Quản lý Quỹ Hapaco kêu cứu về 500 tỷ đồng bị “ngâm” tại SCB
Công ty IFM vừa gửi công văn “kêu cứu” tới Báo ĐTCK về việc Ngân hàng SCB không hoàn trả được hơn 500 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của Công ty.
500 tỷ đồng bị “ngâm” hơn 1 năm
Theo công văn của Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Hapaco (IFM) gửi tới Báo ĐTCK, tháng 8/2011, IFM đã gửi tiết kiệm tổng cộng khoảng 700 tỷ đồng tại các chi nhánh của Ngân hàng Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất. Tháng 12/2011, hai ngân hàng này cùng với Ngân hàng Sài Gòn hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Các khoản tiền gửi đó đều có kỳ hạn 6 tháng, đáo hạn vào tháng 2/2012. Tuy nhiên, đến hết ngày 4/3/2013, SCB mới chỉ trả một phần tiền là 213,5 tỷ đồng, số dư nợ còn lại là 550,9 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2/5/2012 -
4/3/2013, phía SCB dừng toàn bộ việc trả nợ cho IFM, mà không có lý do chính đáng, dù Công ty đã nhiều lần liên hệ Ngân hàng yêu cầu trả tiền.
Khoản tiền 700 tỷ đồng được IFM gửi tại các ngân hàng tiền thân của SCB có lãi suất lên tới 14%/năm
|
Ông Trịnh Quốc Bình, Phó tổng giám đốc IFM nhấn mạnh, khoản tiền gửi có kỳ hạn của IFM nêu trên được gửi trên thị trường 1 (được định nghĩa là thị trường tiền gửi tiết kiệm của dân cư và các tổ chức kinh tế), là thị trường mà các ngân hàng buộc phải ưu tiên trả tiền đầu tiên khi gặp sự cố về thanh khoản.
“Sự việc trên cho thấy, SCB có dấu hiệu không có tiền để trả cho người gửi tiền, khả năng thanh khoản của SCB đang gặp vấn đề nghiêm trọng”, công văn của IFM viết.
Do chưa thống nhất được mức lãi suất
Trao đổi với ĐTCK, ông La Hữu Nghĩa, Phó tổng giám đốc SCB cho biết, nguyên nhân của việc chậm trả tiền cho IFM không phải do thanh khoản của SCB có vấn đề, mà do hai bên chưa thống nhất được với nhau về mức lãi suất.
Theo ông Nghĩa, thời điểm IFM gửi tiền tại các ngân hàng tiền thân của SCB hiện nay có mức lãi suất rất cao. Sau khi các ngân hàng hợp nhất, SCB phải xử lý khoản tiền gửi này cùng với các khoản tồn đọng khác của các ngân hàng tiền thân theo phương án tái cấu trúc tổng thể đã được NHNN và Chính phủ phê duyệt.
“IFM đòi hỏi lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất Nhà nước quy định thì một ngân hàng đang trong đề án hợp nhất không thể làm được”, ông Nghĩa nói và cho hay, khoản tiền gửi tiết kiệm của IFM được SCB xử lý như tiền gửi liên ngân hàng. SCB cũng đang xử lý tồn đọng của một số khoản tiền gửi khác, tương tự trường hợp của IFM.
Chỉ đạo của NHNN
Ông Bình cho biết, ngay sau khi SCB chậm trả tiền, IFM đã gửi văn bản “cầu cứu” tới NHNN, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Ông Bình chia sẻ, “làm to” chuyện này có thể gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với thanh khoản của SCB, khiến việc đòi tiền của IFM càng khó khăn hơn, nhưng sự việc kéo quá dài khiến Công ty buộc phải lựa chọn phương án công bố với báo giới.
Trong khi đó, ông Nghĩa cho biết, việc xử lý món tiền hơn 500 tỷ đồng của IFM cả về mức lãi lẫn việc phân loại món tiền đang được SCB thực hiện theo chỉ đạo của NHNN.
“Vừa qua, SCB đã trình NHNN về món tiền gửi này. NHNN có ý kiến xử lý theo hướng các món tiền gửi (của IFM) như tiền gửi liên ngân hàng. NHNN đã có một số văn bản chỉ đạo tiếp tục làm việc và thương lượng mức lãi suất theo mức quy định của Nhà nước”, ông Nghĩa nói.
Cân nhắc nộp đơn yêu cầu phá sản
Ông Bình khẳng định, về vấn đề lãi suất, Công ty có đầy đủ văn bản mang tính pháp lý, trong đó có hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với các ngân hàng tiền thân của SCB, với lãi suất là 14%/năm, kèm theo các quy định về phương án xử lý trong trường hợp các ngân hàng này không trả được tiền.
“Nếu nói vấn đề do mức lãi suất, vậy tại sao họ (SCB) không trả số tiền gốc cho chúng tôi”, ông Bình đặt câu hỏi.
Về vấn đề phân loại tiền gửi, ông Bình cho rằng, việc phân loại món tiền của IFM dưới dạng tiền gửi trên liên ngân hàng là không có cơ sở, bởi IFM trước hết không phải là tổ chức tín dụng, không hoạt động trên thị trường liên ngân hàng và không chịu quản lý của NHNN. Cụ thể, trong trường hợp này, IFM là một doanh nghiệp đi gửi tiền trên thị trường 1, với khoản tiền của IFM là khoản tiền ủy thác của các khách hàng, bao gồm các doanh nghiệp và cả cá nhân. “Chúng tôi có đầy đủ các giấy tờ về món tiền gửi lẫn hoạt động của Công ty để chứng minh cho những điều chúng tôi nói”, ông Bình nhấn mạnh.
Trong công văn gửi tới ĐTCK, IFM cho biết, Công ty có thể cân nhắc phương án khởi kiện SCB ra tòa để đòi nợ, không ngoại trừ việc cùng với một vài chủ nợ khác nộp đơn yêu cầu phá sản Ngân hàng do không còn khả năng trả nợ.
Hải Linh
Đầu tư chứng khoán
|