Xuất khẩu, nhưng không bỏ thị trường nội địa
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, song song với đẩy mạnh xuất khẩu, ngành công nghiệp phần mềm cần phải chú trọng thị trường nội địa.
ông Lê Mạnh Hà
|
Ông đánh giá thế nào về vai trò của doanh nghiệp gia công phần mềm trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của TP.HCM giai đoạn 2012 -2015?
Trước đó, theo báo cáo năm 2012 của UBND TP.HCM, doanh thu trong lĩnh vực phần mềm giảm 30% khiến chúng tôi rất lo ngại, nhưng sau khi đến thăm các công ty cho thấy, lĩnh vực gia công phần mềm đang phát triển tốt. Khảo sát trực tiếp của tôi cùng Hội Tin học TP.HCM tại các doanh nghiệp phần mềm cho thấy, các doanh nghiệp có mức tăng trưởng năm 2012 tương đối tốt, hứa hẹn những tín hiệu tốt cho năm 2013.
Những tín hiệu lạc quan cụ thể là gì, thưa ông?
Nói đến gia công phần mềm thì nguồn lực lớn nhất là nhân sự, thế mà trong khi nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thì các doanh nghiệp phần mềm đang có kế hoạch mở rộng, tuyển nhân sự… đây thật sự là điều đáng mừng.
TP.HCM luôn xác định công nghiệp phần mềm là chủ lực trong phát triển CNTT, nhưng lại lúng túng trong chọn hướng đi phù hợp, điều này có được khắc phục trong năm 2013?
Hướng phát triển phần mềm “made in Việt Nam” là một định hướng mà năm 2012 Thành phố đã tập trung, chúng tôi xác định, đây là một trong những chủ lực của trong kế hoạch phát triển công nghệ cao của Thành phố. Theo đó, Thành phố sẽ tập trung kinh phí hỗ trợ cho các sản phẩm này từ khâu nghiên cứu đề tài cho tới sản xuất thương hiệu và cuối cùng là thương mại hóa, đây là hướng tốt và sẽ tập trung hết sức vào lĩnh vực này. Thường thì hỗ trợ khoảng 30% vốn đầu tư, trong một số trường hợp, mức hỗ trợ có thể sẽ lớn hơn.
Theo đánh giá của ông, năm 2013 có nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp phần mềm và ngành gia công phần mềm?
Năm 2013 sẽ còn tiếp tục khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đã vượt qua được năm 2012 thì chắc sẽ vượt được qua năm 2013. Tín hiệu từ năm 2013, theo tôi là tốt hơn so với 2012.
Chuẩn bị cho chiến lược phát triển trong những năm tới, Thành phố đang tập trung cho việc phát triển Công viên phần mềm Quang Trung thứ hai, cũng như phối hợp với các tỉnh, thành phố khác để có các khu công viên phần mềm khác, sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp về mặt bằng để họ đầu tư vào với mức giá hợp lý nhất. Ngoài ra, Thành phố đang phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt là cùng với các doanh nghiệp trong khối CNTT phối hợp nghiên cứu để đề ra các cơ chế, chính sách tốt nhất tạo sự phát triển đột phá trong lĩnh vực CNTT. Việt Nam không thể tiến lên mạnh mẽ, không thể đi tắt đón đầu, nếu không đầu tư phát triển những ngành khoa học mũi nhọn, nhưng ngành công nghệ cao.
Ngành gia công phần mềm thiếu về thị trường và yếu nhân lực, Thành phố có giải pháp gì để giúp doanh nghiệp tháo những khó khăn này?
Doanh nghiệp CNTT của Việt Nam vẫn còn thiếu các mối liên hệ với thị trường bên ngoài. Thị trường và phát triển thị trường luôn là khâu yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp của Việt kiều thường có mối quan hệ rất tốt với thị trường nước ngoài, từ đó họ có hợp đồng tốt. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam hiện tại vẫn đang phục vụ cho thị trường trong nước là nhiều. Thị trường trong nước có tiềm năng, nhưng không thể là vô hạn. Nếu vươn ra xuất khẩu thì rất tốt. Trong thời gian tới UBND Thành phố sẽ cùng các Hiệp hội và các doanh nghiệp đề ra các giải pháp nhằm tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Có năng lực, có sức cạnh tranh mới có thể vươn ra thị trường quốc tế và tất nhiên, không thể bỏ trống thị trường trong nước.
Gia công cũng là một hướng rất tốt để học hỏi và phát triển, nhưng nếu thỏa mãn để dừng lại ở mức chỉ gia công thì không ổn, trong thời gian tới đây, các doanh nghiệp phải phát triển sản phẩm của riêng mình.
Bửu Hà
Báo đầu tư
|