Thứ Bảy, 16/03/2013 10:31

Sức nóng hầm hập trong kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Trong khi các “đại gia” ngoại ngày càng thể hiện độ bành trướng tại thị trường Việt Nam, thì không ít doanh nghiệp nội cũng nhanh tay thâu tóm doanh nghiệp yếu thế.

Ngoại bành trướng

Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản thì ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có vốn nước ngoài lại tích cực mở rộng sản xuất và thị phần.

Mới đây, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz (KSF) - liên doanh giữa hai tập đoàn Nhật Bản là Sojitz và Kyodo Shiryo đã khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tại KCN Thịnh Phát (Bến Lức, Long An). Với tổng vốn đầu tư 24 triệu USD, nhà máy này được thiết kế với công suất 200.000 tấn/năm, sản xuất dòng cám dành cho heo. Trong tương lai, nhà máy sẽ sản xuất thêm các loại cám cho gia cầm và cám cho gia súc khác.

Mục tiêu của KSF là vào năm 2020 sẽ nâng sản lượng lên 2 triệu tấn/năm và mở thêm những nhà máy khác ở Việt Nam. Ban đầu, nhà máy đạt công suất 50 - 100 tấn/ngày.

Ông Takashi Ishiguro, Tổng giám đốc Công ty KSF cho biết, theo mặt bằng chung của Việt Nam, quy mô chăn nuôi heo khá nhỏ. Đặc biệt, tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), một hộ nuôi thường chỉ có 5 -10 heo nái. Với loại hình này, Công ty thông qua các đại lý phân phối và đội ngũ tư vấn kỹ thuật để phổ cập kiến thức chuồng trại, cũng như các ưu việt của việc dùng cám hỗn hợp để giúp heo tăng trọng, ít bệnh tật và đảm bảo dinh dưỡng, rút ngắn thời gian xuất chuồng. KSF cũng sẽ phát triển dòng sản phẩm đậm đặc, dùng hỗ trợ cho các hộ nuôi tự trộn, vì khi tự trộn sẽ không đạt đủ yêu cầu dinh dưỡng cho heo.

Cần phải nhắc lại là, Tập đoàn Kyodo Shiryo có thế mạnh về công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và nắm giữ thị phần lớn trong lĩnh vực sản xuất thức ăn dành cho heo, trong khi Sojitz là tập đoàn thương mại với hơn 20 công ty ở Việt Nam, nắm giữ thế mạnh về cung cấp nguyên liệu. Nhờ sở hữu rất nhiều công ty trong và ngoài Việt Nam nên Sojitz có thể chủ động về nguồn nguyên liệu. Khi đầu tư vào Việt Nam, Sojitz dự định sẽ phát triển một quy trình khép kín, từ nguyên liệu đầu vào đến sản xuất thức ăn chăn nuôi, cung cấp đến người chăn nuôi và cung cấp vào thị trường loại thịt an toàn, chất lượng cao.

Trong khi đó, Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam (thuộc Tập đoàn C.P Thái Lan) sau 21 năm có mặt tại Việt Nam, cũng đã bành trướng quy mô, hoạt động rải đều khắp các tỉnh trên cả nước, với 8 nhà máy sản xuất. Trong đó, 4 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm, 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản và 1 nhà máy sấy ngô. Hiện thị phần thức ăn chăn nuôi của C.P chiếm 18% trong tổng số các doanh nghiệp trên cả nước.

Tuy nhiên, do thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng nên tập đoàn này không thể bỏ lỡ cơ hội thâu tóm thị trường. Ông Jittisart Jittiloet Sakulchai, Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, Công ty sẽ đầu tư 60 triệu USD và 70 triệu USD cho 2 năm 2013 và 2014 để sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Sắp tới, C.P sẽ xây dựng thêm một nhà máy thức ăn tại Bình Định. Trước đó, C.P còn gây sóng dư luận khi thương vụ mua lại Thủy sản Minh Phú bất thành.

Doanh nghiệp nội đẩy mạnh thâu tóm

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước đều thừa nhận đầu tư vào nông nghiệp khó thành công vì rủi ro cao, thì gần 20 năm qua, những tên tuổi ngoại đến từ Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Australia lại làm mưa làm gió tại thị trường.

Vấn đề các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã được đề cập từ nhiều năm nay. Mặc dù vài năm trở lại đây, một số tên tuổi nội vươn lên khẳng định vị trí ở phân khúc thị trường nhất định, hoặc đẩy mạnh xuất khẩu như Công ty Thức ăn chăn nuôi Lái Thiêu, Công ty Proconco, Công ty Đạm Phú Mỹ, Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS) và hàng loạt công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy hải sản. Song với tiềm lực và thế mạnh về vốn và mô hình kinh doanh theo chuỗi cung ứng rất chuyên nghiệp của đại gia ngoại, nên doanh nghiệp nội, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đành chấp nhận “bán mình” cho một số công ty lớn trong lĩnh vực thủy hải sản, hàng tiêu dùng.

Chẳng hạn, Công ty Thủy sản Hùng Vương, thông qua công ty liên kết là Công ty cổ phần nuôi trồng thủy sản Hùng Vương Miền Tây để thâu tóm thành công Công ty Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng trong tháng 1/2013, với tỷ lệ sở hữu 55,31%.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hùng Vương cho rằng, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt, thì việc làm chủ công ty sản xuất thức ăn sẽ giảm thiểu tác động lên giá thành sản phẩm cuối cùng, giúp tăng lợi nhuận cho Công ty. Đặc biệt, ông Minh còn tham vọng, mỗi năm sẽ thâu tóm một công ty yếu thế trong ngành để phục vụ cho mục tiêu chiếm 25 - 30% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành (khoảng 3 tỷ USD) vào năm 2015.

Hiện Hùng Vương đang sở hữu hai công ty và một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản. Cụ thể, Công ty Hùng Vương Tây Nam (Đồng Tháp) có công suất 300 tấn/ngày; Công ty Việt Thắng năng suất 3.000 tấn/ngày; nhà máy Thủy sản Việt Đan (mua lại của Công ty Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp).

Trước đó, Tập đoàn Masan đã chi 96 triệu USD mua lại 40% cổ phần Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc Proconco (thương hiệu Cám Con Cò) từ Quỹ đầu tư Prudential. Sau khi hoàn tất thương vụ, Masan giao Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) chịu trách nhiệm phát triển lĩnh vực mới này. Việc mua lại Proconco đặt nền tảng cho công ty này gia nhập thị trường thực phẩm dinh dưỡng - lĩnh vực đang tăng trưởng đáng kể. Để thực thi chiến lược trên, Masan Consumer (MSF) có kế hoạch hoàn thành chuỗi giá trị “giống sạch - thức ăn sạch - chế biến sạch - kho bãi và phân phối” vào năm 2013, trước khi tung ra thị trường một nhãn hiệu mới vào năm 2014.

Anh Hoa

đầu tư

Các tin tức khác

>   Việt Nam có thể sẽ kiện DOC ra tòa án thương mại (16/03/2013)

>   Nghệ An: Chấm dứt quyền đầu tư 6 dự án thủy điện (16/03/2013)

>   UBND TP.HCM yêu cầu khởi kiện một công ty giày (16/03/2013)

>   Đến lượt phôi thép có nguy cơ thừa (16/03/2013)

>   Dầu ăn kêu cứu! (16/03/2013)

>   Cuộc đại phẫu những tập đoàn 'khủng' ở Việt Nam (15/03/2013)

>   Nhà đầu tư ngoại vẫn lo bất ổn vĩ mô tại Việt Nam (15/03/2013)

>   "Bó tay" với tình trạng nhập lậu các loại cá từ Trung Quốc? (15/03/2013)

>   Du lịch khó cất cánh (15/03/2013)

>   Những lưu ý về tồn kho công nghiệp (15/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật