Cổ phiếu điện tăng giá vì đâu?
Dù không thực sự nổi bật bằng những cổ phiếu đình đám khác trong đợt tăng điểm vừa qua của thị trường, nhưng cổ phiếu ngành điện vẫn gây được sự chú ý nhất định nhờ sự bứt phá của một vài mã có mức tăng vượt bậc.
Tăng mạnh…
Điển hình trong số đó là đà tăng giá hơn 60% kể từ cuối tháng 11/2012 đến nay của BTP. Cổ phiếu này có lúc còn tăng lên đến 10,500 đồng từ mức giá 5,800 đồng/cp. Và tính từ đầu 2013 đã tăng đến 47%, hiện giao dịch quanh mức 9,500 đồng/cp. Trong những phiên lao dốc gần đây của thị trường, mức giảm của BTP được xem là không đáng kể so với đà tăng.
Với PPC, giá của cổ phiếu này đã tăng đến hơn 77% trong vòng 3 tháng trở lại đây và đạt đỉnh cao 17,600 đồng/cp vào ngày 18/02 - phiên giao dịch đầu tiên của năm Quý Tỵ. Những ngày qua, PPC điều chỉnh theo xu hướng thị trường nhưng vẫn còn xoay quanh mốc 15,500 đồng/cp. Đặc biệt, PPC hiện là đối tượng thu gom của các tổ chức lớn như Market Vectors ETF Trust, Cơ điện lạnh REE với tỷ lệ sở hữu lần lượt 8% và 22.26%.
Biến động giá của cổ phiếu ngành điện
|
KHP cũng từng có giai đoạn tăng giá mạnh mẽ từ cuối tháng 11/2012 và đạt đỉnh vào ngày 20/02/2013 với mức tăng hơn 42% từ 7,800 đồng lên 11,100 đồng/cp. Tuy nhiên, từ phiên đỏ lửa (21/02), KHP điều chỉnh giảm 9% xuống 10,100 đồng/cp.
Không tăng giá mạnh như các cổ phiếu khác nhưng TBC trong vòng 3 tháng qua đã tăng giá khoảng 18% từ 11,700 đồng/cp (ngày 27/11/2012) lên 13,800 đồng/cp (27/02/2013). Giai đoạn điều chỉnh của thị trường từ sau tết đến nay, TBC vẫn giữ giá khá tốt. Thống kê trong vòng 1 tuần trở lại đây, TBC chỉ giảm chưa đến 1% tức chỉ 100 đồng so với ngày 20/02.
Trong khi đó, SBA tăng giá đến 73% trong thời gian từ 27/11/2012 đến 20/02/2013. Giai đoạn điều chỉnh từ 21/02 đến nay, SBA tiếp tục tăng thêm gần 3% và hiện chốt ở mức giá 7,300 đồng/cp.
… vì đâu?
Động lực chính ngoài sự khởi sắc của thị trường, mức giảm quá mạnh của các cổ phiếu thì một nguyên nhân khác giúp cổ phiếu ngành điện tăng giá là nhờ yếu tố cơ bản năm 2012 có phần khả quan hơn so với các năm trước.
Việc tăng giá điện vào cuối năm 2011 và giữa năm 2012 đã tác động đáng kể đến các doanh nghiệp trong ngành điện. Ngay cả Tập đoàn Điện Lực Việt Nam cũng dự kiến có lãi 3,500 tỷ đồng đến 4,000 tỷ đồng năm 2012 thay vì lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng như ở các năm trước.
Tăng giá bán điện, đồng nghĩa với việc EVN điều chỉnh tăng giá mua điện của các doanh nghiệp trong ngành. Điều này giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh chi phí bỏ ra thường lớn hơn doanh số, không đủ bù đắp khấu hao cũng như những khoản đầu tư ban đầu.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành điện năm 2012
Đvt: Tỷ đồng
|
Kết quả kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp điện niêm yết cho thấy phần lớn đều có doanh thu tăng mạnh. Điển hình như doanh thu của Thủy điện Thác Bà (TBC) tăng đến 45% so với năm trước, đạt gần 255 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng xấp xỉ 34% góp phần kéo lợi nhuận sau thuế của công ty tăng đột biến 68% so với năm 2011, đạt 127.57 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần kế hoạch cả năm (28.77 tỷ đồng).
Thủy điện Thác Mơ (TMP) cũng có doanh thu tăng gần 38% năm trước, trong khi giá vốn chỉ tăng 20.42%, giúp công ty có lợi nhuận hơn 147.63 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2011 và gấp 3.6 lần kế hoạch đề ra.
Trường hợp của CTCP ĐT & PT Điện Miền Trung (HNX: SEB), mặc dù doanh thu trong năm tăng vọt hơn 27%, đạt gần 101 tỷ đồng, nhưng giá vốn gần như bất động với 48.65 tỷ đồng. Do đó, sau khi trừ các khoản chi phí, SEB vẫn lãi ròng 70.5 tỷ đồng, tăng 110% so với năm trước và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của công ty. Đồng thời vượt kế hoạch cả năm gần 2.6 lần.
Với CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC), kết quả đạt được còn khủng hơn nhiều với lãi ròng gần 617 tỷ đồng, tăng hơn 158 lần so với năm 2011, cao nhất kể từ năm 2009. Với lợi nhuận trước thuế 773 tỷ đồng, PPC vượt kế hoạch đề ra gần 80%.
“Điểm tối” của PPC chính là những khoản vay trị giá gần 6,485 tỷ đồng có nguồn gốc ngoại tệ (yên Nhật), lấy đi của công ty gần 270 tỷ đồng chi phí tài chính trong năm 2012. Tuy nhiên, việc tỷ giá đồng yen/VNĐ năm 2012 giảm 25.89 đồng so với cuối năm 2011 nên công ty không phải gánh lỗ từ chênh lệch tỷ giá như các năm trước. Điều này giúp PPC không chịu lỗ.
Tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp trong ngành
Đvt: tỷ đồng
|
CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP) công bố lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt trên 124 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2011 và vượt xa so với kế hoạch năm dù doanh thu và lợi nhuận cả năm cùng giảm mạnh trên 40%. Theo BTP, bên cạnh việc hưởng lợi từ những đợt tăng giá điện thì các chi phí phí trong hoạt động tài chính như lãi vay, chênh lệch tỷ giá giảm mạnh khoảng 93% so với năm trước, chỉ còn còn 26.6 tỷ đồng khiến lợi nhuận từ bán hàng của công ty được bảo toàn.
Cũng như các doanh nghiệp trong ngành, BTP hiện gánh những khoản nợ rất lớn, trong đó khoản vay Hàn Quốc trị giá gần 665 tỷ đồng, và các khoản vay lại của EVN trên 396 tỷ đồng.
Với các doanh nghiệp điện còn lại, hầu hết đều có lợi nhuận tăng đột biến so với năm 2011 và vượt kế hoạch cả năm nhờ doanh thu tăng và chi phí tài chính (lãi vay) giảm mạnh như HJS tăng 72%, KHP tăng 50.7%, SJD tăng 65.55%. Riêng SBA, VSH và NBP lần lượt giảm 42.35%, 28.7% và 24.23%.
Theo một chuyên viên môi giới tổ chức ở công ty chứng khoán lớn trên thị trường, cổ phiếu điện hiện có nhiều yếu tố cơ bản tốt như tài sản lớn, khấu hao gần hết, doanh thu ổn định. Một số doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài lớn, nhưng tỷ giá hiện khá ổn định nên cũng không quá lớn ngại. Tuy vậy, cổ phiếu điện không phải là cổ phiếu yêu thích của các nhà đầu cơ nên ít tăng giá mạnh trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ có nhiều triển vọng.
Chỉ tiêu tài chính năm 2012 của các doanh nghiệp
|
Thủy Tiên (Vietstock)
ffn
|