Phù phép báo cáo tài chính?
Trong mùa báo cáo tài chính (BCTC) năm nay, hiện tượng doanh nghiệp niêm yết công bố BCTC thiếu chính xác sau đó “đính chính” xuất hiện khá nhiều. Thiệt hại cho NĐT, cho thị trường là điều có thể thấy rõ, nhưng tìm ra biện pháp khắc chế việc này không đơn giản.
Công khai sai, công khai sửa
Về mức độ sửa sai của các doanh nghiệp niêm yết, có thể tạm chia ra làm 2 mức độ: Mức độ nghiêm trọng là những thiếu sót (rồi sửa chữa) liên quan trực tiếp đến các chỉ tiêu quan trọng và nhạy cảm như doanh thu, lợi nhuận và khoản mục trên bảng cân đối kế toán.
Trường hợp tiêu biểu ở đây như Quốc Cường Gia Lai (QCG), lúc đầu công bố BCTC quý IV-2012 với lợi nhuận trước thuế 5,64 tỷ đồng, sau lại điều chỉnh con số này thành 12,5 tỷ đồng. Kế tiếp là những thiếu sót như sai sót trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, số liệu không khớp, đính chính số liệu thuyết minh BCTC, nhìn chung ở mức độ nhẹ nhàng hơn.
Chẳng hạn, DTL điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế quý IV-2012 từ 17,17 tỷ đồng còn 16,85 tỷ đồng. Những trường hợp chênh lệch lớn như QCG tính đến thời điểm này vẫn xuất hiện khá ít, trong khi chênh lệch ít thì khá nhiều.
Hiện có khá nhiều cách đánh giá về việc các doanh nghiệp “rủ nhau” đính chính BCTC. Đầu tiên là quan điểm cho rằng việc các cơ quan quản lý làm mạnh tay với những vi phạm trong công bố thông tin nói chung và trên BCTC nói riêng.
Thực tế, những năm gần đây, cơ quan quản lý thị trường soi BCTC rất kỹ lưỡng. Nhưng với trường hợp như QCG, cách nhìn nhận có thể theo chiều hướng tiêu cực hơn. Sai sót trong sổ sách kế toán là chuyện bình thường, tuy nhiên chênh lệch trước và sau khi đính chính lớn như QCG khó có thể gọi là bình thường được.
Nó cho thấy sự bừa bãi, kém chuyên nghiệp trong công tác kế toán. Nhìn vào giải trình của QCG sẽ thấy nản lòng. Công ty này viện lý do thời điểm lập báo cáo trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán nên làm quá gấp, dẫn đến sai sót.
Chưa kể, công ty công bố những cụm từ “lợi nhuận hợp nhất” rồi “kết quả kinh doanh hợp nhất là 12.454.887.824 đồng” một cách cẩu thả. Lợi nhuận gì hợp nhất? Trước thuế hay sau thuế? Kết quả kinh doanh hợp nhất là gì? Lợi nhuận, chi phí, hay doanh thu?
Những rủi ro tiềm ẩn
Không có gì đảm bảo rằng những trường hợp tương tự QCG sẽ không xuất hiện, trái lại nguy cơ rất lớn. Nếu không xuất hiện trong mùa BCTC năm, có thể là BCTC quý, không năm nay là năm sau. Cho đến lúc này, chưa thấy những động thái nào nhằm “tuýt còi” hay chấn chỉnh các vi phạm này.
Nếu doanh nghiệp này nhìn doanh nghiệp bạn có vấn đề nhưng vẫn an toàn, không loại trừ sẽ học theo. Với tình hình kinh doanh như năm 2012, doanh nghiệp lại càng có lý do để phù phép BCTC của mình. Như vậy, vấn đề đầu tiên được nhiều NĐT chờ đợi là sự lên tiếng của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, bắt lỗi kiểu gì lại không đơn giản.
Việc công bố rồi chỉnh sửa, đính chính BCTC sẽ khiến NĐT thiệt thòi
|
Với những sai sót, chênh lệch nhỏ, không quá nhạy cảm và ảnh hưởng ít rất khó bắt lỗi. Đây là những sai sót có thể được NĐT, cổ đông tạm chấp nhận. Tuy nhiên, nếu không có động thái thích hợp, sẽ dẫn đến việc “lờn mặt” và sai sót sau có thể nghiêm trọng hơn. Vậy còn những sai sót nghiêm trọng như QCG sẽ như thế nào?
Có thể thấy sai sót của QCG đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi cổ đông. Nhưng lượng hóa sai sót lại không đơn giản. Hơn nữa, QCG có thể cho rằng mình có ý thức “sửa sai” nên đã sớm đính chính.
Trên hết, những sai sót trong BCTC của doanh nghiệp niêm yết, dù ít hay nhiều đều cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp. BCTC được xem như báo cáo chuẩn xác, chính xác nhất, đưa ra công bố, nghiễm nhiên được xem như chính xác, đằng này lại được (bị) thay đổi xoành xoạch như vậy, rốt cuộc cơ sở nào để NĐT, cổ đông tin tưởng.
Công bố số liệu, xong rồi lại sửa, nhiều NĐT đã phải thốt lên “thật hết thuốc chữa”. Nghiễm nhiên, các doanh nghiệp đã “được” làm sai và “được sửa” còn NĐT nếu phải chịu những thiệt thòi, mất mát lại không có cơ hội “sửa”. Giả sử, doanh nghiệp công bố lỗ, cổ đông thấy vậy bán tháo cổ phiếu, sau đó đính chính thành lãi, giá cổ phiếu tăng trở lại, những người bán ra bị thiệt hại, doanh nghiệp có chịu trách nhiệm?
Ở đây cũng cần lưu ý việc đính chính của doanh nghiệp tới lúc này phần lớn đều trên BCTC chưa được kiểm toán. Như vậy, cũng chưa chắc những yếu tố điều chỉnh rồi đã chính xác 100%. Và như vậy NĐT còn hoang mang hơn nữa. Rốt cuộc, chẳng có cơ sở nào để gửi gắm niềm tin.
Không loại trừ trường hợp doanh nghiệp sửa sai BCTC, sau đó kiểm toán vào cuộc, lại tiếp tục xuất hiện thêm những sai sót. Lúc này, sai lại chồng lên sai và rốt cuộc NĐT, cổ đông trở thành “con rối” để doanh nghiệp “dắt”, đây là điều không thể chấp nhận.
Dũng Mạnh
sài gòn đầu tư tài chính
|