Thứ Tư, 20/03/2013 21:26

Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh tiếp tục khuyến cáo ngân hàng

Phát biểu với Thống đốc NHNN tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ, ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển KT-XH trên địa bàn Đà Nẵng ngày 20/3, ông Nguyễn Bá Thanh khuyến cáo: Việc tháo gỡ nợ xấu nếu làm không khéo sẽ rất dễ phát sinh tiêu cực!

Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ, ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển KT-XH trên địa bàn Đà Nẵng ngày 20/3

Bài toán hiện nay là kích cầu nền kinh tế sôi động trở lại

Sáng 20/3, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã dẫn đầu đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng lãnh đạo Đà Nẵng, 56 tổ chức tín dụng và 15 doanh nghiệp (DN) đại diện cho hàng ngàn DN trên địa bàn TP tham dự hội nghị nhằm bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh.

Tuy đã ra Hà Nội giữ trọng trách Trưởng Ban Nội chính TƯ nhưng do vẫn còn là Chủ tịch HĐND TP, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng nên ông Nguyễn Bá Thanh vẫn thu xếp thời gian vào tham gia chủ trì cuộc hội nghị quan trọng này. Sau gần 4 giờ lắng nghe các phát biểu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình cùng khoảng một chục ý kiến trao đổi giữa các DN với các NH trên địa bàn, ông Nguyễn Bá Thanh nói:

"Tình hình kinh tế của đất nước ta không được thuận lắm trong những năm gần đây. Nói gì thì nói, khủng hoảng kinh tế của thế giới cũng có tác động, cũng có ảnh hưởng nhưng nhìn chung quanh các trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia... thì rõ ràng lãi suất cho vay của các NH Việt Nam vẫn ở mức cao. Lãi suất đã cao rồi, năng suất lao động lại thấp nên cuối cùng sản phẩm của mình không cạnh tranh được với thế giới. Do giá thành bị đẩy lên nên DN tiếp tục gặp khó khăn!".

Theo ông, bài toán quan trọng hiện nay mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung là làm sao tái cấu trúc nền kinh tế, làm sao vực dậy nền kinh tế, mà nói một cách tập trung nhất là làm sao giai đoạn hiện nay phải kích cầu được nền kinh tế. "Người dân không tiêu dùng thì sản xuất ra bán cho ai? Chừ lãi suất xuống thêm một tí nữa thì cũng chỉ đỡ một chút thôi chứ làm ra chưa chắc đã ai mua. Cho nên giải quyết bài toán kích cầu cho nền kinh tế sôi động trở lại đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ chứ không chỉ NH" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.

Giám đốc chi nhánh Seabank tại Đà Nẵng Lê Văn Minh cho rằng điều các doanh nghiệp thực sự cần lúc này là giảm thuế VAT

Nhưng giữa hoạch định chính sách và cuộc sống lại không gặp nhau

Theo Giám đốc Chi nhánh Seabank tại Đà Nẵng Lê Văn Minh, tuy lãi suất đã giảm từ 21% xuống còn 10 - 13% song các DN vẫn không hấp thụ được vốn. Điều đó bắt nguồn từ đầu ra của sản phẩm khiến các NH lo lắng phương án kinh doanh của DN không khả thi, chứ không hẳn là đầu vào. Ông e rằng nếu chỉ tập trung giải quyết chính sách tiền tệ thì chưa thể giải quyết được tận gốc vấn đề nên đề nghị cần phải có thêm chính sách tài khoá nữa.

"Giá bán sản phẩm bao gồm giá thành sản xuất và thuế VAT. Nếu lãi suất NH 13% thì chỉ tương ứng khoảng 5% trong giá thành sản xuất. Nếu NHNN kéo lãi suất xuống thêm 3% thì chỉ giảm thêm được khoảng 1,5% trong giá thành sản phẩm bán ra. Nhưng nếu mạnh dạn giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho các sản phẩm đầu ra thì sẽ giúp được rất nhiều cho DN. Giảm cho các mặt hàng gì? Chúng ta đã xác định được tồn kho lớn nhất hiện nay là các mặt hàng công nghiệp, xây dựng là những ngành xương sống. Nếu giảm được thuế VAT ở chỗ này sẽ giúp DN khơi thông được đầu ra. Khi đó họ sẽ mạnh dạn đầu tư tiếp. NH cũng thấy được đầu ra của DN nên sẽ dễ chấp nhận phương án kinh doanh của DN hơn.

Nếu lo ngại giảm 50% thuế VAT sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu thì cần quay lại việc giảm thuế thu nhập DN đang được bàn thảo. Theo quan điểm của tôi, nếu giảm thuế thu nhập DN cũng không giúp được gì nhiều cho DN trong lúc này. Vì họ có lãi đâu mà giảm thuế nữa? Việc giảm thuế đó chỉ có lợi cho DN khi họ làm ăn có lãi, nhưng bây giờ họ đang rất khó khăn, cần hỗ trợ để giải quyết đầu ra hơn. Nếu Bộ Tài chính nói giảm thuế VAT sẽ ảnh hưởng nguồn thu thì Chính phủ cần cắt giảm chi tiêu. Thay vì Quốc hội cho phép thâm hụt ngân sách mỗi năm khoảng 4,8% GDP, Chính phủ có thể tiết kiệm phần này thì đã giúp giảm được 50% VAT cho DN rồi!" - ông Lê Văn Minh nói.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, Chính phủ hoàn toàn trông cậy vào chính sách tiền tệ, còn nhiều giải pháp khác hiệu quả không cao, nghe thì rầm rộ nhưng đi vào cuộc sống của DN chẳng được gì. Ông nói: "Để xử lý khó khăn của DN phải sử dụng ngân sách. Đó là nguyên tắc bất di, bất dịch ở các nước nhưng chúng ta không làm. Các công cụ khác của chính sách tài khoá, đặc biệt là thuế và phí, thì làm rất cầm chừng. Nói giảm thuế dẫn đến thất thu chưa chắc đã đúng. Nếu giảm thuế mà khuyến khích được sản xuất, làm cho khối lượng giá trị sản phẩm tăng lên thì vẫn đảm bảo nguồn thu". Vì vậy ông ghi nhận đề nghị giảm thuế VAT để trình bày với Chính phủ.

Từ chuyện này, ông Nguyễn Bá Thanh đúc kết: "Cái cuộc sống đang cần thì ổng không làm mà lại làm qua một cái khác. Ví dụ người ta cần giảm thuế VAT thì ổng lại đi bàn giảm thuế thu nhập DN, rồi nâng lên hạ xuống, 25% còn 23%. Nghĩa là giữa cuộc sống và những nhà hoạch định chính sách vĩ mô không gặp nhau. Đó là một thực tế. Cái người ta cần là gì? Qua chuyện ban hành Thông tư phạt người đội mũ bảo hiểm giả, bị dân phản ứng nên phải thu hồi lại, tôi muốn nói giữa hoạch định chính sách và cuộc sống không ăn liền với nhau nên không thúc đẩy xã hội phát triển được!".

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình hy vọng 2 chưong trình lớn sắp tới về xử lý nợ xấu sẽ có hiệu quả

Xử lý nợ xấu coi chừng lại phát sinh tiêu cực

Theo ông Nguyễn Bá Thanh, vấn đề hạ lãi suất cho vay chỉ là một trong những giải pháp. Đối với DN thì lãi suất vay càng thấp càng tốt, còn NH bảo lãi suất huy động vốn của dân đã 8% rồi, nên giờ chỉ có cách NH tiết kiệm các chi phí nuôi bộ máy: "Ông đưa lương, thưởng cao lên làm đội chi phí thì không biết lãi suất cho vay bao nhiêu mới đủ. Gặp lúc khó khăn này thì ông cũng phải chia sẻ, phải tự siết lại thì mới có chuyện cho vay lãi suất thấp được!".

Ông cũng nhấn mạnh đến việc cần có cái tài của NHNN nghĩ ra những cách khác nữa, chứ còn cứ ngồi bảo NH chẳng qua cũng là DN, đi vay của dân rồi cho DN vay lại thì không giải quyết được bài toán hiện nay. Ở các nước, nếu dự trữ dồi dào thì họ có nhiều chiêu, nhiều bài lắm để nuôi dưỡng DN qua cơn hoạn nạn, rồi mới làm ăn, đẻ "trứng vàng" ra cho họ tiếp tục mà thu, mà hái quả.

Đối với vấn đề nợ xấu mà Thống đốc NHNN cho biết sẽ tập trung xử lý trong năm 2013, ông Nguyễn Bá Thanh nêu rõ: "Với cách làm hiện nay, nói thật với anh Bình là độ dung sai quá lớn, cho nên một số NH đối phó, giấu bệnh tật chứ không phải thật thà nói hết ra để mình biết nợ xấu bao nhiêu". Đồng thời ông nhắc lại điều từng thẳng thắn phát biểu tại Quốc hội: Có những loại nợ không phải nợ xấu nữa mà là nợ quá xấu, nợ không bao giờ đòi lại được. Còn có những loại nợ xấu do DN gặp khó khăn về thị trường, hoặc do vay ngắn hạn mà phải đầu tư trung và dài hạn thật ra là chuyện bình thường!

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, để xử lý vấn đề nợ xấu, năm nay sẽ có hai chương trình lớn mà theo ông sẽ có hiệu quả. Đó là NHNN đã xây dựng xong dự thảo thông tư hướng dẫn cho vay để hỗ trợ thị trường bất động sản và đang chờ Nghị định của Bộ Xây dựng quy định cụ thể về lĩnh vực này để thông tư có thể đi vào cuộc sống. Nội dung thứ 2 rất quan trọng là sau khi được Bộ Chính trị thông qua chủ trương, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành trình lên Chính phủ và hy vọng trong tuần này Chính phủ sẽ phê duyệt đề án xử lý nợ xấu và ban hành Nghị định về thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia.

Ông "diễn nôm" về bản chất Công ty Quản lý tài sản quốc gia: "Có DN A vay NH 100 tỉ đầu tư hết vào đất, bây giờ nằm bất động. Bản thân DN A này đang sản xuất một mặt hàng A, chẳng qua vừa rồi thấy bất động sản vui quá nên đầu tư vào, bây giờ không thu hồi được vốn. Thế nhưng DN A này vẫn đang sản xuất mặt hàng A. Đến NH thì bảo ông này đang dư nợ 100 tỉ chưa trả được, làm sao cho vay tiếp? Thế là DN A không có tiền để sản xuất mặt hàng A. Bây giờ làm sao cho DN A vẫn có 100 tỉ để sản xuất mặt hàng A? Để tháo gỡ nút thắt này, Nhà nước sẽ đứng ra mua lại 100 tỉ ông đem găm vào đất và trả lại cho NH số tiền đó để NH có tiền cho DN A tiếp tục vay để sản xuất mặt hàng A".

Tuy nhiên ông Nguyễn Bá Thanh khuyến cáo: "Việc bây giờ thành lập ra công ty mua bán, tháo gỡ nợ xấu là hướng đi đúng nhưng còn cách làm, phương pháp làm nữa. Nếu làm không khéo, không cẩn thận là dễ tiêu cực, dễ sinh chuyện ra lắm. Ổng ăn hai đầu, lần trước ổng đã mua trời ơi vô, mất mớ tiền rồi, giờ bán ra, lẽ ra bán 4 đồng thì ổng bán được 5 đồng, ổng kiếm 1 đồng nữa. Cuối cùng là nhà nước này, dân này gánh chịu thôi!".

Ông Nguyễn Bá Thanh khuyến cáo ông Nguyễn Văn Bình nếu làm không khéo thì việc xử lý nợ xấu sẽ rất dễ phát sinh tiêu cực!

Muốn lành mạnh phải lập lại trật tự kỷ cương

Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, sở dĩ mình hay quan tâm lĩnh vực NH là vì: "Thành tựu trong những năm đổi mới vừa qua phải nói công lao rất to lớn thuộc về ngành NH. Nhưng nếu mai đây nền kinh tế này có sụp đổ thì cũng chính là bắt đầu từ hệ thống NH. Không cãi khác được, không đơn giản tí nào, nó liên quan sâu xa lắm. Khi cơ thể khoẻ lên thì NH cũng tươi tắn, mọi thứ đều suôn sẻ, mà hễ trục trặc thì NH từ chỗ cho vay quá thông thoáng, bây giờ sợ quá, sợ đến hoảng loạn, không dám cho vay nữa nên ra điều kiện vay rất ngặt nghèo, cuối cùng không phân biệt được DN nào với DN nào".

Ông nói thẳng với lãnh đạo các NH: "Giá trị thật của cái nhà ở thời điểm vay chỉ 10 tỉ nhưng ổng định giá lên 50 - 70 tỉ rồi cho vay 50 tỉ. Bữa nay nhà xuống giá chỉ còn 5 tỉ thì họ lấy cái gì để đưa lại, hay chỉ đưa cái mạng ra chịu trận? Ở các nước, hệ thống của người ta rất hiện đại, văn minh, báo cáo láo, báo cáo sai là chết liền, pháp luật trừng phạt liền. Còn ở mình nói dối cũng tương đối quen rồi. Một con số thì trong nội bộ biết, một con số để báo cáo Thanh tra NHNN, một con số để báo cáo Chi nhánh NHNN trên địa bàn, còn con số thật không phải thế, mình giấu bệnh với nhau.

Nói là huy động 8% nhưng lén cho thêm ở ngoài mấy % nữa. Nói cho vay 14 - 15% nhưng cũng khèo thêm họ chung chi ở bên ngoài. Cái đó có không? Nếu trong cuộc chơi 11 cầu thủ bóng đá mà có 1 - 2 ông đi cá độ như thế thì còn đá đấm gì nữa? Nên cuộc chơi này đòi hỏi phải có kỷ luật. Tôi đề nghị với Thống đốc NHNN là cái này không du di được, phải lập lại trật tự kỷ cương nếu muốn lành mạnh. Cuộc chơi mà hô với nhau như thế nhưng cứ đi ngõ sau, cứ làm theo kiểu đó thì làm sao giải quyết bài toán được?

Ổng chung chi đầu vào nên đầu ra thì ổng phải khèo quặt người ta, rồi cũng bỏ túi một ít, coi chừng vi phạm pháp luật chứ không phải chuyện chơi đâu. Nhưng tôi nhìn thấy một số NH không biết sợ là gì. Lẽ ra hôm qua tôi về Đà Nẵng nhưng có chương trình phải ở lại nghe một số vụ. Có những vụ làm cái 4.000 - 5.000 tỉ tỉnh queo như thế thì không có tiền đâu mà chịu nỗi hết. Trong các lĩnh vực có nhiều tiêu cực thì NH cũng là một lĩnh vực mà xã hội đang quan tâm. Mình muốn ổn định kinh tế vĩ mô thì đề nghị NHNN và các NH thương mại cổ phần... phải tự giác chấp hành nghiêm các quy định!".

Giám đốc Công ty TNHH Minh Toàn, ông Nguyễn Hữu Thành, một trong 15 doanh nghiệp tham dự hội nghị trao đổi với đại diện các NH AgribankACB bên lề hội nghị

Áp lực cho DN trả nợ cũng vừa vừa thôi!

Theo ông Nguyễn Bá Thanh, ở nước ngoài, NH muốn tồn tại và phát triển thì họ phải rất quý trọng DN, đúng nghĩa khách hàng là thượng đế. Còn mình thì cứ làm ngược lại, DN cần NH, lúc nào cũng phải đi năn nỉ NH thế này, thế khác, khó khăn đủ bề. NH cần phải có những cán bộ tín dụng tốt, không chỉ thẩm định dự án mà thậm chí còn kích thích cho vay. NH phải phát hiện ra dự án để đưa đồng vốn vào sinh lợi, chứ không thể để đồng tiền chạy lòng vòng bên này qua bên kia, rồi mua cổ phiếu này khác trong khi sản xuất có những chỗ rất cần nhưng lại không có vốn.

"Tôi đồng ý với anh Bình là trong lúc khó khăn này, các NH và DN phải ngồi lại với nhau bàn cách tháo gỡ. Chi nhánh NHNN trên địa bàn phải chủ xị. Chứ lâu lâu họp cho uống thuốc an thần như thế này, rồi tăng thêm một số kiến thức NH thì không giải quyết được vấn đề mà phải đi vào những cái cụ thể. DN đang nợ thì giãn nợ ra sao, khoanh nợ như thế nào để tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn. Nếu không cẩn thận sẽ đẩy đến chỗ một số DN mệt mỏi quá rồi ì ra đó luôn. Làm ra được bao nhiêu mà lãi suất NH tính kiểu đó thì làm để làm quái gì? Nghĩ cho nó khoẻ, chết cũng đã chết rồi, không còn gì để mất nữa hết, mà NH cũng không làm gì được. Nếu đẩy đến chỗ đó sẽ rất nguy hiểm!"

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, có một số NH báo cáo với ông rằng, sở dĩ họ vẫn duy trì lãi suất cao là nhằm tạo áp lực cho DN cố gắng trả nợ. Tuy nhiên ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng: "Áp lực thì cũng vừa vừa thôi. Cũng như anh chạy thi ấy mà. Thấy có mấy ông chạy phía trước thì anh còn ráng bám theo, chứ họ chạy cách cả mấy cây số rồi thì anh chỉ muốn ngồi bệt xuống thôi, chả muốn chạy nữa!" - Cả hội trường bật lên tiếng vỗ tay đồng tình.

Hải Châu

infonet

Các tin tức khác

>   SCB: Đã nộp lên UBCKNN hồ sơ chào bán 300 triệu cp giá 10,000 đồng (20/03/2013)

>   MDBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi trong năm 2013 (20/03/2013)

>   Giao dịch liên ngân hàng tăng gần 20% so với tuần trước (20/03/2013)

>   Vietcombank giảm lãi suất tiền gửi (20/03/2013)

>   TS Nguyễn Trí Hiếu: Ý tưởng đánh thuế tiền gửi ở Síp là bài học cho Việt Nam (20/03/2013)

>   Đồng Nai: Ngân hàng "ế" vốn 13.000 tỷ đồng (20/03/2013)

>   Ngân hàng ANZ Việt Nam bị cảnh cáo về chứng khoán (20/03/2013)

>   Cho cá nhân vay nợ nước ngoài: Đừng bàn rồi để đó (20/03/2013)

>   Ngân hàng lặng lẽ giảm lãi suất huy động (20/03/2013)

>   Đà Nẵng: Dư nợ tín dụng tăng nhẹ, lãi suất tiếp tục giảm (20/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật