Chủ Nhật, 10/03/2013 23:10

Ghìm giá để kìm lạm phát

Lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công, hàng hóa thiết yếu đều đã có nhưng tăng lúc nào, mức tăng ra sao cần phải cân nhắc để tránh tác động đến lạm phát, gây bất ổn vĩ mô…

Biến động giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng lớn đến CPI.

Trước nhiều cảnh báo lạm phát cao vẫn có nguy cơ tăng trở lại, Chính phủ đang nỗ lực tìm các giải pháp quản lý giá hiệu quả hơn, nhất là đối với các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đã có lộ trình giá thị trường.

Nhiều yếu tố kích hoạt lạm phát

Theo dự báo mới nhất của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, lạm phát năm 2013 sẽ dao động ở mức 7,32% - 8,84%. Trong khi đó, Ngân hàng ANZ cho rằng lạm phát trong khoảng 8%-10%, không cách biệt mấy so với dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (VEPR).

Nhóm nghiên cứu của VEPR nhận định năm nay, “bệ đỡ” cho lạm phát thấp là giá lương thực giảm mạnh sẽ không còn được duy trì, trong khi có nhiều yếu tố có thể kích hoạt lạm phát tăng trở lại như tăng lương cơ bản, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giá điện và các loại phí khác. Ngoài ra, lạm phát còn bị ảnh hưởng từ khả năng điều chỉnh tỉ giá.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu VNĐ giảm giá 3% sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,3%-0,4%. Nếu giá điện tăng 10% (như năm 2012) thì CPI tăng thêm khoảng 0,4%, giá xăng tăng 5% sẽ khiến CPI tăng thêm 0,1%-0,15%. Nếu được điều chỉnh vào cùng thời điểm, chỉ 3 yếu tố này sẽ góp phần làm CPI tăng 0,8%-1%. Do đó, việc điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cần phải rất thận trọng và có sự phối hợp chặt chẽ, vì tuy ảnh hưởng về mặt định lượng đến lạm phát tổng thể là không quá nhiều nhưng lại gây tác động lớn đến lạm phát kỳ vọng.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng CPI 2 tháng đầu năm 2013 chưa có gì đột biến. Tuy nhiên, thách thức cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát năm nay là sẽ có một lượng tiền lớn bơm ra phục vụ tái cơ cấu và thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012. Nếu xử lý không khéo, dòng tiền này cộng với việc tăng giá điện, xăng dầu có thể khiến lạm phát tăng lên rất cao.

Cần hình thành “gói bình ổn giá”

Rút kinh nghiệm trong công tác điều hành giá năm 2012, Chính phủ vừa đồng ý thành lập Nhóm Điều hành giá liên ngành với mục tiêu bảo đảm sự phối hợp tốt hơn trong điều hành giá, kiểm soát lạm phát. Việc hình thành nhóm và cơ chế hoạt động sẽ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo.

Nhấn mạnh việc đồng bộ trong công tác điều hành giá, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng vừa đề xuất Chính phủ tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để hình thành một “gói bình ổn giá”, bao gồm các lộ trình tăng giá xăng dầu, điện, dịch vụ công… nhằm phân bổ hợp lý hơn việc tăng giá (nếu cần thiết). Chẳng hạn, việc tăng giá sẽ chia đều cho các tháng, tránh tập trung vào các tháng có CPI tăng cao.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu - Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng thành lập Nhóm Điều hành giá liên ngành trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công, hàng hóa thiết yếu đều đã được công bố nhưng khi thực hiện, nhiều địa phương điều chỉnh tăng giá cùng lúc, gây ảnh hưởng lớn đến CPI. Do đó, dù lộ trình đã có nhưng tăng giá lúc nào, mức tăng ra sao cần phải cân nhắc trong điều kiện cho phép, tránh tác động đến lạm phát, gây bất ổn vĩ mô…

Về lâu dài, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất cần phải lập Ủy ban Giám sát thị trường hoạt động độc lập với các cơ quan của Chính phủ. Cơ quan này có chức năng giám sát độc quyền, ban hành chính sách để tạo lập thị trường thực sự và giám sát thị trường vận hành đúng quy luật, chứ không phải chạy theo quản lý giá.

Tô Hà

người lao động

Các tin tức khác

>   Ủy ban Kinh tế “khen” chính sách tiền tệ (09/03/2013)

>   Việt Nam đang ở vị thế tốt để phát triển thương mại (09/03/2013)

>   Chính sách giá cả trong tái cơ cấu nền kinh tế (08/03/2013)

>   Tìm cách hạn chế những "dễ dãi" cách thu hút FDI (07/03/2013)

>   Nền kinh tế trước nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn (07/03/2013)

>   Tái cơ cấu kinh tế, chỉ dám rút chốt dần dần (07/03/2013)

>   TS Võ Trí Thành: "Những nỗ lực cải cách vẫn đang dang dở" (05/03/2013)

>   Năm mới: liệu có mô hình tăng trưởng “mới”? (05/03/2013)

>   Kinh tế Việt Nam: Sẽ sớm hồi phục hay còn trì trệ kéo dài? (05/03/2013)

>   Giữ lạm phát dưới mức 6,81% - nhiệm vụ khó khả thi (04/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật