Lo ngại hàng xuất khẩu kém sức cạnh tranh
Bước vào đầu năm 2013, mối lo sản phẩm XK của Việt Nam kém sức cạnh tranh trên thị trường do chi phí giá gia tăng càng trở thành hiện thực khi lượng đơn hàng của nhiều DN XK đang có dấu hiệu suy giảm.
Giá thành ngày càng tăng
Là một trong những đối tác gia công cho thương hiệu giày nổi tiếng Kappa, ông Đặng Văn Chiến, Giám đốc Công ty giày Hưng Yên cho biết, do nhu cầu tiêu dùng của thế giới suy giảm nên hiện DN mới chỉ nhận đơn hàng đến hết quý I. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn theo vị lãnh đạo này, chính là việc hãng giày Kappa đang có ý định dịch chuyển đơn hàng gia công từ Việt Nam sang các nước khác trong khu vực.
Hiện cùng với Việt Nam, Thái Lan và Bangladesh là hai nước được hãng giày này lựa chọn làm địa chỉ để gia công sản phẩm XK. Với chi phí giá thành tại Việt Nam ngày càng tăng cao do tiền lương nhân công tăng, các chi phí nguyên nhiên liệu sản xuất đầu vào như giá điện, giá xăng dầu, giá thuê đất... liên tục biến động đã làm cho chi phí giá thành tăng cao, sản phẩm kém sức cạnh tranh. “Lượng đơn hàng mà chúng tôi nhận được chỉ bằng 2/3 so với các năm trước. Do đó, năm nay Công ty chỉ cố gắng “giữ” bằng mức năm ngoái, sản xuất cầm chừng”, ông Chiến nói.
Ông Đào Duy Kha - Phó Tổng giám đốc của Công ty Nhựa Việt Nam cho biết, nhiều DN XK trong ngành nhựa đang phải đối mặt với xu hướng tăng giá nguyên liệu đầu vào. Do phải NK đến 70% nguyên liệu cho sản xuất, áp lực tăng giá sản phẩm càng tạo thêm khó khăn cho DN trong việc cạnh tranh với sản phẩm khác trên thị trường. “Sau một giai đoạn sụt giảm mạnh, nhiều DN trong ngành phải đóng cửa hoặc giảm sản xuất, do đó, nếu chi phí đầu vào tiếp tục gia tăng, sản phẩm XK sẽ càng khó tiêu thụ, nguy cơ bị mất đơn hàng là rất lớn”- ông Kha nói.
Tương tự, nhiều DN XK trong các lĩnh vực khác nhau cho biết, với chi phí giá thành ngày càng tăng cao do chính sách điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu luôn biến động, cùng việc phải phụ thuộc vào NK nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đã làm cho các DN XK luôn ở thế bị động trong việc giữ ổn định giá. Điều này cũng góp phần làm cho đơn hàng XK của Việt Nam ít nhiều bị giảm sút, hoặc chuyển dịch sang các nước lân cận.
Cần chính sách ổn định
Mở rộng thị trường XK được xem là hướng đi thích hợp của nhiều DN trong bối cảnh các thị trường truyền thống suy giảm. Nhưng theo kinh nghiệm chia sẻ của nhiều DN, việc tìm thị trường mới trong bối cảnh hiện nay cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Ông Vũ Tuấn Giang, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Sovina cho biết, “miếng bánh” của các thị trường lớn đều đã được chia hết, do vậy cố gắng mở rộng thêm thị phần là rất khó khăn.
Trong khi đó, với các thị trường nhỏ, mặc dù đang còn “khoảng trống” nhưng sức mua không nhiều, thị trường ít, phương thức thanh toán chưa đảm bảo, dễ gặp rủi ro nên việc mở rộng thị trường mới là rất khó khăn. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cách tốt nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm sóc tốt khách hàng truyền thống để giữ vững đơn hàng.
Câu chuyện đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cũng được ông Kha đưa ra như một khuyến cáo với các DN trong ngành nhựa. Bởi theo vị này, hiện có nhiều DN trong ngành do khả năng đầu tư có giới hạn, chủ yếu nhập các thiết bị cũ, dẫn đến chất lượng sản xuất không ổn định, năng suất không cao làm sản phẩm kém cạnh tranh trên thị trường. Bàn luận về điều này, ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI) cũng chỉ ra, trong 10 đồng XK ở thì chỉ 1,5 đồng là ở Việt Nam do giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng cốt lõi cạnh tranh chính là chiến lược cạnh tranh tập trung vào sản phẩm và chất lượng dịch vụ của DN phù hợp với người tiêu dùng.
Bên cạnh nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm từ phía DN, theo các lãnh đạo DN và chuyên gia, để sản phẩm XK Việt Nam có thêm sức cạnh tranh, cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Các chính sách liên quan đến kinh doanh của DN như giá nguyên nhiên liệu đầu vào gồm điện, xăng dầu, các khoản thuế, phí... cần được xây dựng mang tính ổn định, tránh những tác động và cú sốc lớn đến DN.
“Nhựa là ngành sử dụng nhiều năng lượng, nhưng năm qua Nhà nước đã hai lần tăng giá điện ở mức cao, giá xăng dầu cũng có nhiều biến động nên không biết năm nay giá năng lượng có tăng nữa hay không, bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm và khả năng tiêu thụ khi ra thị trường thế giới”, ông Kha lo ngại.
Linh Sơn
Hải Quan
|