Thu hút FDI: Thiếu công nghiệp hỗ trợ
Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá giúp Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng thực tế sau nhiều năm thu hút FDI, Việt Nam không những không tạo được mối liên kết mà còn mất điểm dần trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Liên tục mất điểm
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong 5 năm 2008-2012, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã liên tục suy giảm và không đạt được kế hoạch đề ra. Năm 2008, Việt Nam đạt kỷ lục khi thu hút vốn FDI đăng ký đạt gần 64 tỷ USD.
Năm 2009, nguồn vốn thu hút chỉ đạt 21,48 tỷ USD, bằng 30% vốn đăng ký năm trước. Nhận thấy sự khó khăn, năm 2010, Việt Nam chỉ đặt mục tiêu thu hút 23 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009, nhưng thực tế chỉ đạt 18,1 tỷ USD.
Năm 2011, chỉ tiêu đặt ra chỉ hạn chế ở mức 20-21 tỷ USD nhưng kết quả là 14,7 tỷ USD. Đáng chú ý năm 2012 đánh dấu sự sụt giảm nghiêm trọng của dòng vốn FDI khi cả nước chỉ thu hút được 13 tỷ USD, đạt 84,7% so với năm 2011 và không đạt mục tiêu 15-17 tỷ đặt ra.
Trong lúc đang suy giảm ở Việt Nam, dòng vốn FDI vẫn đổ mạnh về các quốc gia Đông Nam Á khác. Hiện Việt Nam rớt xuống với vị trí cuối bảng về thu hút vốn FDI trong khu vực Đông Nam Á.
Nguồn vốn FDI có thể xem như một chỉ số đánh giá sức hút của môi trường đầu tư một quốc gia, nếu giảm tức môi trường đầu tư đã bộc lộ nhiều yếu tố hạn chế.
Các DN FDI khi đầu tư vào quốc gia nào cũng mong muốn được yểm trợ bởi nền công nghiệp phụ trợ tại thị trường đó, tức các DN nội sẽ cung ứng các linh phụ kiện, giúp DN FDI giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Tuy nhiên, DN Việt Nam chưa thật sự muốn tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của thế giới, mà chỉ gia công và sản xuất nguyên liệu thô, trong khi các DN FDI chờ đợi các dự án hợp tác có chiều sâu hơn. Vì thế, thị trường Việt Nam đang mất điểm dần trong mắt nhà đầu tư vì sức bật ngày càng yếu và thị trường ngày càng già cỗi.
Nếu không có sự cải thiện, vài năm tới đây, khi các nước Đông Nam Á xóa bỏ hàng rào thuế quan, rất có thể nhiều nhà đầu tư sẽ dịch chuyển dòng vốn, chuyển nhà máy sản xuất sang những nước có chính sách hấp dẫn và môi trường cạnh tranh hơn.
Cần chính sách cho liên doanh
Khi mở cửa thu hút FDI, chúng ta kỳ vọng có thể tiếp cận nguồn vốn và công nghệ để kinh tế Việt Nam trở thành một bộ phận hữu cơ trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, gần 30 năm mở cửa thu hút, do ngành công nghiệp hỗ trợ quá yếu kém nên DN Việt Nam vẫn chưa thể tham gia vào chuỗi giá trị với DN FDI. Cũng vì vậy, đa số DN FDI đến Việt Nam chỉ để tìm kiếm lợi nhuận chứ không giúp Việt Nam phát triển công nghệ như mong đợi.
Chẳng hạn khi hãng điện tử Sony đóng cửa và rời khỏi Việt Nam vì không còn được nhận nhiều sự ưu đãi do Việt Nam đã gia nhập WTO, hàng trăm công nhân dù đã có thâm niên hơn chục năm làm việc ở Sony, nhưng vẫn khó tìm được việc mới do chỉ biết một thao tác lắp ráp đơn giản.
Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, chia sẻ dù kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử ở Việt Nam hàng năm rất cao, nhưng DN Việt Nam chỉ chiếm 1-2%. DN nội chỉ được chỉ định hỗ trợ những sản phẩm như bao bì, ốc vít, hộp các tông, những chi tiết nhựa đơn giản, còn những khâu quan trọng như con chip, linh kiện cao cấp vẫn chưa thể tham gia.
Một công ty có vốn đầu tư nước ngoài
|
Bên cạnh đó có nhiều trường hợp DN FDI vào Việt Nam đã tạo cơ hội để DN Việt Nam bước chân vào chuỗi giá trị của họ, tiến tới chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng các DN Việt Nam không thể nắm bắt được.
Cụ thể, những thương hiệu lớn như Ford, GE, Piaggio hay nhiều thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản đã tham gia tích cực vào Chương trình trao đổi nhà cung cấp lập quan hệ đối tác tại thị trường Việt Nam, với mong muốn tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam để phát triển các hợp đồng cung ứng hoặc thiết lập liên doanh sản xuất phụ kiện cung cấp cho công ty mẹ.
Tuy nhiên, triển khai từ tháng 5-2011, đến nay dù đã có đến 30 cơ hội mời chào kết nối song chỉ có 6 cơ hội đi đến giai đoạn chào thầu, 3 DN tham gia thử mẫu và 1 DN liên doanh được thành lập.
Ông Stefan Kratzch, chuyên gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cho rằng đối với Việt Nam, hình thức liên doanh là cách tốt nhất để truyền dẫn sự lan tỏa, kết nối giữa DN FDI và DN nội nhằm đạt đến mục tiêu khai thác thị trường đang tăng trưởng của Việt Nam từ phía các nhà đầu tư nước ngoài cũng như mong muốn nhận chuyển giao công nghệ và bí quyết kinh doanh của các DN.
Để làm được điều này, Việt Nam cần có những chính sách cụ thể và ưu đãi hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp phụ trợ làm đối trọng với các lĩnh vực hoạt động vốn của các DN FDI.
Đỗ Linh
sài gòn đầu tư tài chính
|