"Cải cách "xương xẩu" nhất vẫn còn"
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về những cải cách ở cơ sở nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Những cải cách ở Việt Nam thường bắt nguồn từ cơ sở. Sau 8 năm thực hiện nghiên cứu PCI ở cấp tỉnh, ông thấy điều gì đáng nói?
Điều đáng quan tâm là những cải cách dễ dàng nhất thì đã làm gần đến giới hạn, trong khi những cải cách “xương xẩu” nhất vẫn còn. Những cải cách dễ, như cải cách thủ tục cấp phép kinh doanh, gia nhập thị trường,... đã được các tỉnh đi trước làm đến giới hạn, và các tỉnh đi sau bắt kịp nhanh chóng. Điều này đơn giản, vì lãnh đạo tỉnh có thể ép bộ máy phía dưới làm được.
Tuy nhiên, các tỉnh còn rất nhiều dư địa để cải cách tiếp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn như hoạch định chiến lược phát triển của địa phương, cung cấp nguồn nhân lực, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tổ chức thiết chế pháp lý như bảo vệ hợp đồng, năng lực toà án, năng lực của bộ máy nhà nước nói chung, tiếp cận đất đai... Tức là dư địa để cải cách vẫn còn rất lớn, nhưng hiện tại lại làm rất chậm. Cải cách thể chế, muốn nhanh hơn, cần quyết tâm chính trị.
Ông có thấy mô hình cải cách nào ở cấp tỉnh đáng chú ý không?
Ví dụ Ninh Thuận triển khai mô hình cấp phép rất hiệu quả của Singapore, Quảng Ninh có Ban xúc tiến đầu tư trực thuộc chủ tịch tỉnh để chỉ đạo trực tiếp. Đó là hai mô hình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp rất đáng quan tâm.
Lào Cai, tỉnh luôn đứng đầu trong danh sách PCI gần đây, có khẩu hiệu rất hay là “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”. Trong khi lãnh đạo quốc gia đến, thì tỉnh không còn treo biển nhiệt liệt hoan nghênh, nhưng doanh nghiệp đến thì họ treo biển đón chào.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An không đặt ghế tiếp khách trong phòng làm việc. Mọi người đến là phải đứng, giải quyết việc xong là đi luôn. Còn ngồi thì lại sợ trà lá mất thời gian.
Hiện nay có tới 40 tỉnh, thành phố đã đưa vào nghị quyết cấp thường vụ, tỉnh uỷ, thành uỷ, hội đồng nhân dân, và uỷ ban nhân dân về nâng cao năng lực cạnh tranh. Một số tỉnh thậm chí đưa vào chương trình trọng điểm của tỉnh, ví dụ như Nghệ An. Nhiều địa phương thiếp lập chương trình hành động, giao việc cụ thể cho từng sở ngành. Ông không làm được thậm chí bị thuyên chuyển.
PCI đã trở thành chỉ số đo lường năng lực lãnh đạo tỉnh. Ông được thích, hay bị ghét vì điều này?
Nhiều người nói rằng VCCI đã âm thầm tạo nên động lực cải cách ở Việt Nam. Lúc đầu, có nhiều người không thích tôi. Những địa phương tụt hạng cho là VCCI không tính toán xác đáng, và phản ứng nhiều. Nhưng những phản ứng như thế nay ngày càng đỡ, và coi chỉ số PCI là đương nhiên. Cũng không có ai bật đèn đỏ với tôi cả.
Tư Hoàng
tbktsg
|