Giá điều thô trong nước đang trên đà tăng mạnh
Trái ngược với dự báo mà Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đưa ra trước
đây, hiện ở hai tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước là Bình Phước và
Đồng Nai, điều thô đang được các doanh nghiệp mua với giá trên 30.000 đồng/kg,
tăng khoảng 7.000 đồng/kg.
Tuy nhiên theo Vinacas, giá điều thô trong nước khó có thể đạt mốc 40.000
đồng/kg như thông tin hiện có trong dân.
Theo Vinacas, giá điều tăng chỉ trong thời gian ngắn là do hạn hán nên
Việt Nam mất mùa nên các doanh nghiệp nhỏ trong nước đang mua vào dự trữ với hy
vọng giá điều sẽ chạm mốc 40.000 đồng/kg.
Trong khi đó các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn hầu như hạn chế
mua điều trong nước mà nhập khẩu từ châu Phi với giá từ 850-950 USD/tấn, tương
đương 18.000-20.000 đồng/kg.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Đức Thanh, chủ tịch Vinacas cho biết, với
giá xuất khẩu như hiện nay (chưa đến 8 USD/kg) thì những doanh nghiệp mua điều
trong nước để xuất khẩu sẽ bị lỗ khoảng 330 USD/tấn, còn nếu nhập điều thô với
mức giá nói trên thì doanh nghiệp sẽ lãi 180 USD/tấn.
Ông Thanh cũng cho biết, có thể năm nay Việt Nam mất mùa điều nhưng ở Ấn
Độ năng suất điều lại tăng khoảng 17%, Cote d'Ivoire mùa vụ bình thường,
Nigeria, Brazil năng suất tăng nên việc Việt Nam mất mùa sẽ không ảnh hưởng đến
nguồn cung thế giới và giá điều thô không thể tăng nhiều hơn nữa.
Hiện Việt Nam đứng thứ tư về sản lượng điều thô thu hoạch mỗi năm nhưng
lượng xuất khẩu (điều nhân) đứng thứ nhất kể từ năm 2006. Theo Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu được 223.000 tấn, đạt giá trị
là 1,48 tỉ USD.
Mặc dùng đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhưng hơn 300 doanh nghiệp
trong lĩnh vực này hàng năm phải nhập tới 50% sản lượng điều thô từ châu Phi,
Campuchia, Indonesia... Mấy năm qua, diện tích trồng điều liên tục sụt giảm, từ
391.400 ha năm 2009, đến năm 2012 chỉ còn 355.000 ha; sản lượng từ 219.900 tấn
năm 2009 xuống còn 264.000 tấn năm 2012. Sự thiếu chủ động về nguồn nguyên liệu
đã khiến doanh nghiệp ngành điều chỉ làm gia công cho nước ngoài, thương hiệu bị
ép giá./.
Liên Phương
Vietnam+
|