Mở rộng điều kiện tăng giá điện
Quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp cho thấy các nhà quản lý đã có những điều chỉnh theo hướng mở rộng hơn điều kiện tăng giá bán điện. Theo đó, chi phí đầu vào chỉ cần tăng 2% so với giá bán lẻ hiện hành là Tập đoàn điện lực (EVN) được phép đề nghị tăng giá
Từ tháng 4-2011, giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường được thực hiện theo Quyết định 24 của Chính phủ. Quyết định 24 cho phép khi các thông số đầu vào cơ bản để hình thành giá điện (chi phí sản xuất, kinh doanh, tỉ giá…) thay đổi theo hướng tăng thêm 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì EVN được phép tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận.
Nay dự thảo Quyết định quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 4-3 nhằm thay thế cho Quyết định 24 đề ra quy định: Trường hợp các thông số đầu vào cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành với mức từ 2% đến 5% và trong khung giá quy định thì EVN được phép điều chỉnh giá bán.
Các quy định khác của dự thảo hầu hết đều giữ nguyên như quyết định cũ. Nếu thông số đầu vào tăng trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài khung giá thì EVN phải đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan. Trừ trường hợp sau 15 ngày đề nghị mà các bên không có ý kiến khác thì EVN mới được tăng giá.
Dự thảo cũng giữ lại quy định thời gian điều chỉnh giá tối thiểu giữa hai lần tăng là 3 tháng. Bên cạnh đó, nếu thông số đầu vào giảm 5% thì EVN cũng phải giảm giá tương ứng. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, chỉ có chuyện tăng mà chưa có bất kỳ lần giảm giá điện nào cho người tiêu dùng.
Báo cáo của EVN năm 2012 cho thấy, giá bán điện bình quân ước đạt 1.361 đồng/kWh. Nếu cộng với 10% thuế giá trị gia tăng cho mỗi hóa đơn điện (bình quân) thì giá EVN bán cho người tiêu dùng năm 2012 tương đương 7,48 cent/kWh. Tương tự, giá bình quân năm 2013 là 1.459 đồng/kWh, tính cả thuế tương đương 7,92 cent/kWh, áp dụng từ ngày 20-12-2012. Và với quy định mới dự kiến sẽ được ban hành thì khả năng sẽ có nhiều lần điều chỉnh giá điện trong thời gian tới.
Ngoài sức ép điều chỉnh giá điện, năm 2013 còn có sức ép thiếu điện trong mùa khô. Từ tháng 2-2013 EVN đã có thông cáo báo chí về tình hình căng thẳng nguồn cung điện mùa khô năm nay. Dự kiến EVN sẽ phải huy động khoảng 1,113 tỉ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO với giá thành cao hơn nhiều so với nhiệt điện than và khí, và cũng dự kiến nhập khẩu khoảng 3,6 tỉ kWh điện từ Trung Quốc.
Ngọc Lan
tbktsg
|