Thứ Sáu, 15/03/2013 13:34

Du lịch khó cất cánh

Năm 2012 vừa đi qua, dù gặp vô số khó khăn nhưng du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng. Dẫu rằng số liệu chưa hẳn đã thuyết phục. Ngó sang hàng xóm, thấy thiên hạ tập trung phát triển, hình thành những “quả đấm thép”, quyết giữ vững vị trí xếp hạng của du lịch. Nhìn lại mình, vẫn chung chung những điệp khúc cũ, ngao ngán than thở “Lực bất tòng tâm”.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm cuộc sống cùng người địa phương trong một chuyến du lịch sinh thái ở Ninh Bình

Ai cũng biết tiềm năng du lịch Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực, ăn đứt các nước ASEAN. Thậm chí có thể sánh vai châu Á. Thiên thời và địa lợi đều có sẵn, chỉ còn thiếu nhân hòa. Du lịch cứ ì ạch như chim cánh cụt, cam phận “Đứng đầu tốp cuối ASEAN” mấy chục năm nay.

Vậy đâu là nguyên nhân chính cản trở du lịch Việt Nam cất cánh? Do con người, nhân tố quyết định không chỉ thành bại kinh tế mà cả vận mệnh và tương lai đất nước. Đồng ý con người là nguyên nhân của mọi nguyên nhân nhưng phải bắt đầu từ đâu?

Phải bắt đầu từ giáo dục. Giáo dục hỗn loạn nên xã hội nhiễu nhương. Vì xã hội nhiễu nhương nên đạo đức khủng hoảng. “Nhân nào thì quả đó”.

Quả hiện nay được kết từ hàng chục năm “một mình một chợ”, chủ quan và chệch hướng trong giáo dục. Cố tình làm khác thiên hạ, trái với những nguyên lý khoa học, bỏ ngoài tai mọi ý kiến phản biện. Đến khi thấy mình sai thì quá muộn, chẳng biết sửa từ đâu, loay hoay hội thảo chỉ toàn hô hào cho sướng miệng và đỡ ngượng.

Phải tìm cho ra điểm xuất phát chung của cả nước và xuất phát riêng của từng người, từng tập thể và từng ngành. Phải bắt đầu từ những việc cụ thể, thậm chí nhỏ nhặt như xếp hàng, chửi thề, xả rác, khạc nhổ, tiết kiệm…

Làm gì cũng vậy “Thượng bất chính thì hạ tất loạn” nên người lớn và nhà nước, đặc biệt là cán bộ càng phải nêu gương. Bằng không, dù họp hành, quán triệt; dù chỉ thị, nghị quyết; dù trăm lần quyết tâm nhưng mọi thứ sẽ cứ “vũ như cẩn”.

Thậm chí ngày càng trầm trọng hơn vì căn bệnh “lờn luật”, nói cho sướng miệng chứ chẳng ai làm hoặc chỉ làm đối phó, kiểu “đầu voi đuôi chuột”.

Mỗi tháng, mỗi quý, chỉ cần làm vài việc cụ thể mà thiết thực còn hơn là quanh năm ra rả phong trào, đề ra đủ thứ chỉ tiêu hoành tráng mà không thực hiện được.

Thỉnh thoảng chúng tôi có làm tour guide cho khách nước ngoài và bà con kiều bào. Họ hỏi nhiều câu cắc cớ. Có câu mình còn chống chế hoặc đánh trống lảng nhưng nhiều câu đành chết đứng như Từ Hải.

Chúng tôi cũng có dịp đi nhiều nước, thấy nước mình chẳng giống ai. Đúng là “Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng”, từ việc nhỏ tới chuyện lớn. Cái thiên hạ xả thì ta cấm và ngược lại. Cái thiên hạ chặt thì ta lỏng.

Chẳng có nước phát triển nào mà đường quốc lộ 1, xương sống độc đạo trục Bắc – Nam chỉ hai làn xe và không có dải phân cách. Còn các tỉnh lộ miền núi chỉ một làn xe. Đường vừa hẹp vừa xấu. Có đường chưa bàn giao đã hỏng. Trong khi thiên hạ tối thiểu bốn làn, còn thường là sáu làn trở lên.

Chẳng quốc gia nào mà nhà cứ tràn ra ngoài đường, tranh thủ mặt tiền buôn bán. Chẳng có nơi nào mà đường quốc lộ bắt buộc vận tốc ôtô chỉ 30 – 40km/giờ. Nội chuyện thời gian là đã lãng phí gấp đôi thiên hạ. Chưa kể nạn mãi lộ và các “anh hùng núp” rình rập khắp nơi.

Khi bị hỏi “Tại sao xe cứ câu giờ, chạy rề rà như diễu hành, mất quá nhiều thời gian của khách?”. Có hướng dẫn viên đã lấp liếm xởi lởi “Vì chính phủ Việt Nam muốn du khách vừa đi vừa ngoạn cảnh hai bên đường. Nếu gặp người quen có thể nhận ra nhau mà chào hỏi”. Không thể nào phát triển kinh tế, tăng tốc du lịch trong điều kiện đường sá như vậy.

Trong du lịch thì dịch vụ vận chuyển là “chất liệu” hàng đầu cần phải có và được xem quan trọng nhất. Không có giao thông thì chỉ ở một chỗ, làm sao “du” chứ nói chi đến “lịch”?

Sau vận chuyển là lưu trú rồi mới tới ăn uống, tham quan, vui chơi, mua sắm… Muốn công nghiệp hóa, muốn phát triển du lịch, dứt khoát phải có điện ổn định. Giá điện phập phù, có quý nhảy múa mấy lượt.

Khổ nhất là cúp điện. Hiện đại như Sài Gòn mà nhiều doanh nghiệp cứ phải sắm máy phát điện dự phòng bởi điện cúp là tê liệt. Nóng nực còn cố chịu chứ không có điện là máy tính ngưng hoạt động, đến thánh cũng chào thua.

Bao nhiêu dữ liệu bị đứng, không thể mail, fax, hợp đồng bị hủy vì mất điện lãng nhách. Không có máy phát điện, chỉ còn cách giải tán về nhà hoặc ra các quán cà phê khu vực có điện làm việc ké.

Điện đi với Đường, là cặp đôi nền tảng quyết định mọi thứ. Cả hai đều do con người làm ra, không thể đổ cho trời đất. Cứ nhìn hệ thống giao thông và lưới điện là biết ngay nguồn nhân lực, biết ngay tình hình kinh tế và du lịch.

Đường và điện như thế, con người như thế mà cứ muốn đuổi kịp thiên hạ. Toàn chuyện viển vông kiểu “Chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ”. Chim cánh cụt không thể bay. Nỗ lực cách mấy cũng chỉ cải thiện được đôi chút chứ không thể nào thay đổi cục diện. Có bột mới gột nên hồ, có gạo mới nấu được cơm.

Chừng nào người Việt có thể lái xe trên quốc lộ, đi khắp đất nước với tốc độ 100km/giờ và đủ điện tiêu dùng, không phải phập phồng vì điện cúp bất chợt thì đất nước sẽ lột xác, sẽ thành rồng. Còn bây giờ, cứ nỗ lực và hy vọng. Không còn cách nào khác.

Ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số: 321/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013-2020.

Chương trình có các mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2015 thu hút 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 36-37 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 10 đến 11 tỉ USD; Đến năm 2020 thu hút 10-10,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47-48 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỉ USD;

- Đến năm 2015 xây dựng và chuyển giao quản lý, khai thác khoảng 20 sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc thù, có chất lượng cao cho các địa phương. Đến năm 2020 xây dựng và chuyển giao quản lý, khai thác khoảng 50 sản phẩm du lịch tiêu biểu đặc thù, có chất lượng cao cho các địa phương. Trung bình mỗi năm xây dựng được ít nhất 5-6 sản phẩm du lịch tiêu biểu phù hợp với từng thị trường/nhóm thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và 3-4 sản phẩm du lịch chất lượng cao cho thị trường khách du lịch nội địa. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… theo định hướng phát triển bền vững, đặc biệt quan tâm tới phát triển du lịch tại vùng đồng bào thiểu số, dân tộc ít người;

- Hỗ trợ được 30% tổng số doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong việc khai thác, phát triển sản phẩm du lịch thông qua hình thức các nhóm doanh nghiệp cùng liên kết xây dựng khai thác một loại hình sản phẩm; liên kết cùng khai thác một thị trường khách quốc tế trọng điểm của du lịch Việt Nam hoặc cùng triển khai chương trình kích cầu du lịch trên cơ sở kết hợp với các hãng hàng không, các cơ sở cung ứng dịch vụ, các trung tâm mua sắm…

- Đến năm 2020, hỗ trợ 100% khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, địa bàn du lịch trọng điểm triển khai được chương trình nâng cao chất lượng môi trường du lịch (môi trường tự nhiên và nhân văn) góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch…


Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Những lưu ý về tồn kho công nghiệp (15/03/2013)

>   Năm tổng công ty được hỗ trợ kinh phí tái cơ cấu (15/03/2013)

>   Vẫn cho một số tàu container nước ngoài vận chuyển nội địa (15/03/2013)

>   Bàn cách “lách” luật xử lý tàu “ma”? (15/03/2013)

>   Thận trọng khi gọi vốn FDI vào thủy sản (15/03/2013)

>   Mỹ ra phán quyết bất lợi cho cá tra, ba sa Việt Nam (15/03/2013)

>   Năm 2012, đầu tư ra nước ngoài mang về 430 triệu USD (14/03/2013)

>   Thép, xi măng lo bị tiết giảm điện (14/03/2013)

>   Doanh nghiệp Nhật muốn hợp tác đầu tư hạ tầng (14/03/2013)

>   Xuất khẩu sản phẩm surimi nhiều tín hiệu lạc quan (14/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật