Đầu tư ra nước ngoài: Quả ngọt hay trái đắng?
Từ 18 dự án với tổng vốn đăng ký trên 13,6 triệu USD của những năm 1989-1998, tới nay đã có 719 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép, tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD. Nhiều DN bắt đầu thu được những kết quả tích cực, đáng khen ngợi. Song, khó khăn vẫn chồng chất. Trong ngắn hạn, vẫn có sự mất cân đối giữa dòng tiền đầu tư và dòng tiền chuyển về nước của các dự án đầu tư ra nước ngoài.
Xu thế mở
Tính đến hết năm 2012, Việt Nam chính thức có 719 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư 29,23 tỷ USD, trong đó vốn của nhà đầu tư Việt Nam đạt 12,87 tỷ USD. Nguồn vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 3,8 tỷ USD, trong đó, khoảng 2,9 tỷ USD trong lĩnh vực dầu khí, còn lại là cao su, thủy điện, viễn thông… 2 thị trường lớn Lào và Campuchia có vốn đầu tư thực hiện đạt 691 triệu USD và trên 621 triệu USD.
Cùng với đó, dòng tiền DN Việt chuyển về nước đạt khoảng 430 triệu USD, bằng 11,3% tổng vốn đầu tư đã thực hiện. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chuyển về nước trên 360 triệu USD, Viettel chuyển về 77 triệu USD, tăng gấp 4 lần năm 2011. Nhiều DN đầy kỳ vọng vào dự án đầu tư trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Dự kiến, trong năm 2013, vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 900 triệu-1 tỷ USD.
Kết quả này, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, đây là một bước chuyển đáng mừng, cho thấy sự lớn mạnh của DN Việt. Việt Nam không chỉ thu hút được FDI mà đã vươn ra thị trường thế giới, đầu tư vào các quốc gia khác. Có thể điểm tên một số DN Việt Nam như Viettel, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG), một số NH như Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín …
Việt Nam đã hướng tới những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư của ta ra nước ngoài như sang Lào, Campuchia… và cũng tập trung phần lớn vào những ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển chung như dầu khí, thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông…
Cần cân nhắc khi đầu tư
Song, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang đối diện rất nhiều khó khăn, mà trong ngắn hạn, khó có thể đưa ra được một giải pháp nào khả thi để cải thiện tình hình.
Phân tích rõ hơn, Cục Đầu tư nước ngoài chỉ ra rằng, điểm yếu lớn nhất với hoạt động đầu tư ra nước ngoài là thiếu chính sách, khuôn khổ pháp lý phù hợp, đặc biệt là các hoạt động đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước. Công tác quản lý gặp khó, DN gần như "bơ vơ” tự tìm hướng đi. Như phản ánh từ Tập đoàn Dầu khí, sức ép về vốn, rủi ro cao, cạnh tranh gay gắt, hành lang pháp lý thiếu, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án qua nhiều cấp và mất nhiều thời gian, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt đối với các cơ hội mua mỏ… đã cản trở khá nhiều cho các hoạt động đầu tư.
GS. Nguyễn Mại cũng cho rằng, hoạt động gần như mang tính tự phát, phân tán, nhỏ lẻ của các DN đã khiến hoạt động đầu tư ra nước ngoài khó thu được kết quả như ý. Những con số thống kê cho thấy, cũng như bài toán xuất khẩu, dù Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài tới 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, song ở một số nơi có dự án đầu tư chỉ vỏn vẹn 50.000 USD, không thể hình thành một "thế lực” của DN Việt để có thể chi phối tại thị trường đó.
Quan trọng hơn, việc đầu tư ra nước ngoài, cũng tức là DN Việt chuyển vốn, chuyển lao động. Nhưng nền kinh tế của ta còn nhiều khó khăn, lượng lao động thất nghiệp nhiều. Nếu không quan tâm để lại vốn đầu tư trong nước, tạo việc làm trong nước, khi kinh tế khó khăn như hiện nay, thì sẽ gây hiệu quả ngược. Không phải thiếu cơ sở khi Nhật Bản lo ngại việc đầu tư ra nước ngoài có thể gây rỗng nền kinh tế, gia tăng nguy cơ thất nghiệp trong nước. Ngay cả Mỹ, khi nền kinh tế khó khăn, cũng khuyến khích DN chuyển đầu tư từ Trung Quốc về nước. Cùng với đó, đầu tư ra nước ngoài là chuyển ngoại tệ. Bài học đó cũng cần được tham khảo.
Vậy định hướng nào cho các DN Việt khi đầu tư ra nước ngoài? Theo các chuyên gia, cần một sự hợp lực toàn diện của Chính phủ, các cơ quan chức năng, hệ thống hiệp hội DN, bản thân DN để tổ chức lại hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Chọn lựa kỹ các quốc gia sẽ đầu tư, là những quốc gia có quan hệ chính trị tốt, đưa lại lợi nhuận nhiều cho các dự án đầu tư… Đặc biệt, bản thân các DN phải có sự định hướng, liên kết, làm thế nào để các DN đầu tư ra nước ngoài hình thành cộng đồng DN giúp đỡ lẫn nhau.
Nguyễn Nga
Đại Đoàn kết
|