Cà phê Việt Nam trên thị phần thế giới: Lượng chiếm 20%, nhưng giá trị chỉ 2%
Sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 45 tỉ USD sau 10 năm nữa! Đó là đề xuất được quan tâm nhất tại “Hội nghị triển vọng ngành hàng cà phê 2013 - giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng” được tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) nhân Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ tư.
Cà phê Việt Nam chiếm 20% thị phần thế giới, nhưng chỉ chiếm 2% về giá trị.
|
Đây là hội nghị nhằm tìm kiếm giải pháp chia tay thực trạng: Cà phê Việt Nam chiếm 20% thị phần thế giới, nhưng chỉ chiếm 2% về giá trị.
Tăng tỉ lệ cà phê chế biến sâu
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó TGĐ Cty cổ phần Vinacafe Biên Hòa - dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự nhắc lại rằng: “Một số DN từng tuyên bố thị phần giá trị cà phê Việt Nam trên thế giới sẽ tăng gấp 10 lần sau 10 năm nữa, tương xứng với thị phần về khối lượng. Lấy mốc năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam là 3,74 tỉ USD và giả định tiêu dùng thế giới tăng trưởng 2%/năm, nếu kiên trì mục tiêu trên thì kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ đạt 45 tỉ USD sau 10 năm nữa?”. Và ông Tùng cho rằng, đây rất có thể là mục tiêu mới của ngành cà phê Việt Nam, mục tiêu về giá trị gia tăng.
Ngành cà phê Việt Nam còn nhiều tồn tại phải giải quyết, nhưng để đạt mục tiêu trên, trước hết phải gia tăng tỉ lệ cà phê bột và cà phê hòa tan, giảm xuất khẩu cà phê nhân giá trị thấp. Ông Đoàn Xuân Hòa - Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NNPTNT - thừa nhận: “Công suất chế biến cà phê và sản phẩm thực tế mới chỉ được 10.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng”.
Ông Hòa cho biết theo quy hoạch phát triển càphê đến năm 2030, công suất chế biến sâu sẽ đạt 135.000 tấn, trong đó cà phê hòa tan đạt 60.000 tấn. Để đạt mục tiêu đó, sắp tới Bộ NNPTNT sẽ ban hành quy hoạch chi tiết mạng lưới chế biến cà phê gắn với vùng nguyên liệu, trong đó sẽ tập trung cơ chế, chính sách để phát triển chế biến sâu cà phê.
Kích cầu nội địa
Nhưng chế biến sâu mà không bán được thì khuyến khích để làm gì? Ông Tùng cho rằng, ngoài việc tăng cường chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu thì giải pháp quan trọng là phải kích cầu tiêu dùng nội địa. Chỉ sang “người khổng lồ” Brazil, ông Tùng cho biết dân số nước này chỉ lớn gấp đôi Việt Nam, nhưng tiêu thụ cà phê nội địa gấp 12 lần Việt Nam.
Hướng đến văn hóa tiêu dùng cà phê đích thực, Việt Nam sẽ vượt qua giới hạn 600 triệu USD từ càphê bột, cà phê hòa tan giá rẻ - 2.000 đồng/ly - và chiếm tỉ lệ quá thấp như hiện nay. Và một khi tiêu thụ được 50% sản lượng cà phê trong nước với chất lượng cao, mỗi năm ngành cà phê Việt Nam sẽ có hơn 15 tỉ USD ngay tại thị trường nội địa.
Ông Tùng bày tỏ sự phấn khởi: “Khi đó chúng ta sẽ bớt băn khoăn với câu hỏi làm thế nào để gia tăng giá trị cho cà phê Việt Nam. Và cộng với việc tăng tỉ lệ chế biến trong cà phê xuất khẩu, mục tiêu 45 tỉ USD cho ngành cà phê Việt Nam chắc chắn sẽ được hiện thực hóa”.
Đặng Trung Kiên
báo lao động
|