Thứ Năm, 21/03/2013 17:45

Hóa giải nút thắt tín dụng phải đồng bộ

Nếu thực hiện nhất quán, đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, DN vẫn có nhiều cơ hội trong năm 2013.

Giảm trần lãi suất chưa phải ưu tiên

Nền kinh tế hiện đang yếu ớt và vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng, so với công suất đã đầu tư. Nhìn tổng thể, mặc dù tín dụng 2 tháng đầu năm sụt giảm so với cuối năm trước, tuy nhiên các DN cũng không nên quá trông đợi kịch bản giảm trần lãi suất huy động trong ngắn hạn, để kéo giảm lãi suất đầu ra nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng và sẽ khó lặp lại như năm 2012. Nói cách khác, lãi suất huy động 8%/năm hiện nay là mức hợp lý và chấp nhận được của người gửi tiền, nếu tiếp tục điều chỉnh giảm, chênh lệch lãi suất VND và USD thu hẹp có thể dẫn đến việc dịch chuyển dòng vốn qua USD ảnh hưởng đến tỷ giá.

Ngoài ra, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tuy thấp hơn cùng kỳ nhiều năm gần đây, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số giá đã tăng tới 2,59% trong khi áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát vẫn còn hiện diện, đặc biệt là khi so sánh tương quan với mục tiêu lạm phát 6% trong năm 2013 do Chính phủ đề ra.

Một nguyên nhân khác cũng khá quan trọng là hiện tại NHNN đang gánh nhiều mục tiêu cùng một lúc khiến cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chạp.

Cụ thể, nhiệm vụ về chính sách trong năm 2013, gồm có: Thứ nhất, triển khai đấu thầu vàng miếng SJC nhằm ổn định thị trường vàng, kéo giá vàng trong nước về sát với giá quốc tế; Thứ hai, xây dựng Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm giải cứu thị trường bất động sản; Thứ ba, giữ ổn định tỷ giá trong biên độ cho phép; Thứ tư, hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam; Thứ năm, kiểm soát cung tiền tránh rủi ro lạm phát trong năm 2013.

Ngoài mục tiêu Thứ ba và Thứ năm đòi hỏi thực hiện nhất quán trong suốt năm 2013 thì những mục tiêu còn lại đều ở trong diện “gấp rút” cần hoàn thành ngay trong quý I/2013. Thế nhưng để thực thi một nhiệm vụ đòi hỏi phải có đủ nguồn lực như nhân sự, thời gian...

Quan trọng: Định hướng thị trường

Năm 2013 để tìm cơ hội kinh doanh, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân DN thì điều quan trọng lúc này vai trò giải quyết “điểm nghẽn” tín dụng từ phía Chính phủ là rất lớn. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất của chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay là lấy lại và củng cố niềm tin cho thị trường. Trong suốt hơn 5 năm phải áp dụng các biện pháp tình thế để ổn định kinh tế vĩ mô đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn. Với hệ thống chính sách và giải pháp Chính phủ đề ra thông qua Nghị quyết 01 và 02 là những nỗ lực cần thiết và đúng đắn để lấy lại niềm tin cho thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020; trong đó đã phân kỳ cho giai đoạn 2013-2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực: đầu tư công; hệ thống NHTM và tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong quá trình thực hiện các chính sách và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra sẽ có tác động làm tăng tổng cầu và phân bố lại nguồn lực. Đây là cơ hội mà các DN cần nắm bắt để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới.

Khi làm được điều đó, chắc chắn thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh; thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những DN có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, “sau cái hoạ đều có cái phúc” cho những người biết nắm được thời cơ. Ngay cả thị trường BĐS, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay cũng đang mở ra cái phúc như vậy; chứ không chỉ có hoạ.

Từ đó, với lạm phát kỳ vọng ở mức 6-7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013 sẽ tạo điều kiện quan trọng cho DN xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn. Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo Đề án của Chính phủ đến năm 2020, DN có điều kiện hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của mình. Chắc chắn trong các năm 2013-2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường “nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động. Nhưng các DN cần xác định đây là cơ hội để phát triển nguồn nhân lực; thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đó, năm 2013 thách thức và cơ hội đối với nền kinh tế đan xen ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Các khó khăn như sức mua giảm; hàng tồn kho, nợ xấu tăng; lãi suất cao; DN thiếu vốn, sẽ được cải thiện hơn so với năm 2012. Đây cũng là thời kỳ mở ra những cơ hội cho các DN nắm bắt để tái cơ cấu và phát triển bền vững. Thị trường sẽ trở nên lành mạnh hơn. Tuy các vấn đề ngắn hạn về kinh tế vĩ mô đang đặt ra rất bức xúc, nhưng các DN nên tin rằng, quyết tâm để giải quyết các vấn đề trung-dài hạn của nền kinh tế vẫn là vấn đề quan trọng nhất đặt ra đối với Chính phủ.

TS. Trần Du Lịch -Thành viên Hội đồng tư vấn CSTCTT Quốc gia

sbv

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp ngại vay, tín dụng ngoại tệ giảm (21/03/2013)

>   Công ty Cho thuê tài chính: Thua lỗ và nợ xấu (21/03/2013)

>   NHNN: Kết quả điều hành chính sách tiền tệ 2 tháng đầu năm 2013 (21/03/2013)

>   Gói hỗ trợ lãi vay 6%/năm: Khó giải quyết được hàng tồn (21/03/2013)

>   Quản lý Quỹ Hapaco kêu cứu về 500 tỷ đồng bị “ngâm” tại SCB (21/03/2013)

>   Cá nhân tự do vay vốn ngoại: Cơ hội và rủi ro (21/03/2013)

>   Lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm (20/03/2013)

>   Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh tiếp tục khuyến cáo ngân hàng (20/03/2013)

>   Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh tiếp tục khuyến cáo ngân hàng (20/03/2013)

>   SCB: Đã nộp lên UBCKNN hồ sơ chào bán 300 triệu cp giá 10,000 đồng (20/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật