Nhập nhằng quản lý tiền và những vụ việc bị "ngâm"
Trong khi cơ quan quản lý nỗ lực dọn sạch sự “nhập nhèm” tiền bạc giữa CTCK và khách hàng thì những tranh chấp đã được công khai vẫn chưa bị xử lý.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa có những động thái bày tỏ thái độ kiên quyết chấm dứt tình trạng nhập nhằng trong việc quản lý tài khoản NĐT của CTCK. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc lạm dụng tài khoản NĐT chưa được giải quyết thỏa đáng.
Điều 50 Thông tư 210/2012/TT-BTC được ban hành cuối năm 2012 vừa qua đã quy định cụ thể về việc quản lý tài khoản tiền của NĐT mà trong đó CTCK phải tách bạch tiền gửi của từng khách hàng, tách bạch tiền gửi của khách hàng với tiền gửi của CTCK. CTCK cũng không được nhận và trả tiền mặt mà phải thực hiện qua ngân hàng và phải xây dựng hệ thống quản lý theo quy định này. Văn bản này cũng đề ra thời hạn 1 năm để các CTCK thực hiện chuyển đổi. Như vậy, đến ngày 15/1/2014, các CTCK buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy định trên. Trong một hội nghị gần đây, UBCK đã nhấn mạnh quan điểm kiên quyết xử lý nếu như CTCK nào còn vi phạm sau thời hạn trên. Đến nay, đã có 25 CTCK đã thực hiện việc quản lý tách bạch tài khoản tiền của CTCK và NĐT. Đây là nỗ lực của UBCK hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn tài sản cho NĐT, củng cố niềm tin vào thị trường.
Tuy nhiên, trong khi cơ quan quản lý nỗ lực dọn sạch sự “nhập nhèm” tiền bạc giữa CTCK và khách hàng thì thực tế cho thấy, những vụ việc, kiện tụng, tranh chấp xung quanh tài sản NĐT đã được công khai nhưng vẫn chưa bị xử lý. Thông tin từ UBCK chỉ cho biết, từ năm 2010 đến nay không xảy ra tình trạng lạm dụng tài khoản tiền của khách hàng tại các CTCK lớn mà không nói rõ là tại bao nhiêu CTCK trong số khoảng 100 CTCK đang hoạt động. Trên thực tế, nhiều vụ việc lạm dụng tài sản của NĐT đã xảy ra và trải qua nhiều năm vẫn chưa được xử lý thỏa đáng.
Đến nay, đã có 25 CTCK thực hiện việc quản lý tách bạch tài khoản tiền của CTCK và NĐT
|
Trở lại với trường hợp NĐT Trần Thị Vượng mở tài khoản tại CTCK Trường Sơn (TSS). Theo bà Vượng, năm 2009, bà, chồng bà và con trai bà mỗi người mở một tài khoản tại TSS. Quá trình đầu tư suôn sẻ không có bất cứ khúc mắc gì cho đến tháng 5/2011, TSS đột ngột yêu cầu được làm việc với bà và thông báo, bà Vượng đang nợ 1,9 tỷ đồng do sử dụng dịch vụ ký quỹ thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư với TSS. Bà Vượng không chấp nhận số nợ này bởi bà không đặt bất cứ lệnh mua bán nào trên tài khoản mang tên Khúc Xuyền (chồng bà Vượng), cũng như khẳng định, chữ ký trên các giấy tờ không phải của bà cũng như của chồng, con trai bà.
Sau nhiều lần làm việc với CTCK, bà Vượng và nhân viên môi giới phụ trách tài khoản của bà Vượng có biên bản xác nhận trách nhiệm nợ là của nhân viên môi giới, do nhân viên này đã sử dụng tài khoản của bà Vượng để “đánh” chứng khoán. Tuy nhiên, đến khi TSS ngừng cung cấp dịch vụ môi giới vào cuối năm 2011 thì tài khoản của bà Vượng lại bị phong tỏa. Trước nguy cơ mất trắng tài khoản trị giá khoảng 2 tỷ đồng vào thời điểm đó, bà Vượng đã làm đơn kêu cứu gửi tới nhiều cơ quan chức năng như UBCK, Bộ Tài chính, cơ quan điều tra Bộ Công an và nhiều cơ quan báo chí.
Trong suốt gần 2 năm qua, vụ việc của bà Vượng không đạt được tiến triển nào đáng kể. Năm ngoái, sau khi tiếp nhận đơn của bà Vượng, UBCK đã tổ chức thanh tra, kiểm tra CTCK Trường Sơn và ra quyết định xử phạt 60 triệu đồng vì không lưu giữ lệnh của NĐT theo đúng quy định. Kết quả kiểm tra này cho thấy, việc bà Vượng khẳng định bà và chồng không đặt bất cứ lệnh mua bán nào trên tài khoản Khúc Xuyền là có căn cứ. Dẫu vậy, UBCK không có văn bản hay “lệnh” nào buộc TSS phải hủy phong tỏa tài khoản cho bà Vượng. Theo UBCK, do bà Vượng đã có đơn đến cơ quan công an tố cáo việc một số nhân sự của TSS giả mạo chữ ký và lừa đảo, nên UBCK chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, khiến bà Vượng phải tiếp tục gõ cửa nơi khác. Đến nay, bà Vượng vẫn chưa thể lấy lại tài sản của mình.
Cũng liên quan đến tài sản của NĐT, UBCK dự kiến cấm CTCK triển khai dịch vụ ứng trước tiền mua chứng khoán hay nhận ủy quyền giao dịch của khách hàng. Tuy nhiên, không thấy UBCK đưa ra quan điểm chính thức về dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán. Trong khi đó, với mảng dịch vụ vượt rào này, đã có CTCK lợi dụng để làm thủ tục vay tiền ngân hàng. Trở lại với vụ việc của bà Trần Thị Vượng với TSS, trong quá trình điều tra đã phát hiện tại CTCK Trường Sơn có một số hợp đồng ứng trước tiền bán chứng khoán ngày T với Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB). Theo đó, Phòng Giao dịch Bạch Mai thuộc ngân hàng này cho một số NĐT của TSS vay ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết trong thời hạn 5 ngày. Theo tìm hiểu của ĐTCK, tổng giá trị tất cả các hợp đồng này lên tới hàng chục tỷ đồng.
Theo bà Trần Thị Vượng, bà được biết có 4 hợp đồng ứng trước tiền bán chứng khoán mang tên Trần Thị Vượng, mỗi hợp đồng trị giá 1,6 tỷ đồng được ký kết vào tháng 5, tháng 7 và tháng 8/2011. Số tiền theo hợp đồng, được chuyển vào tài khoản của TSS thay vì tài khoản của bà. Chồng bà, ông Khúc Xuyền cũng bị nợ 3 hợp đồng như vậy, mỗi hợp đồng 1,6 tỷ đồng và số tiền được yêu cầu chuyển vào tài khoản của TSS. Vấn đề là bà Vượng và một số NĐT khác cho biết, họ không hề sử dụng dịch vụ này, không bán chứng khoán cũng không yêu cầu sử dụng dịch vụ ứng trước tiền bán, chữ ký trên các giấy tờ, hợp đồng cũng không phải của họ. Chỉ đến khi ngân hàng đòi nợ họ mới bật ngửa trước số nợ hàng tỷ đồng tự dưng quàng vào cổ.
Ứng trước tiền bán chứng khoán là dịch vụ mà thị trường có nhu cầu. Nó đem lại lợi ích cho cả 3 bên CTCK - NĐT - ngân hàng. Vấn đề là cần có quy định, quy trình để đảm bảo an toàn cho nghiệp vụ này. Mấu chốt nằm ở chỗ làm sao xác nhận giao dịch bán chứng khoán của NĐT là có thực, đúng người, đúng giao dịch, tránh tình trạng CTCK làm liều, gây mất mát và ức chế cho NĐT.
Bùi Trang
Đầu tư chứng khoán
|