Nghị trường một năm tràn cảm xúc
Nghị trường năm 2012 tràn ngập cảm xúc khi lần đầu tiên, không thể kìm nén, một nữ đại biểu bật khóc trong lúc nói về bữa ăn của bệnh nhân tại một bệnh viện phong. Đây cũng là năm có tốc độ tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất trong suốt 13 năm qua.
Hai kỳ họp trong năm, gần 60 ngày Quốc hội bàn chuyện quốc kế dân sinh. Trong khi hành lang nghị trường nóng từ những chuyện bê bối của Vinalines đến những điều tiếng thị phi, thì ở giữa nghị trường là nhiều hơn nữa những câu chuyện về niềm trắc ẩn...
|
Hai kỳ họp trong năm, gần 60 ngày Quốc hội bàn chuyện quốc kế dân sinh. Trong khi hành lang nghị trường nóng từ những chuyện bê bối của Vinalines đến những điều tiếng thị phi, thì ở giữa nghị trường là nhiều hơn nữa những câu chuyện về niềm trắc ẩn...
Khắc khoải cùng những nỗi ám ảnh
Nỗi ám ảnh về hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị một số tập đoàn kinh tế nhà nước vung đi như không càng khiến cho niềm trắc ẩn của đại biểu Quốc hội với người dân trở nên thiêu đốt hơn.
Kỳ họp thứ 3, tháng 5/2012, nhắc đến Vinalines, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh “xót hết cả ruột khi hàng nghìn tỷ đồng đổ sông đổ biển” và ông càng thấy ruột xót hơn bao giờ hết khi so sánh “70.000 hộ gia đình chính sách, hỗ trợ chẳng được bao nhiêu tiền mà cứ đưa lên đưa xuống, chưa quyết được”.
Dẫn lại 4 câu vè đang lưu truyền trong nhân gian: “Sáng ra đường thì lo ngập lụt/ Trưa đang chạy thì lại cháy xe / Chiều buông xuống dịch bệnh bủa vây / Đêm thảng thốt sắp tăng rồi phí”... Đại biểu Võ Thị Dung (Tp.HCM) ca thán “Nghe dân nói mà đau. Tình hình kinh tế khó khăn, đời sống vật chất của dân khổ rồi, tinh thần lại phải đối mặt với bao nhiêu bức xúc, bất an và lo âu”.
Nỗi niềm trắc ẩn của đại biểu đối với người dân, giờ đây không chỉ thể hiện qua các buổi thảo luận kinh tế xã hội luôn chỉ chiếm quãng thời lượng rất khiêm tốn trong mỗi kỳ họp, mà còn trong cả các phiên thảo luận về dự án Luật, vốn luôn được xem là khô cứng. Tại nhiều năm trước, có những phiên chỉ lèo tèo vài ba người phát biểu và Quốc hội đã phải nghỉ trước giờ vì không còn ai có ý kiến. Nhưng năm 2012 thì không còn như vậy.
19 năm là công nhân, đại biểu tỉnh Hưng Yên, bà Cù Thị Hậu đã có những phân tích đến nao lòng về tình cảnh bị “vắt chanh bỏ vỏ” của người lao động khi Quốc hội thảo luận về Dự án Bộ luật Lao động: “360 ngày trong năm, công nhân chỉ được nghỉ có 7 ngày thứ bảy hoặc chủ nhật, thì nghỉ ngơi được lúc nào.
Bị khai thác triệt để sức lao động và khi đã cạn kiệt sức mình vì làm nhiều, người sử dụng lao động sẽ sa thải họ và lại tuyển lao động mới. Sau khi bị sa thải, sức khỏe không thể đáp ứng để tìm công việc mới, họ chỉ còn cách về nông thôn nhưng không còn ruộng nữa, không còn cách nào khác để chăm lo cho con cái học hành... Cuộc sống khó khăn quá nên đành phải chấp nhận cách ứng xử nghiệt ngã đó”.
Đến từ chốn pháp đình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Văn Độ kể chuyện trong một lần tiếp xúc cử tri, ông từng được nghe người nghèo kể về gia cảnh nhà 5 người có 1 cái xe máy, một người vi phạm bị giữ xe 3, 4 tháng thì cả 5 người không có phương tiện đi lại. Một gia đình khác góp nhặt mua được 1 xe tải hoạt động hành nghề vận tải để kiếm sống, nhưng khi lỡ vi phạm, bị giữ phương tiện của gia đình mấy tháng thì mấy tháng đấy gia đình không có công ăn việc làm, thu nhập cũng không... khi cho ý kiến về Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Vị Phó Chánh án ngậm ngùi nhận định, không ai không muốn vi phạm giảm, nhưng làm luật thế nào cũng nên nghĩ cho người nghèo. “Bình quân thu nhập đầu người là 2 triệu đồng/tháng mà chúng ta xử phạt hành chính đến 1 tỷ đồng thì quá cao. Dân sẽ lấy tiền ở đâu ra để nộp phạt”.
Tiếng dân đã được lắng nghe
Năm 2012 cũng là một năm mà Quốc hội đã quyết được nhiều vấn đề hơn cho dân, nói được nhiều hơn nữa tiếng lòng của dân. Chẳng hạn về thời hạn sửa đổi Luật Đất đai. Mặc dù Chính phủ tha thiết đề nghị lùi sửa đổi Luật Đất đai sang kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013) nhưng Quốc hội đã quyết không lùi. Cuối cùng, Luật Đất đai (sửa đổi) được trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2012 và để kịp thông qua vào giữa năm 2013.
Chính phủ muốn lùi sửa Luật Đất đai vì mong muốn dự án Luật này sau khi được sửa đổi đảm bảo được chất lượng và cũng vì một số nội dung quan trọng của dự án Luật như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về chính sách đất đai...
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự không nhất trí và cho rằng, Quốc hội cần gấp rút sửa đổi vì đất đai là vấn đề hết sức bức xúc, được nhân dân trông đợi từng ngày, từng giờ, lùi thời gian là không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Cùng đó, lý do lùi việc cho ý kiến Luật Đất đai vì chờ sửa Hiến pháp là chưa thuyết phục bởi chờ khi sửa xong Hiến pháp thì đến năm 2015, Luật Đất đai sửa đổi mới có hiệu lực, tình hình đất đai càng thêm phức tạp, mà càng phức tạp thì càng khổ dân. Luật Đất đai hiện đang được gấp rút sửa đổi và dự kiến sẽ đưa ra xin ý kiến nhân dân từ ngày 1/2 tới.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đang được trưng cầu ý kiến nhân dân. Phát động đợt lấy ý kiến nhân dân này, Quốc hội đã tổ chức một Hội nghị trực tuyến với sự tham dự của 5 ủy viên Bộ Chính trị và hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của các địa phương để phổ biến tới khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Chủ trì Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Xuất phát từ tư tưởng mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Hiến pháp phải phản ánh được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, phải tạo điều kiện để người dân thể hiện quan điểm, chính kiến với toàn Hiến pháp cũng như từng điều khoản. Nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp”.
Hay tại Kỳ họp thứ 4, tháng 11/2012, có lẽ hàng chục triệu người dân nếu chứng kiến, đều cảm thấy xúc động khi đại biểu Dương Trung Quốc đã hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một câu mà từ trước đến nay, chưa từng đại biểu Quốc hội nào “dám” hỏi: “Trước kỳ họp, toàn dân đều được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong đó có Thủ tướng đã có lời xin lỗi và xin Trung ương Đảng kỷ luật. Còn tại Quốc hội, Thủ tướng chỉ xin lỗi về trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn Nhà nước mà thôi, khiến người dân tự đặt câu hỏi, dường như Thủ tướng xem nhẹ trước dân hơn trước Đảng?”.
Không trả lời thẳng vào câu hỏi nhưng Thủ tướng đã thể hiện sự hết sức đề cao vai trò của nhân dân, khi dẫn lại lời dạy của Bác “quyền hành là ở dân, mọi lực lượng là ở dân, mọi lợi ích là ở dân”.
Thủ tướng cho hay: “Chính phủ đang chỉ đạo nâng cao, đề cao trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức, các cơ quan đơn vị trong thực thi chức trách nhiệm vụ trước nhân dân, làm sao bộ máy hành chính của chúng ta hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.
Đoàn Trần
TBKTVN
|