, nếu không thương lượng, đàm phán được thì các bên liên quan có thể nhờ cơ quan chức năng có thẩm quyền, tòa án… ra phán quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng giữa hai bên có thời hạn 7 năm, từ tháng 01 năm 2011 đến tháng 12 năm 2017. Do vậy, khi chưa có phán quyết của cơ quan có thẩm quyền, thì hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty An Thiện Nhân và Công ty Cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist vẫn còn hiệu lực, các bên liên quan cần thực hiện đúng hợp đồng. Hơn nữa, một bên trong hợp đồng – Công ty An Thiện Nhân là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, do vậy vụ việc cần được các bên và cơ quan chức năng xử lý đúng quy định để đảm bảo hình ảnh, môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh ở Việt Nam.
vietnamnet
|