Thứ Tư, 13/03/2013 16:36

Tiêu chuẩn nào để được xuất khẩu điều?

Trước đại hội nhiệm kỳ 8 (2013-2015), Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã đưa ra một số điều kiện kinh doanh xuất khẩu nhưng đã nhận nhiều phản ứng của các doanh nghiệp trong ngành. Nay, Vinacas đã có ban chấp hành mới, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas nhiệm kỳ 8, xung quanh vấn đề này.

TBKTSG Online: Để ngành điều là ngành kinh doanh có điều kiện nên Vinacas từng đưa ra kiến nghị chỉ những doanh nghiệp có công suất chế biến hạt điều từ 2.500 tấn/năm trở lên mới được xuất khẩu. Tuy nhiên, các điều kiện này đã bị nhiều doanh nghiệp hội viên phản ứng. Với tư cách là chủ tịch Vinacas mới, ông sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Đức Thanh: Kinh doanh có điều kiện là điều tất yếu không chỉ cho ngành điều mà nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Do đó, chúng tôi xem đây là một trong những mục tiêu sẽ hướng đến trong những năm tới.

Còn ý tưởng doanh nghiệp muốn đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu phải có công suất chế biến 2.500 tấn/năm là do 16 doanh nghiệp đưa ra, trên cơ sở đó, Vinacas đưa vào dự thảo để xin ý kiến. Tuy nhiên, trên thực tế, điều kiện về công suất chế biến đã tạo dư luận không tốt. Vì thế, chúng tôi sẽ loại bỏ điều kiện công suất chế biến từ 2.500 tấn/năm trở lên khi lấy ý kiến xây dựng nghị định kinh doanh có điều kiện của ngành điều sắp tới.

Vậy, tiêu chuẩn nào sẽ là tiêu chuẩn chính trong việc đưa ngành điều trở thành ngành kinh doanh có điều kiện?

- Chúng tôi sẽ tập trung vào vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) để xem xét nhằm loại bỏ những doanh nghiệp xuất khẩu điều không đạt tiêu chuẩn này. Do đó, doanh nghiệp muốn được tiếp tục xuất khẩu điều là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo thông tư 75/2009/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Theo thống kê của hiệp hội, hiện có khoảng hơn 100 nhà máy, cơ sở chế biến hạt điều nhưng có đến 330 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó, có khoảng 22 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP. Mới đây, Vinacas và Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra các cơ sở chế biến điều ở các tỉnh và nhận thấy nhiều cơ sở đã không đạt được những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm quy định trong thông tư 75.

Vậy là số doanh nghiệp đạt ISO, HACCP không nhiều. Ông có thể cho biết, trong năm qua đã có bao nhiêu container hạt điều bị trả về vì không đảm bảo điều kiện ATVSTP?

- Năm 2012 số container bị khách hàng từ chối nhận do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không nhiều, chỉ khoảng vài chục container. Đúng là nhiều doanh nghiệp chưa đạt những tiêu chuẩn ISO, HACCP nhưng sản phẩm của họ làm ra vẫn được thị trường chấp nhận (không bị trả về vì không đảm bảo ATVSTP). Tuy nhiên, về lâu dài chúng tôi cho rằng, vấn đề đảm bảo ATVSTP phải là tiêu chí bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn được cấp phép xuất khẩu. Đây cũng là cách để ngành điều nâng cao giá trị xuất khẩu của mình.

Ngọc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Tái diễn hiện tượng mua bán “quyền xuất khẩu gạo” (13/03/2013)

>   Giá điều thô trong nước đang trên đà tăng mạnh (12/03/2013)

>   Sản xuất cà phê bền vững, gia tăng giá trị xuất khẩu (12/03/2013)

>   Cà phê Việt Nam trên thị phần thế giới: Lượng chiếm 20%, nhưng giá trị chỉ 2% (12/03/2013)

>   Đường nội tồn kho vì đường nhập lậu (12/03/2013)

>   Gạo tiếp tục xu thế giảm giá (11/03/2013)

>   Lo ngại đường nhập lậu tràn vào thị trường nội (11/03/2013)

>   Cà phê Việt Nam: Cần cơ chế mua tạm trữ như lúa gạo? (10/03/2013)

>   Lo mất vị trí hàng đầu về xuất khẩu cà phê (10/03/2013)

>   Giá lương thực thế giới khá ổn định trong tháng 2 (08/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật