Công ty Cho thuê tài chính: Thua lỗ và nợ xấu
Các công ty cho thuê tài chính đang hoạt động trong một môi trường pháp lý đầy rủi ro, mà khả năng thua lỗ và nợ xấu là khó tránh khỏi.
Nợ xấu và đóng cửa
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thu hồi giấy phép hoạt động của Công ty Cho thuê tài chính ANZ/V-TRAC (công ty hoàn toàn độc lập với Ngân hàng ANZ). Theo Hiệp hội Cho thuê tài chính, trên thực tế, công ty này đã ngừng hoạt động từ lâu và việc rút giấy phép chỉ là để hoàn tất về mặt thủ tục.
Hầu hết các công ty cho thuê tài chính đang đối mặt với rủi ro thanh khoản
|
Ngoài ANZ/V-TRAC, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài khác là Kexim cũng gần như đã ngừng hoạt động cho thuê tài chính. Hai công ty 100% vốn nước ngoài còn lại trong lĩnh vực này cũng hoạt động không mấy hiệu quả.
Không chỉ công ty 100% vốn nước ngoài, mà nhiều công ty cho thuê tài chính trong nước cũng rơi vào tình trạng thua lỗ hoặc nợ xấu cao, như Công ty Cho thuê tài chính II- Agribank, Công ty Cho thuê tài chính I- Agribank, Công ty TNHH một thành viên Cho thuê tài chính Vinashin…
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nợ xấu của các công ty cho thuê tài chính đứng ở mức cao nhất hiện nay. Trong năm 2012, tỷ lệ nợ xấu của nhiều công ty cho thuê tài chính lên tới gần 50%.
Trong khi đó, một chuyên gia tài chính khẳng định, đa phần công ty cho thuê tài chính trong nước đều có vốn điều lệ rất nhỏ, vốn huy động cũng không lớn, nhưng lại thường xuyên mua các tài sản có giá trị cao để cho thuê như tàu, dây chuyền công nghệ, tài sản thế chấp lại không có. Vì vậy, hầu hết các công ty này đều phải đối mặt với rủi ro thanh khoản rất lớn.
Tuy vậy, theo ông Đàm Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, hiện vẫn còn nhiều công ty cho thuê tài chính kinh doanh khá hiệu quả. “Năm qua, Công ty Cho thuê tài chính của ACB vẫn lãi lớn, Công ty Cho thuê tài chính VietinBank lãi hơn 100 tỷ đồng, Công ty Cho thuê tài chính Vietcombank lãi hơn 60 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay mà các công ty trên đạt mức lợi nhuận như vậy là rất tốt”, ông Long nói.
Một trong những điển hình về kinh doanh cho thuê tài chính hiệu quả nhất trên thị trường hiện nay là VietinBank Leasing. “Tổng nguồn vốn của Công ty đã tăng trên 30 lần so với vốn ban đầu. Tổng dư nợ đầu tư và cho thuê tài chính tăng trên 140 lần. Hàng năm, Công ty đều kinh doanh có lãi, với mức tăng trưởng trung bình 30%/năm”, ông Phạm Ngọc Long, Tổng giám đốc VietinBank Leasing cho hay.
Môi trường pháp lý đầy rủi ro
Từ năm 2002 đến nay, Công ty cổ phần Cao su Sao vàng (CRC) đã ký 65 hợp đồng với VietinBank Leasing, với tổng giá trị gần 110 tỷ đồng. Theo ông Mai Chiến Thắng, Tổng giám đốc CRC, cho thuê tài chính là một giải pháp tốt về nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả. Doanh nghiệp sản xuất có thể sử dụng nhiều máy móc, thiết bị đa dạng, công nghệ mới, phù hợp với nhu cầu sản xuất, mà không cần phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua.
Thực tế, mô hình cho thuê tài chính là loại hình tín dụng trung và dài hạn phổ biến ở nhiều nước. Ở Việt Nam, mô hình này cũng được đánh giá là phù hợp với đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì không đòi hỏi tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam, hoạt động cho thuê tài chính ngày càng trở nên èo uột, thị phần liên tục sụt giảm.
Khó cạnh tranh thu hút vốn với ngân hàng, hoạt động trong môi trường pháp lý thiếu an toàn, khó thu hồi nợ… là các nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
Ông Phạm Ngọc Long phân tích, khó khăn đầu tiên của các công ty cho thuê tài chính là tìm, tiếp cận khách hàng và giới thiệu dịch vụ của mình. Hoạt động cho thuê tài chính chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến, bởi các công ty cho thuê tài chính hầu như chỉ có nghiệp vụ này, mà không có hoạt động nhận tiền gửi thanh toán và thu chi tiền mặt, chưa được cho vay ngắn hạn, chưa được thực hiện các dịch vụ cung ứng ngoại hối.
“VietinBank Leasing cũng phải nhờ tới thương hiệu VietinBank mới có thể quảng bá thương hiệu và tìm kiếm khách hàng”, ông Long nói và cho biết, do chỉ có nghiệp vụ cho thuê tài chính đơn thuần, nên việc giám sát hoạt động kinh doanh của khách hàng sau khi thuê tài sản hết sức khó khăn.
Công ty Cho thuê tài chính Vietcombank cũng khẳng định, quy định không chặt chẽ về thuê tài sản là một trong những nguyên nhân đẩy các công ty cho thuê tài chính vào tình trạng rủi ro cao. Hiện rất nhiều doanh nghiệp sau khi thuê tài sản của các công ty cho thuê tài chính đã tẩu tán tài sản hoặc chây ỳ không trả lại tài sản, chiếm giữ tài sản trái phép hoặc trả lại trong tình trạng tài sản hư hỏng nặng.
Ông Đàm Đức Long khẳng định, trong các trường hợp trên, công ty cho thuê tài chính có thể kiện ra tòa, nhưng việc thi hành án để đòi nợ cũng rất khó khăn.
Một khó khăn nữa của các công ty cho thuê tài chính là rất khó huy động vốn. Tuy nhiên, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra được những cơ chế phù hợp với công ty cho thuê tài chính để tháo gỡ vướng mắc này.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo nghị định về cho thuê tài chính và hoạt động của các công ty cho thuê tài chính. Song theo đánh giá của các công ty cho thuê tài chính, những quy định trong dự thảo vẫn chưa đủ để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động cho thuê tài chính. Và như vậy, thời gian tới, các công ty này vẫn có nguy cơ hoạt động trong một môi trường pháp lý đầy rủi ro, mà khả năng thua lỗ và nợ xấu là khó tránh khỏi.
Hà Tâm
đầu tư
|