Không lập hệ thống quản trị rủi ro, CTCK có thể bị đình chỉ hoạt động
Theo quyết định mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), từ ngày 26/2, các CTCK buộc phải thiết lập hệ thống quản trị rủi ro. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK.
Ngày 26/2, Chủ tịch UBCK ký Quyết định 105/QĐ-UBCK ban hành Quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CTCK. Quy chế có những nội dung gì đáng chú ý, thưa ông?
Bắt đầu từ ngày 26/2/2013, các CTCK phải thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro (QTRR), phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của công ty. Hệ thống này phải bao gồm một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, một cơ chế vận hành thống nhất và một bộ quy trình QTRR xử lý ít nhất 5 loại rủi ro trọng yếu gồm: rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro pháp lý.
Từ 26/2, các CTCK phải thiết lập bộ phận chuyên trách QTRR theo các tiêu chí thống nhất
|
CTCK phải đảm bảo công tác QTRR được thực hiện độc lập, khách quan, trung thực, thống nhất và phải được thể hiện bằng văn bản, đồng thời phải đảm bảo các bộ phận tác nghiệp và bộ phận QTRR được tổ chức tách biệt và độc lập với nhau. Người phụ trách bộ phận tác nghiệp không đồng thời phụ trách bộ phận QTRR và ngược lại. Hệ thống QTRR trong CTCK phải được vận hành dựa trên các hướng dẫn nội bộ bằng văn bản như bộ quy trình, chính sách...
Như vậy, lần đầu tiên các CTCK phải thiết lập bộ phận chuyên trách QTRR theo các tiêu chí thống nhất, thay vì mỗi công ty làm một kiểu và mang tính hình thức như hiện tại?
Theo Quy chế, HĐQT hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu CTCK phải thành lập Tiểu ban QTRR, hoặc cử thành viên phụ trách để hỗ trợ HĐQT hoặc chủ sở hữu CTCK triển khai hoạt động QTRR, theo chính sách rủi ro và hạn mức rủi ro đã phê duyệt. HĐQT hoặc chủ sở hữu CTCK phải rà soát, phê duyệt định kỳ hàng năm các chính sách, hạn mức rủi ro; chỉ đạo xử lý kịp thời các tồn tại trong công tác QTRR.
Tổng giám đốc CTCK phải thành lập Bộ phận QTRR hoạt động độc lập với các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ khác. Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước HĐQT hoặc chủ sở hữu CTCK trong triển khai chính sách và hạn mức rủi ro đã được phê duyệt. Tổng giám đốc phải xây dựng chính sách, hạn mức rủi ro trình HĐQT hoặc chủ sở hữu CTCK phê duyệt; đảm bảo hệ thống QTRR được vận hành thống nhất từ trên xuống dưới; báo cáo HĐQT hoặc chủ sở hữu CTCK về trạng thái rủi ro trọng yếu.
Trách nhiệm chính của Bộ phận QTRR là gì, thưa ông?
Đó là thường xuyên theo dõi, đánh giá và đo lường các rủi ro của CTCK; rà soát, điều chỉnh các mô hình định giá và hệ thống đánh giá các công cụ tài chính được sử dụng bởi các bộ phận nghiệp vụ kinh doanh; đề xuất các chính sách QTRR cho tổng giám đốc; đề xuất hạn mức rủi ro cho các bộ phận nghiệp vụ; theo dõi để đảm bảo việc thực hiện trên thực tế các chính sách QTRR, hạn mức rủi ro, quy trình xử lý rủi ro đã được phê duyệt. Trưởng bộ phận QTRR thực hiện theo dõi, đánh giá hàng ngày trạng thái rủi ro. Các trưởng bộ phận nghiệp vụ trong CTCK phải tuân thủ và thực hiện QTRR hàng ngày.
Việc nhận diện và xử lý rủi ro phải đảm bảo các yêu cầu nào, thưa ông?
CTCK phải có phương pháp xác định hạn mức rủi ro cho các hoạt động kinh doanh. Hạn mức rủi ro được xác định bằng phương pháp định tính và phương pháp định lượng. Việc xác định, phân bổ hạn mức rủi ro có thể được thực hiện trên cơ sở các bộ phận nghiệp vụ kinh doanh, hoặc các loại sản phẩm. CTCK phải đảm bảo nguyên tắc không có hoạt động kinh doanh nào được thực hiện khi hạn mức rủi ro chưa được xác định trước.
CTCK phải áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro thích hợp theo các bước: xác định các biện pháp ứng phó sẵn có; đánh giá ưu và nhược điểm của mỗi biện pháp xử lý; xây dựng kế hoạch xử lý. Sau khi đã tiến hành xử lý rủi ro, nếu còn có các rủi ro chưa tính đến, các thủ tục tương ứng phải được lặp đi lặp lại cho đến khi rủi ro nằm trong mức độ có thể chấp nhận được.
Trường hợp CTCK vi phạm các quy định về QTRR sẽ bị xử lý ra sao?
Nghĩa vụ QTRR đã được quy định tại Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động CTCK. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, mà UBCK đang lấy ý kiến các thành viên thị trường, sẽ quy định cụ thể biện pháp xử lý các CTCK không tuân thủ các quy định về QTRR.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, CTCK không ban hành đầy đủ quy trình QTRR, ngoài bị phạt từ 10 - 30 triệu đồng, còn bị buộc ban hành đầy đủ quy trình QTRR. Trường hợp không thiết lập, duy trì hệ thống QTRR, ngoài bị phạt 50 - 70 triệu đồng, CTCK còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong thời hạn 6 tháng.
Hữu Hòe thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|