Doanh nghiệp: Vẫn trăn trở chuyện vốn
Khó khăn về vốn đã trở thành mối lo thường trực của nhiều DN, đặc biệt là cộng đồng DN nhỏ và vừa (DNNVV). Giải quyết vấn đề vốn cho DN cũng như làm sao để thu hút đầu tư là vấn đề được các chuyên gia, nhà kinh tế, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN quan tâm và đưa ra bàn luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế ASEAN diễn ra cuối tuần qua.
Ông Vũ Tiến Lộc
|
PV Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh nội dung này.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, thời gian vừa qua do khủng hoảng kinh tế đã khiến cho DNNVV gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngân hàng các nước trong khu vực lại có xu hướng thắt chặt tín dụng để chống lạm phát, khiến cho DN tư nhân rất khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện nay, các Chính phủ cần có biện pháp tích cực để hợp tác với nhau, đặc biệt là sự trợ giúp của nhóm nước phát triển cao hơn trong việc đưa ra quỹ hỗ trợ cho khu vực DNNVV có thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
"Sân nhà” của Việt Nam không chỉ là 90 triệu dân
- PV: Hội nghị lần này tạo cơ hội để hai khối ASEAN và EU cùng tăng cường các mối quan hệ thương mại song phương. Ông đánh giá thế nào về cơ hội đầu tư của các DN ASEAN vào Việt Nam?
Ông Vũ Tiến Lộc: Khi đã trở thành một cộng đồng kinh tế chung, một cộng đồng kinh tế ASEAN thì lúc đó thị trường sân nhà của Việt Nam không chỉ là 90 triệu dân Việt Nam, mà là 600 triệu dân. Thị trường này lại được kết nối với các đối tác lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga… Trong điều kiện thị trường rộng mở đó, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. Bởi vì, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam trước đây chủ yếu nhằm vào thị trường 90 triệu dân, xuất khẩu ra nước ngoài thì gặp nhiều trở ngại như hàng rào thuế quan, những điều kiện kỹ thuật…
Nhưng hiện nay, hàng rào thuế quan giữa các nước ASEAN giảm xuống còn 0 – 5%. Do đó, khi một dự án đầu tư tại Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có lợi thế thâm nhập được cả một thị trường 600 triệu dân, chứ không chỉ là 90 triệu dân như trước đây. Đây chính là động lực để Việt Nam thu hút tốt hơn vốn đầu tư nước ngoài.
EU là thị trường lớn của Việt Nam, tuy nhiên khi xuất khẩu vào thị trường này các DN Việt Nam vẫn gặp phải rất nhiều vấn đề liên quan, trong đó có các vụ kiện chống bán phá giá…Vậy để hoàn thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này, về phía VCCI cũng như các cơ quan liên quan có biện pháp gì?
- Quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam đối với yêu cầu tái cấu trúc là phải hướng tới phát triển bền vững, sử dụng công nghệ sạch… Cho nên chúng tôi khuyến khích và trợ giúp các DN áp dụng công nghệ để bảo vệ môi trường. Với những biện pháp đó thì có thể thâm nhập vào thị trường EU tốt hơn. Ngoài ra, khi Việt Nam đàm phán, ký kết FTA với EU cũng như các khu vực khác, khi đã có hiệp định thương mại tự do thì tự nhiên các hàng rào kỹ thuật sẽ bị dỡ bỏ. Trong quá trình hội nhập ASEAN cũng như các tổ chức quốc tế khác thì có thể coi đây là quá trình để Việt Nam vươn tới những chuẩn mực quốc tế.
Để DN tiếp cận vốn dễ hơn
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã thúc đẩy rất mạnh về quan hệ hợp tác công tư (PPP). Theo ông, kỳ vọng này đã đạt được chưa? Và Việt Nam cần phải làm thế nào để thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào sự phát triển chung của nền kinh tế?
- Chúng ta đã có bước tiến khá dài trong việc tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và khu vực DN, một loạt các diễn đàn đối thoại đã được tổ chức từ cấp trung ương đến địa phương để tạo điều kiện cho DN và các nhà hoạch định chính sách cùng chia sẻ quan điểm, phản ánh những vướng mắc và hiến kế về sự phát triển.
Thời gian vừa qua do khủng hoảng kinh tế đã khiến cho
doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn
|
Sự hợp tác PPP đã có những tiến bộ lớn. Nhưng hiện nay, đứng trước giai đoạn mới, phạm vi hợp tác PPP cần phải được mở rộng. Trong những năm qua, Việt Nam thường nhận được viện trợ ODA của các nước, có FDI. Các hình thức này thường tách rời nhau, nhưng thời gian tới đây, với công thức PPP thì chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp được nguồn vốn từ Chính phủ Việt Nam, nguồn vốn của DN Việt Nam với các nguồn vốn viện trợ chính thức của nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài…
Hy vọng với những lợi thế của công thức PPP sẽ giải quyết được vấn đề về vốn cho nhiều dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Theo tôi, đây là hướng đang được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo để có thể thay thế cho nguồn vốn đầu tư FDI dự kiến trong tương lai sẽ giảm đi.
Việt Nam đã tính đến việc khai thác nguồn lực tư nhân trong lĩnh vực tài chính ngân hàng chưa, hay mới chỉ dừng ở thu hút vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thưa ông?
Việc thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển là việc Việt Nam vẫn làm từ trước đến nay. Đương nhiên, đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam bao giờ cũng nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế tư nhân. Đây có thể coi là khu vực quan trọng của quá trình phát triển.
Thời gian vừa qua, chúng ta đã phát triển rất mạnh mẽ khu vực DNNVV. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, DNNVV gặp nhiều khó khăn do các Chính phủ đều thực hiện biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với tình hình kinh tế khó khăn chung. Cho nên, một trong những giải pháp quan trọng của các nước ASEAN để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của từng nước cũng như tăng cường hợp tác nội khối là phải làm thế nào để khu vực DNNVV tiếp cận tốt hơn nguồn vốn ngân hàng. Ví dụ như xây dựng các quỹ bảo lãnh tín dụng. Việc này đã được đề ra nhưng do thiếu nguồn vốn, cơ chế vận hành chưa thật sự tốt cho nên chưa thể triển khai.
Duy Phương
Đại đoàn kết
|