Thứ Tư, 13/03/2013 10:28

Tái diễn hiện tượng mua bán “quyền xuất khẩu gạo”

Từ đầu năm 2013 đến nay, thị trường xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn. Giá lúa giảm. Nông dân khó bán sản phẩm. Nhà nước phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng hỗ trợ mua tạm trữ. Thực tế này, lẽ ra cần có nhiều chính sách khuyến khích các thành phần doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn không được tham gia xuất khẩu gạo. Từ đây cũng tái diễn tình trạng mua bán quyền xuất khẩu...

Ông Đoàn Ngọc Thơ, giám đốc công ty thương mại dịch vụ THO, TP.HCM, cho biết kể từ khi nghị định 109 có hiệu lực (1.1.2011) quy định xuất khẩu gạo thuộc ngành kinh doanh có điều kiện thì cũng là lúc những doanh nghiệp làm thương mại như THO không còn đất sống do không có nhà máy, kho tàng...

Mua quyền xuất khẩu từ 0,5 – 5 USD/tấn

Trước đó, doanh nghiệp THO xuất khẩu trung bình mỗi năm không dưới 10.000 tấn gạo. Năng lực tiếng Anh lưu loát, có nhiều năm lăn lộn thương trường, đàm phán kinh doanh nông sản, tham dự rất nhiều hội chợ quốc tế, và có trong tay danh sách khách hàng mua gạo uy tín nên ông Thơ nói rằng, nếu bây giờ chỉ vì không có giấy phép xuất khẩu mà bỏ ngang không làm nữa thì quá phí. Từ suy nghĩ này, ông bắt đầu tìm đến các doanh nghiệp có trong tay “bảo bối” giấy phép xuất khẩu để nhờ đứng tên xuất hộ các hợp đồng gạo mà THO ký được với khách hàng. “THO chỉ là doanh nghiệp kinh doanh thương mại, chúng tôi không có khả năng đầu tư nhà máy xay xát, lau bóng, kho bãi theo quy định của nghị định 109 để được cấp giấy phép xuất khẩu nên phải nhờ vả người khác xuất giùm như vậy”, ông Thơ thổ lộ.

Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, để được tham gia xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang phải làm như cách của THO. Sau khi ký được hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp thương mại mang hợp đồng đến một số doanh nghiệp có giấy phép nhờ đứng tên xuất khẩu dạng uỷ thác. Đổi lại, họ phải mua nguyên liệu của doanh nghiệp đứng tên xuất và mỗi tấn gạo phải mất phí từ 0,5 – 5 USD. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất khẩu uỷ thác là hình thức khá phổ biến, thông dụng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với mặt hàng gạo, thuộc ngành kinh doanh có điều kiện, thì hình thức “nhờ vả” này không còn bình thường nữa, mà có thể hiểu là mua bán quota xuất khẩu giống như đã từng xảy ra các năm trước đây. Với lợi thế có giấy phép trong tay, doanh nghiệp này có thể ngã giá, ép buộc doanh nghiệp khác để bán quyền xuất khẩu mà họ đang có.

Theo ông Đoàn Ngọc Thơ, do phải “nhờ” người khác xuất khẩu hộ nên từ năm 2011 đến nay những doanh nghiệp làm thương mại như THO rất khó kinh doanh xuất khẩu. Bởi, nếu được phép xuất khẩu bình thường như trước, doanh nghiệp có thể chủ động, tính toán thời điểm giá nguyên liệu rẻ để mua vào trữ lại, chờ giá xuất tăng thì ký hợp đồng. Còn nay thì vừa phải lo tìm khách hàng mua gạo, vừa phải lo doanh nghiệp bán gạo, đứng tên xuất khẩu giùm. “Chúng tôi phải đi mua cái quyền xuất khẩu của người khác, mất phí là một chuyện nhưng nếu cứ làm theo cách này sẽ mất uy tín, mất hết khách hàng”, ông Thơ nói thêm.

Đầu tư nhà máy, kho trữ rồi... không được cấp phép!

Như đã đề cập, nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo có điều kiện (hiệu lực từ ngày 1.1.2011), quy định doanh nghiệp phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn, nhà máy chế biến gạo công suất 10 tấn lúa/giờ. Doanh nghiệp nỗ lực đầu tư đáp ứng điều kiện, đến giữa năm 2012 thì số doanh nghiệp được cấp phép lên tới con số trên 150, chứ không phải là 70 – 80 như ý định ban đầu của những người làm chính sách. Trước tình trạng này, sau khi có sự tham mưu của các bộ, ngành, đặc biệt là từ phía hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo tiếp tục sàng lọc để gom đầu mối xuất khẩu về con số không quá 100 doanh nghiệp.

Từ đây cũng xuất hiện nhiều trường hợp dở khóc dở cười. Doanh nghiệp TS ở Cần Thơ xuất khẩu gạo từ thời còn bao cấp, là hội viên của VFA nhiều năm, có niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Từ cuối năm 2012, doanh nghiệp này nộp hồ sơ ra bộ Công thương nhưng đến tận những ngày giữa tháng 3.2013 này vẫn chưa được cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Ông T., trưởng phòng kinh doanh công ty này cho biết, sau khi có nghị định 109, công ty đã nỗ lực bỏ ra gần 20 tỉ đồng đầu tư kho chứa mười mấy ngàn tấn lúa gạo, thêm một nhà máy xay xát, hai nhà máy lau bóng công suất 24 tấn lúa/giờ. Tất cả đều vượt quy định và đã được bộ Công thương cấp giấy phép xuất khẩu hai năm 2011, 2012. Đến cuối năm ngoái, do giấy phép hết hiệu lực nên công ty làm hồ sơ gửi ra bộ đề nghị cấp tiếp, nhưng đến nay vẫn chưa được. “Chúng tôi nghe thông tin có quy định mới chỉ cấp giấy phép cho 100 doanh nghiệp, số nộp hồ sau sẽ không được cấp nữa”, ông T. nói.

Một cán bộ thuộc VFA cũng thừa nhận hiện nay còn khoảng 40 hồ sơ đủ điều kiện cấp phép xuất khẩu còn ách lại ở bộ Công thương. Trong khi đó, vì không có giấy phép xuất khẩu nên ba tháng nay, doanh nghiệp TS chỉ xuất khẩu được vài trăm tấn gạo thay vì mười mấy ngàn tấn như trước đây và cũng phải uỷ thác qua doanh nghiệp có giấy phép. “Khách hàng của chúng tôi biết công ty không có giấy phép nên không thèm mua gạo vì họ không còn tin, sợ rủi ro. Năm ngoái, chúng tôi xuất khẩu 50.000 tấn còn ba tháng đầu năm nay xuất được có mấy trăm tấn mà phải qua uỷ thác doanh nghiệp khác. Họ ăn phí của mình 0,5 USD/tấn nữa”, ông T. bức xúc.

Nghị định 109 không hề quy định bó buộc các đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo về con số tối đa 100. Chỉ đến khi các bộ ngành, nhất là VFA thấy số doanh nghiệp đăng ký tăng ngoài dự kiến mới tham mưu Chính phủ yêu cầu giảm xuống. Cách làm này là hại doanh nghiệp, thiếu rõ ràng, không minh bạch. Do tin vào nghị định 109 không giới hạn doanh nghiệp đăng ký nên nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng đầu tư nhà máy, kho bãi, giờ họ lại không nhận được giấy phép xuất khẩu!

Một cán bộ VFA cho biết tình trạng doanh nghiệp xây nhà máy, kho chứa để đạt điều kiện cấp phép xuất khẩu diễn ra ồ ạt trong suốt hai năm qua. VFA đã cảnh báo về tình trạng xây kho, mặc dù theo quy hoạch chỉ có 4 triệu tấn kho, nhưng đến nay thống kê đã lên tới hơn 5 triệu, quá lãng phí so với thực tế mà ngành lúa gạo đang cần.

Hoàng Bảy

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Giá điều thô trong nước đang trên đà tăng mạnh (12/03/2013)

>   Sản xuất cà phê bền vững, gia tăng giá trị xuất khẩu (12/03/2013)

>   Cà phê Việt Nam trên thị phần thế giới: Lượng chiếm 20%, nhưng giá trị chỉ 2% (12/03/2013)

>   Đường nội tồn kho vì đường nhập lậu (12/03/2013)

>   Gạo tiếp tục xu thế giảm giá (11/03/2013)

>   Lo ngại đường nhập lậu tràn vào thị trường nội (11/03/2013)

>   Cà phê Việt Nam: Cần cơ chế mua tạm trữ như lúa gạo? (10/03/2013)

>   Lo mất vị trí hàng đầu về xuất khẩu cà phê (10/03/2013)

>   Giá lương thực thế giới khá ổn định trong tháng 2 (08/03/2013)

>   1.000 tỷ đồng lãi suất thấp để thu mua tạm trữ gạo (07/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật