Thứ Năm, 07/03/2013 15:51

Phân vân trước mùa đại hội

Trong những năm trước đây, thị trường chứng khoán thường nổi một đợt sóng kỳ vọng từ mùa đại hội cổ đông trong khoảng tháng 3 và 4. Tuy nhiên, thời điểm này, lại chưa có phiên nào tăng mạnh trong bối cảnh tâm lý các nhà đầu tư (NĐT) có phần nản.

 

Vì vậy, dù mới đây có những yếu tố được nhìn nhận một cách tích cực cũng không thể khiến thị trường chứng khoán đảo chiều ngay lập tức. Đơn cử cách đây chừng mười ngày, dự báo VN-Index vượt qua ngưỡng 500 điểm vẫn được nhiều người nhìn nhận là "trong tầm tay", nhưng đến lúc này, đa phần đều nhận định VN-Index tăng mạnh quá rồi, hơn 30% sau 2 tháng, nên có nhiều cơ sở thị trường sẽ giảm mạnh và đợi "đợt sóng" sau.

Nhiều khả năng sự giằng co tâm lý sẽ khiến thị trường tiếp tục đi ngang kèm theo một số biến động nhẹ trong những phiên sắp tới. Chứng kiến phiên chứng khoán rơi gần như thẳng đứng vào ngày 26/2, chỉ số VN-Index giảm gần 4% và về sát mức 460 điểm, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, các nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng và thay đổi trong nhận định về diễn biến tiếp theo.

Trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia khẳng định chắc chắn trong nửa năm đầu, chưa thể kỳ vọng thị trường phục hồi. Dự báo phải đợi đến quý III mới có những đợt sóng do khả năng kinh tế tốt lên. Trước tình hình đó, nhiều NĐT nhỏ lẻ có xu hướng cơ cấu lại dòng tiền đầu tư.

Một số nhắm vào ngắn hạn với mục đích đảm bảo an toàn và sinh lợi ổn định thì gửi ngân hàng là hợp lý nhất. Kế đó là đầu tư vào chứng khoán, vàng, ngoại tệ và cuối cùng mới là bất động sản. Thế nhưng, cũng có những ý kiến cho rằng, nếu tính cho trung và dài hạn, thì ưu tiên đứng đầu là bất động sản, còn xếp cuối lại là tiền gửi ngân hàng.

Bởi chỉ cần phép tính đơn giản nhất: Gửi 100 triệu đồng vào ngân hàng, sau 10 năm cũng chỉ lấy ra khoản tiền tương đương 100 triệu đồng (nếu tính trừ cả lạm phát). Trong khi bất động sản, giá trị gia tăng về lâu dài có thể tăng tới vài lần. Bên cạnh đó, một số NĐT lựa chọn gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn dài do lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 12 tháng trở lên của nhiều ngân hàng vẫn ở mức 11% - 11,5%.

So với cổ tức mà nhiều doanh nghiệp niêm yết trả cho cổ đông trong năm 2012 thì lãi suất 11% là khá hấp dẫn. Song, cũng có không ít NĐT cá nhân vẫn chọn đầu tư cho những cổ phiếu có khả năng chi trả cổ tức cao. Bởi lẽ, so với lãi suất ngân hàng, vẫn có thể kiếm lời từ chứng khoán trong dài hạn mà vẫn được hưởng cổ tức cao hằng năm, trong khi tiền đồng liên tục mất giá.

Ví dụ, hiện nay nhiều NĐT đang để mắt đến cổ phiếu DSN (Công ty CP Công viên nước Đầm Sen) vì dự kiến DSN sẽ chi trả cổ tức tối thiểu 36% trong năm nay. Kinh doanh ổn định, có một số lợi thế cạnh tranh và lịch sử chi trả cổ tức cũng khá cao, nên khả năng DSN đạt được kế hoạch là rất lớn.

Tại khu vực TP.HCM, dịch vụ vui chơi, giải trí và những dịch vụ kèm theo như kinh doanh ăn uống, cho thuê đồ bơi, bán hàng lưu niệm của DSN cũng chỉ có rất ít đơn vị kinh doanh.

Trước đó, Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) công bố việc chi trả cổ tức năm 2011 là 100%. FPT Online chi trả thành 2 đợt, từ tháng 9 đến tháng 12/2011 với tỷ lệ tương ứng là 25% và 75%. Đây là năm thứ 2 FPT Online chi đậm cho các cổ đông.

Năm 2010, công ty này cũng chia cổ tức 58% bằng tiền mặt. Hai cổ phiếu HGM (Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang) và CAP (Công ty CP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái) cũng là cổ phiếu được đánh giá cao trong việc chi trả cổ tức. Tỷ lệ trả cổ tức của hai mã này ở mức 70 - 80% trong năm vừa qua.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) đã trả cổ tức 60% trong cả năm 2011. Ba đợt trước đó đã trả cổ tức 45%. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu ABT trong năm 2011 là 8.029 đồng...

Rõ ràng cổ tức là nơi trú ẩn an toàn cho NĐT ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này cũng chưa thực sự đúng, nhất là với nền kinh tế có nhiều biến động như ở Việt Nam. Chẳng hạn, xảy ra những vụ như "bầu Kiên" hay "tin đồn BIDV" cũng khó đảm bảo các mã trên sẽ trụ vững.

Chưa kể, thanh khoản thấp, mua vào khó, bán ra cũng khó, thị giá của những cổ phiếu trả cổ tức cao cũng khá cao, nếu lấy thị giá hiện hành chia cho cổ tức, tỷ suất sinh lời chưa chắc hấp dẫn, nên thường chỉ những người đã mua với giá gốc mới có lời thực sự. Ngoài ra, nếu nhìn vào thanh khoản của HGM và CAP trên thị trường, những ai có ý định mua những cổ phiếu này cần phải cân nhắc thiệt hơn.

Thống kê gần chục phiên giao dịch gần nhất, có gần phân nửa số phiên HGM không có giao dịch, trong khi mỗi phiên CAP cũng chỉ giao dịch vài ngàn cổ phiếu. Vốn điều lệ của cả CAP là 17 tỷ đồng và HGM là 60 tỷ đồng, đều ở mức thấp, nên không thể có chỗ cho NĐT lớn.

Hà Linh

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Phù phép báo cáo tài chính? (07/03/2013)

>   Thị trường biến động mạnh, giao dịch trong phiên “lên ngôi” (07/03/2013)

>   SCIC: Đem ngàn tỉ gửi ngân hàng lấy lãi (07/03/2013)

>   07/03: Bản tin 20 giờ qua (07/03/2013)

>   LUT: Cá nhân sử dụng nhiều tài khoản tạo cung cầu ảo bị phạt 250 triệu đồng (06/03/2013)

>   SJM bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 07/03 (06/03/2013)

>   Tăng vọt. Bất thường? Xả! (06/03/2013)

>   HOSE: CTCK đã nộp tỷ lệ an toàn tài chính năm 2012 (tính đến 05/03 (06/03/2013)

>   “Tương kế, tựu kế” trong đầu tư chứng khoán (06/03/2013)

>   Đại gia vứt đi trăm tỷ chỉ mong được nhẹ thân (06/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật