Thận trọng khi gọi vốn FDI vào thủy sản
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khẳng định, hiện đa phần doanh nghiệp, người dân nuôi và chế biến, xuất khẩu cá tra đều thiếu vốn.
Tuy nhiên, nếu quá mở cửa để gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà doanh nghiệp nội lại bỏ mặt trận này, thì nhiều khả năng, lĩnh vực này sẽ bị thao túng như lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Thiếu vốn có phải là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng của lĩnh vực nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra hiện nay, thưa ông?
Có thể khẳng định, 100% doanh nghiệp (DN) nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra đều vay vốn ngân hàng. Tình trạng thiếu vốn trầm trọng bắt đầu xảy ra hơn một năm nay, khi hệ thống ngân hàng thực hiện tái cơ cấu. Hiện nay, DN và người dân nuôi, chế biến cá tra được vay vốn mới rất ít, do các ngân hàng siết chặt điều kiện vay. Cần phải nói thêm là, Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát trước đây chỉ yêu cầu hạn chế tín dụng với lĩnh vực phi sản xuất, nhưng các ngân hàng đã “siết” tín dụng chung với cả ngành sản xuất, trong đó có cá tra.
Lĩnh vực cá tra đã từng trải qua thời điểm bùng nổ, nhiều DN thắng lớn, nhưng tại sao vốn vẫn là câu chuyện nóng bỏng?
Việc nuôi, chế biến cá tra cần một nguồn vốn rất lớn để quay vòng sản xuất. DN phải đầu tư cho vùng nuôi, thức ăn chăn nuôi, nhà máy chế biến sản phẩm và phụ phẩm cá tra. Mỗi năm, cả nước sản xuất trên 1 triệu tấn cá tra, song chỉ xuất khẩu được 1/3 cá phi lê, còn lại là phụ phẩm. Chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều công đoạn trong chuỗi sản xuất cá tra. Nhiều DN đã nhận thấy điều này và bắt đầu tham gia đầu tư chế biến các phụ phẩm như: bột cá, dầu cá, thức ăn chăn nuôi…, song việc này cần vốn đầu tư rất lớn. Nói cách khác, tất cả vốn đầu tư cho cá tra hiện nay vẫn chưa đủ. Để ngành cá tra phát triển bền vững, cần có lượng vốn lớn hơn nữa.
Thùy Liên
đầu tư
|