Chủ Nhật, 17/03/2013 10:22

Cà phê: Giá nội địa vững như kiềng

Giá hàng hóa thế giới tuần qua yếu vì dòng tiền đầu tư đang chuyển sang thị trường cổ phiếu. Nhưng giá sàn hàng hóa robusta thoát nạn nhờ có giá robusta trên thị trường nội địa Việt Nam rất vững.

Giá kỳ hạn ngả ngiêng

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa kỳ hạn robusta Liffe NYSE trong tuần (tác giả tổng hợp)

Giá kỳ hạn cà phê robusta Liffe NYSE tại London có một tuần sóng gió ba đào. Phiên đầu tuần, giá tháng 5-2013 - nay là tháng giao dịch chính - có lúc vượt qua ngưỡng 2.200 đô la/tấn, rồi sau đó quay đầu giảm mạnh, có lúc chỉ lơ lửng trên mức 2.160 đô la/tấn. Nhưng, phiên cuối tuần hôm qua thứ sáu 15-3, tức rạng sáng nay thứ Bảy 16-3 giờ Việt Nam, sàn kỳ hạn robusta London đóng cửa tăng nhanh lên lại để đứng mức 2.192 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1). Như vậy, so với cuối tuần trước, giá kỳ hạn robusta tăng 11 đô la/tấn.

Trong khi đó, giá cà phê arabica trên sàn Ice New York hẩm hiu hơn nhiều: cả tuần arabica giảm 6,15 cts/lb tức trên 135 đô la/tấn, đóng cửa tuần này giá sàn arabica chỉ còn 137,50 cts/lb hay 3.031 đô la/tấn.

Phải nói rằng nếu không có lực kéo của giá cà phê robusta trên thị trường nội địa Việt Nam thì sàn London khó có cơ may đứng vững. Vì, tuần qua, giá nhiều loại hàng hóa đều xuống để nhường ngôi cho giá cổ phiếu và giá trị đồng đô la Mỹ tăng. Trên thị trường tài chính, tuy không phải lúc nào cũng như thế, sự tráo đổi lẫn nhau giữa thị trường cổ phiếu và hàng hóa kiểu như thế hầu như là công thức khá phổ biến.

Trong tuần, chỉ số chứng khoán Dow Jones nhiều lần vượt đỉnh kỷ lục, có khi vượt qua 14.500 điểm. Các chỉ số chứng khoán khác như SP500 của Mỹ và Nikkei 225 của Nhật đều vượt lên mức cao nhất tính từ 4-5 năm nay.

Đối với thị trường hàng hóa thế giới, tuần qua nhận thêm cú “sốc” khi có tin các ngân hàng kinh doanh hàng hóa châu Âu ngừng cung cấp một khoản tín dụng khổng lồ chừng 1.500 tỉ đô la. Nên, giá nhiều loại hàng hóa đề khựng lại hay giảm sâu, trong đó kể cả kim loại vàng, dầu thô…

Giá nội địa vững như kiềng ba chân

Biểu đồ 2: Giá robusta trên thị trường nội địa trong 4 năm trở lại đây (nguồn: NewEdge)

Tin mưa về tại một số vùng trồng robusta của nước ta ở Tây Nguyên đã làm người “yếu bóng vía” bán xả trong các ngày thứ tư và thứ năm khi giá kỳ hạn âm 40 đô la/tấn. Song, không vì thế mà giá nội địa “chìm” hẳn. Trong tuần, đã có lúc giá cà phê nhân xô nội địa tăng lên mức trên 46.000 đồng/kg, kỷ lục mới của niên vụ 2012/13 này (xin xem biểu đồ 2). Như vậy, so với cuối tuần trước, giá cà phê nội địa đã cộng thêm được 1.000 đồng/kg dù ai “nói ngả nói nghiêng”. Hôm nay, giá cà phê nhân xô nội địa vẫn ở mức 45.500 đồng/kg, 500 đồng cao hơn cuối tuần trước.

Kiên trì với mức bán ra trên 45.000 đồng từ cuối tuần trước, lợi dụng lúc giá kỳ hạn tăng để tăng giá bán nội địa, nhưng không bán xuống khi giá kỳ hạn giảm, đã làm cho giá kỳ hạn tại London có phần nao núng và phải chạy theo vào phiên cuối tuần hôm qua. Điều này không xảy ra tại sàn kỳ hạn arabica Ice New York vì khuya hôm qua, giá New York lại giảm 2,15 cts/lb.

Biểu đồ 3: Giá cách biệt trên 2 sàn kỳ hạn arabica và robusta (nguồn: NewEdge)

Giá sàn kỳ hạn robusta tăng trong khi arabica giảm mạnh đã tạo nên mối lo ngại lớn cho sự mất cân đối giữa giá arabica và robusta. Thực vậy, mức cách biệt giá giữa 2 sàn robusta và arabica ngay thời điểm sáng hôm nay thứ bảy 16-3 chỉ còn 38,25 cts/lb tương đương với 843 đô la/tấn, trong khi trước đây có khi cách biệt đến trên 4.000 đô la/tấn. Đây là mức cách biệt thấp nhất tính từ 4 năm nay (xin xem biểu đồ 3 – đường màu hồng biểu thị giá cách biệt, đường màu xanh biểu thị giá arabica New York).

Trên thị trường, mức cách biệt này càng thấp, có nghĩa là giá arabica càng rẻ và giá robusta mắc. Vì thế, cơ may để các hãng rang xay quay sang mua hàng arabica sẽ nhiều hơn. Như thế, thị phần xuất khẩu robusta có thể sẽ bất lợi nay mai.

Nguyễn Quang Bình

tbktsg

Các tin tức khác

>   Sửa cơ chế mua thóc tạm trữ? (16/03/2013)

>   Tìm cách “giải cứu” đường tồn kho (16/03/2013)

>   2013: Philippines giảm tới 70% lượng gạo nhập khẩu (15/03/2013)

>   Sản lượng cà phê Việt Nam có thể rớt xuống đáy 8 năm (15/03/2013)

>   Thu mua trên 70% kế hoạch lúa gạo tạm trữ (15/03/2013)

>   Tiêu chuẩn nào để được xuất khẩu điều? (13/03/2013)

>   Tái diễn hiện tượng mua bán “quyền xuất khẩu gạo” (13/03/2013)

>   Giá điều thô trong nước đang trên đà tăng mạnh (12/03/2013)

>   Sản xuất cà phê bền vững, gia tăng giá trị xuất khẩu (12/03/2013)

>   Cà phê Việt Nam trên thị phần thế giới: Lượng chiếm 20%, nhưng giá trị chỉ 2% (12/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật