Thứ Tư, 27/03/2013 08:50

Thức ăn chăn nuôi: Nước ngoài mở rộng, trong nước thu hẹp

“40 doanh nghiệp ngưng sản xuất năm 2012 chưa phải là con số cuối cùng. Còn mấy chục doanh nghiệp nhỏ nữa của VN có nguy cơ đóng cửa và thị phần sẽ thuộc về các công ty có vốn đầu tư nước ngoài” - ông Lê Bá Lịch, chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN (VFA), cho biết.

Không những vậy, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) của VN càng phát triển bao nhiêu càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu bấy nhiêu. Theo ông Lịch, đó là vì “gần 20 năm qua rồi nhưng VN chưa có kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TACN”.

Nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phát triển, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước ngưng hoạt động (ảnh chụp tại Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam)

Cách đây năm năm, anh T. vẫn còn là chủ một doanh nghiệp sản xuất TACN quy mô nhỏ ăn nên làm ra ở Đồng Nai. Mỗi tháng công ty của anh đưa ra thị trường khoảng 150 tấn cám thành phẩm, chủ yếu cung cấp cho một số trang trại ruột tại Đồng Nai. Tình cờ gặp lại mới đây, anh T. cho biết đã dẹp công ty từ gần một năm trước. Nhà xưởng thì bán đổ bán tháo, còn đất đai đã trả về cho chủ. “Cũng còn may vì chúng tôi không vay ngân hàng nhiều nên bán hết mọi thứ cũng gần như trả được hết nợ” - anh T. nói. Hiện tại anh T. chuyển sang nghề mua bán nguyên liệu sản xuất TACN, thuốc thú y... để cung cấp cho các công ty và các trang trại.

Đây không phải là trường hợp cá biệt tại Đồng Nai và Bình Dương, từng là “thủ phủ” của hàng trăm công ty sản xuất TACN chuyên cung cấp cho các trang trại không ngừng mở rộng tại khu vực miền Đông Nam bộ. Thế nhưng gần đây, các công ty quy mô nhỏ dưới 10.000 tấn/năm lần lượt thu hẹp sản xuất hoặc phải đóng cửa.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng - chủ tịch HĐQT Công ty Proconco - cho biết thời gian qua liên tục nhận được những lời chào mời mua lại nhà máy của các công ty nhỏ nhưng chưa quyết định. Bản thân tình hình kinh doanh của Proconco, một trong số những đơn vị trong nước có sản lượng TACN lớn nhất cũng đang trong giai đoạn khó khăn. “Trong hai tháng đầu năm nay chúng tôi đã sụt giảm 15-20% doanh số bán hàng” - bà Hồng nói.

Theo ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch VFA, không chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, quản trị doanh nghiệp kém... là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất TACN cứ rơi rụng dần trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Theo VFA, trong số 234 doanh nghiệp sản xuất TACN trong năm 2012 đã có 40 doanh nghiệp đóng cửa, các nhà máy này đều có công suất nhỏ dưới 10.000 tấn/năm. “40 doanh nghiệp ngưng hoạt động chưa phải là con số cuối cùng vì còn gần 70 đơn vị khác có công suất nhỏ hơn 10.000 tấn/năm cũng ở vào hoàn cảnh khó khăn và có nguy cơ ngưng hoạt động trong thời gian tới” - ông Lịch nói.

Trái ngược với tình hình sản xuất và kinh doanh bết bát của các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI và liên doanh vẫn có mức tăng trưởng tốt và mở rộng thị trường. Nhiều công ty FDI liên tục mở rộng hoặc đầu tư thêm nhà máy sản xuất TACN. Theo VFA, loại hình nhà máy đạt sản lượng trên 50.000 tấn/năm trở lên phần lớn thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI và liên doanh, rất ít nhà máy có sản lượng lớn dạng này thuộc sở hữu của doanh nghiệp trong nước.

Chỉ 15 doanh nghiệp FDI và liên doanh nhưng đã sở hữu 44 nhà máy sản xuất trên 7,1 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi, chiếm 56,2% thị phần TACN cả nước. Riêng Công ty cổ phần chăn nuôi CP VN có sản lượng 2,2 triệu tấn/năm, chiếm gần 15% thị phần chăn nuôi toàn quốc. Một lãnh đạo của CP cho biết năm 2012 trong khi ngành nuôi gà công nghiệp và gà đẻ bị lỗ thê thảm thì chính lợi nhuận từ ngành TACN đã góp phần lớn để “cứu” công ty này.

Phụ thuộc nguyên liệu nhập

Theo VFA, đến nay VN vẫn thiếu 30-40% các loại nguyên liệu giàu năng lượng (bắp, cám, lúa mì...), thiếu 70-80% thức ăn giàu đạm (đậu nành, bột xương thịt, bột cá...), còn các loại khoáng chất, vi lượng, phụ gia... thì hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu 100%. Trong năm 2012, VN nhập khẩu tới 8 triệu tấn nguyên liệu (3,3 triệu tấn khô đậu tương, 2,4 triệu tấn lúa mì, 1,6 triệu tấn bắp, trên 600.000 tấn cám các loại, gần 500.000 tấn DDGS (bột bã bắp), khoảng 500.000 tấn bột xương thịt, bột cá...) trị giá trên 3 tỉ USD, chưa kể nhập khẩu bột gluten ngô, bột bánh mì, khô dầu cọ, các chất bổ sung và phụ gia... mỗi loại hàng trăm triệu USD.


Trần Mạnh

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   Bị rút thương quyền, DN nguy cơ phá sản (27/03/2013)

>   Doanh nghiệp vượt khó cách nào? - Bài 1: Gam màu tối! (25/03/2013)

>   Doanh nghiệp vượt khó cách nào ? Bài 2: Đòn bẩy chính sách (27/03/2013)

>   FDI sẽ tập trung vào ngành điện tử, thực phẩm, may mặc (26/03/2013)

>   8 DN xuất cá tra sang Mỹ được hưởng thuế suất thấp (26/03/2013)

>   Hiệp định TPP - Cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu hơn (26/03/2013)

>   Khuôn mặt mới của “cuộc chiến” chống chuyển giá? (26/03/2013)

>   TP Hồ Chí Minh: Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phục hồi (26/03/2013)

>   KCN, KCX "chuyển mình" đón làn sóng FDI mới (26/03/2013)

>   Doanh nghiệp vật liệu xây dựng bị lãng quên? (26/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật