Hổng pháp lý trong ứng tiền bán chứng khoán
Ít nhất 2 CTCK đã có tình trạng làm hồ sơ giả mạo giao dịch bán chứng khoán của khách hàng để làm thủ tục vay ngân hàng.
Việc lỏng lẻo trong cơ chế phối hợp giữa các bên khiến cả NĐT, ngân hàng cùng rơi vào tình trạng khó xử.
Ứng trước tiền bán cho giao dịch… giả
Câu chuyện gây chấn động mạnh nhất đến TTCK về sai phạm của cá nhân/CTCK liên quan đến dịch vụ ứng trước tiền bán cho khách hàng xảy ra tại CTCP Hà Thành (cũ). Báo cáo kiểm toán năm 2011 của CTCK Hà Thành cho thấy, năm 2011, CTCK dưới thời lãnh đạo của ông Trương Duy Sơn (nguyên Chủ tịch HĐQT) đã có tình trạng xác nhận khống hồ sơ giao dịch bán chứng khoán của NĐT để vay vốn ngân hàng (Seabank Hai Bà Trưng), với tổng giá trị chưa thanh toán (cuối năm 2011) là 121 tỷ đồng tiền gốc và 14,9 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.
Tại CTCP Chứng khoán Trường Sơn cũng xảy ra một số vụ tương tự khi việc ngân hàng cho khách hàng vay tiền theo hợp đồng ứng trước tiền bán chứng khoán ngày T được cung cấp từ CTCK, trong khi không hề có giao dịch bán chứng khoán, NĐT cũng không hề biết. Trong một số trường hợp bị lạm dụng tên, NĐT chỉ biết mình đứng tên vay tiền ngân hàng khi ngân hàng tìm đến tận nơi đòi nợ, bởi trong quá khứ, họ thậm chí còn chẳng có một giao dịch như thế.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngân hàng nơi ông làm việc đã từng “suýt” giải ngân cho một giao dịch ma, khi CTCK (có ký hợp đồng hợp tác với ngân hàng) gửi hồ sơ ứng trước 3 giao dịch của NĐT trị giá 18 tỷ đồng để vay vốn ứng trước tiền bán. Việc may mắn thoát khỏi vụ này là do 1 trong 3 hồ sơ vay vốn lại chính từ tài khoản của nhân viên ngân hàng, nơi ông đang làm việc, có mối quen biết.
Xử lý cách nào?
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu coi ứng trước tiền bán là một nghiệp vụ kinh doanh của CTCK, thì CTCK sẽ không được triển khai, do với quy định mới hiện nay, CTCK chỉ được phép triển khai các dịch vụ được cho phép, chứ không phải được làm những gì không cấm. Tuy nhiên, đây là nhu cầu có thực của thị trường và nếu coi CTCK chỉ đóng vai trò trung gian cung cấp thông tin giữa các bên, thì rõ ràng, nên có cơ chế phối hợp giữa các bên để hạn chế khả năng trục lợi bằng cách này.
Trong điều kiện bình thường, nếu CTCK kinh doanh minh bạch, giao dịch thông suốt (không có tình trạng hủy giao dịch sau ngày khớp lệnh) thì nghiệp vụ ứng trước tiền bán chứng khoán ngày T là rất an toàn cho cả CTCK lẫn ngân hàng, bởi thời gian vay ngắn, dòng tiền để trả nợ khoản vay của NĐT là chắc chắn có. Đó là khi mối quan hệ giữa các bên tốt đẹp, CTCK thực sự khỏe và nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu việc cho vay chỉ dựa trên sự tin tưởng trong xác minh giấy tờ và bảo lãnh của CTCK sẽ thật sự rủi ro khi CTCK chủ định… làm liều, do không có bên thứ ba xác minh được tính trung thực của giao dịch bán chứng khoán của NĐT.
Xử lý vấn đề này như thế nào là một câu hỏi lớn đặt lên vai nhà quản lý TTCK Việt Nam.
đầu tư chứng khoán
|