Chủ Nhật, 17/03/2013 14:59

Đàm phán hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU:

Doanh nghiệp lo ngại những rào cản phi thuế quan

Trong vòng một tháng tới sẽ diễn ra phiên đàm phán thứ ba về hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một hiệp định quan trọng đối với doanh nghiệp vì liên minh châu Âu (EU) đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

May mặc là một trong năm mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang EU

Nhằm nắm bắt những mong đợi cũng như quan ngại của doanh nghiệp về các cam kết có thể có trong hiệp định này, làm cơ sở cho việc đàm phán, ngày 15.3.2013, tại TP.HCM, dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) phối hợp với phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: những nội dung doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý” để lấy ý kiến doanh nghiệp.

Theo Tổng cục thống kê, năm 2012 EU đã vượt qua Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Năm mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang EU là giày, may mặc, cà phê, thủy hải sản, đồ gỗ, tuy nhiên mức thuế vẫn cao: may mặc 11,7%, thủy hải sản 10,8%, giày 12,4%.

Việc ký kết hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như miễn thuế ít nhất 90% số dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU; nguồn vốn từ EU vào Việt Nam cũng được thu hút nhiều hơn…

Bên cạnh những lợi ích, Việt Nam cũng có thể gặp một số khó khăn và thách thức như cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% với hầu hết các dòng thuế, mở cửa thêm thị trường dịch vụ và minh bạch hóa các quy định về quản lý kinh doanh và đầu tư…

Ông Jean-Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam phân tích thặng dư của Việt Nam với EU (11,5 tỷ USD) và với Hoa Kỳ (14,9 tỷ USD) đã giúp bù lại tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài của Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc và Asean (nhất là với Trung Quốc: mức thâm hụt là 16,7 tỷ USD trong năm 2012).

Xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU chủ yếu là các ngành hàng sử dụng nhiều lao động. EU xuất khẩu sang Việt Nam là cơ khí, máy móc thiết bị lò hơi, máy bay, dược phẩm, máy móc thiết bị điện và các lại phương tiện đi lại,.

Vì vậy, thương mại Việt Nam và EU bổ trợ chứ không cạnh tranh nhau. Điều này có nghĩa là một FTA song phương trong tương lai sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía.

Ông Claudio Dordi, trưởng nhóm tư vấn dự án EU-Mutrap đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nên đưa ra ý kiến xem Việt Nam sẽ đưa ra những nhượng bộ nào để đổi lấy mức thuế giảm cho một số “ngành trọng điểm”.

Ông Claudio Dordi cho biết EU sẽ quan tâm đến một số ngành chính là ôtô, điện tử và công nghệ cao, máy móc, rượu vang và rượu mạnh, thực phẩm chế biến, dược phẩm, dịch vụ tài chính, viễn thông, hàng hải, y tế, giáo dục, phân phối.

Nội dung FTA sẽ có các điều khoản vượt quá phạm vi của các nguyên tắc WTO về cạnh tranh, mua sắm chính phủ, quyền sở hữu trí tuệ và thuận lợi hóa thương mại; ngoài ra, còn có các điều khoản về tiêu chuẩn lao động và môi trường.

Các doanh nghiệp nhìn nhận những lợi ích mà FTA giữa Việt Nam và EU mang lại, nhưng có nhiều lo lắng về những rào cản kỹ thuật (biện pháp phi thuế quan) mà EU có thể đưa ra như tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá.

EU có thể sửa đổi các quy định đối với nguyên liệu thô, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc các biện pháp hạn chế xuất khẩu, quy định đối với đầu vào công nghệ sản xuất.

Theo doanh nghiệp, hiệp định FTA thường sẽ có hiệu lực vô thời hạn nên việc xác định lộ trình cụ thể và khả năng cập nhật, điều chỉnh FTA Việt Nam – EU trong tương lai là cần thiết. Chính phủ Việt Nam cần chú ý những điều khoản cam kết về quy tắc xuất xứ (như tỷ lệ nội địa, hàm lượng giá trị khu vực, tiêu chí chuyển đổi nhóm…), thời hạn thực hiện cắt giảm thuế quan (hai chiều) trong việc đàm phán.

Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp đóng góp cho việc đàm phán FTA Việt Nam – EU.

Các Ngọc

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp nhà nước và thách thức cải tổ (17/03/2013)

>   Lại thót tim vì… giá điện (17/03/2013)

>   Cần đề án quốc gia về doanh nghiệp (17/03/2013)

>   Tháng 4 hoàn tất giải phóng mặt bằng Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (16/03/2013)

>   Đầu tư ra nước ngoài: Quả ngọt hay trái đắng? (16/03/2013)

>   Chưa giảm thuế XK gỗ nguyên liệu xuống 3%. (16/03/2013)

>   "Cải cách "xương xẩu" nhất vẫn còn" (16/03/2013)

>   Sức nóng hầm hập trong kinh doanh thức ăn chăn nuôi (16/03/2013)

>   Việt Nam có thể sẽ kiện DOC ra tòa án thương mại (16/03/2013)

>   Nghệ An: Chấm dứt quyền đầu tư 6 dự án thủy điện (16/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật