Chuẩn bị cho những “đụng chạm”
“Năm 2013, chúng tôi chú trọng tăng cường kiểm toán 20 chuyên đề về các lĩnh vực “nóng” như kinh doanh bất động sản”...
Trong kế hoạch làm việc năm 2013 của mình, Kiểm toán Nhà nước đã quyết định đưa nhiều tập đoàn nhà nước, ngân hàng thương mại lớn vào “tầm ngắm”.
Ông Đinh Tiến Dũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, đây là những lĩnh vực “nóng” đang được dư luận chú ý vì thời gian qua bộc lộ nhiều sai phạm.
Ông Đinh Tiến Dũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
|
Xin ông cho biết cụ thể những tập đoàn Nhà nước, ngân hàng thương mại nào sẽ được Kiểm toán Nhà nước “thăm hỏi” trong năm 2013?
Đó là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản, Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Hàng không, Tổng công ty cảng Hàng không, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, Tổng công ty Sông Đà...
Còn 4 ngân hàng nằm trong chương trình làm việc của Kiểm toán Nhà nước năm 2013 là Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Về nội dung kiểm toán, chúng tôi sẽ tập trung đánh giá hiệu quả đầu tư kinh doanh, đầu tư ngoài ngành, việc điều hành lãi suất, tỷ giá, cho vay tái cấp vốn, hoạt động thị trường mở và thị trường liên ngân hàng, dự trữ ngoại hối...
Trước mắt, trong năm 2013 sẽ triển khai kiểm toán các đơn vị này và chúng tôi sẽ cố gắng từ nay đến năm 2015 sẽ thực hiện kiểm toán theo hình thức “cuốn chiếu” đối với tất cả các tập đoàn, ngân hàng thương mại.
Trên cơ sở kết quả kiểm toán những tập đoàn Nhà nước và Ngân hàng thương mại, chúng tôi sẽ có những kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, Quốc hội trong việc chỉ đạo thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Riêng đối với hệ thống ngân hàng thương mại, kết quả kiểm toán sẽ giúp Chính phủ và Quốc hội đánh giá được việc điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, kết quả kiểm toán còn chỉ ra hiệu quả thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường mà Chính phủ và Quốc hội đã cho triển khai thực hiện thời gian qua.
Như vậy, đầu mối kiểm toán năm 2013 sẽ giảm nhiều so với năm 2012 nhưng nhìn danh sách lại toàn thấy những “ông lớn”, điều này cho thấy một năm sẽ vất vả đối với Kiểm toán Nhà nước, thưa ông?
Đầu mối kiểm toán năm 2013 giảm tới 25 đơn vị so với đầu mối đã thực hiện năm 2012 nhưng quy mô tài chính, ngân sách lại lớn hơn do những đơn vị phải kiểm toán năm nay toàn là tập đoàn, ngân hàng lớn của Nhà nước.
Đặc biệt, năm 2013, chúng tôi chú trọng tăng cường kiểm toán 20 chuyên đề về các lĩnh vực “nóng” đang được dư luận quan tâm như quản lý đất đai gắn với phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản, quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản...
Ngay như lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tôi đã từng làm ở Bộ Xây dựng (Thứ trưởng Bộ Xây dựng - PV) nên hiểu rất rõ vấn đề này. Hầu hết các chủ đầu tư dự án đô thị mới không đảm bảo về mật độ xây dựng theo quy định. Họ tận dụng từng m2 để xây nhà bán, làm cho chất lượng sống các khu đô thị mới bị hạn chế...
Năm 2013 Kiểm toán Nhà nước còn thay đổi cách thức tổ chức, thay vì cử nhiều đoàn kiểm toán xuống một địa phương, đơn vị và mỗi đoàn thực hiện một mục tiêu kiểm toán riêng thì năm nay sẽ cử một đoàn xuống và thực hiện nhiều mục tiêu kiểm toán.
Cách làm này sẽ giảm khó khăn cho các đơn vị, địa phương khi phải “tiếp” quá nhiều đoàn kiểm toán nhưng lại tăng khó khăn cho các kiểm toán viên khi phải làm một khối lượng công việc lớn hơn.
Chúng tôi biết chương trình kiểm toán năm 2013 như vậy sẽ không ít khó khăn, nhạy cảm nhưng chúng tôi đã chuẩn bị cho những “đụng chạm” vì mục tiêu tạo sự minh bạch, hiệu quả cho nguồn lực quốc gia...
Thưa ông, nhiều năm qua công tác kiểm toán của chúng ta chỉ đơn thuần là kiểm tra sổ sách kế toán rồi đưa ra kết luận. Cách làm này dường như chưa tạo ra hiệu quả cao trong việc kiểm soát các nguồn lực quốc gia. Vậy năm 2013, Kiểm toán Nhà nước có thay đổi cách làm?
Chúng tôi đang có những bước đi mới nhằm thay đổi tư duy kiểm toán. Từ năm 2012, chúng tôi đã đưa cách làm mới là kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động vào thực hiện khi kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167 tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Đây là loại hình kiểm toán mới được nâng lên từ loại hình kiểm toán báo cáo tài chính.
Việc kiểm toán từ nay sẽ không đơn thuần là kiểm tra việc chi tiêu mà phải song hành với việc phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa để tránh những thất thoát trong việc chi tiêu về sau. Như tại các chương trình kiểm toán chi tiêu thường xuyên ở cấp huyện lâu nay chỉ là kiểm tra việc chi tiêu tiền ngân sách, tiền các dự án của Chính phủ rót về nhưng từ nay sẽ kiểm toán cả chức năng, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp huyện trong việc thực hiện các dự án sử dụng nguồn lực quốc gia.
Với cách làm mới, trong năm 2013 công tác kiểm toán sẽ tập trung xem xét chất lượng công tác lập dự toán của các bộ, ngành, nhất là dự toán thu ngân sách Nhà nước, tình trạng phân bổ dự toán chậm, chưa sát thực tế nên phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện...
Ở các địa phương, kiểm toán sẽ làm rõ việc sử dụng ngân sách khi thực hiện bố trí vốn đầu tư nhằm đưa ra những tư vấn chính sách tránh sự dàn trải, thiếu tập trung, khắc phục tình trạng kê khai sai các khoản thuế phải nộp cho ngân sách Nhà nước và tình trạng kê sai số được hoàn thuế...
Tóm lại, lâu nay chỉ kiểm toán báo cáo tài chính nhưng từ năm 2013 trở đi sẽ kiểm toán cả hoạt động quản lý của các địa phương, đơn vị.
Ông có nói đến kiểm toán hoạt động của Chương trình 30a và Chính sách 167 mà Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện trong năm 2013. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về chương trình kiểm toán này vì nó liên quan đến việc cân đối nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia đang còn nhiều ý kiến khác nhau?
Kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167 là chương trình kiểm toán lần đầu tiên được thực hiện một cách tổng thể, toàn diện trên phạm vi cả nước. Do đó Kiểm toán Nhà nước đã chuẩn bị trong một thời gian khá dài. Đề cương kiểm toán rộng đòi hỏi chúng tôi phải đặt ra các bước, các cách làm cụ thể, chi tiết.
Ngay khi các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước trình Đề cương cho chương trình này, tôi đã thấy rõ đây là cách làm mới, rất hay nên mặc dù chưa áp dụng, tôi vẫn quyết định trích thưởng ngay cho đội ngũ thực hiện 100 triệu đồng.
Nhìn chung kết quả kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167 cơ bản đã có nhiều phát hiện, kiến nghị, đề xuất có giá trị, tập trung phản ánh được hiệu quả đầu tư của Chương trình, Chính sách trong việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao dân trí, ổn định an sinh xã hội tại các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, đã chỉ ra được những bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong chế độ, chính sách. Như trong chính sách, tuy cùng một nội dung, đối tượng nhưng có nhiều văn bản hướng dẫn, nội dung chồng chéo nhau...
Đây là lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước đưa ra những hạn chế và đề xuất về chính sách quản lý Nhà nước, phân tích rõ nguyên nhân không hoàn thành mục tiêu đã đề ra và có phương hướng giải quyết cụ thể...
Với chương trình kiểm toán này, toàn bộ kiểm toán viên của chúng tôi phải thay đổi cách làm, không chỉ đơn thuần là kiểm toán về kinh phí mà còn về chính sách. Sau khi chương trình kiểm toán xong, chúng tôi kết luận luôn là chính sách cho chương trình mục tiêu quốc gia đang có bất cập lớn.
Mỗi chương trình mục tiêu quốc gia có một chính sách khác nhau, sẽ gây khó khăn cho giai đoạn thực hiện, do đó cần lồng ghép các chương trình để số lượng chương trình giảm đi và hiệu quả sẽ cao hơn. Đối với Chương trình 30a và Chính sách 167, chúng tôi đã đưa ra một đánh giá khá toàn diện từ chính sách, phân bố chương trình đến việc kiểm tra, thực hiện chính sách.
Tôi muốn nhấn mạnh, đây là cuộc kiểm toán thực hiện chủ trương chuyển mạnh sang loại hình kiểm toán hoạt động và lần đầu tiên các kiểm toán viên đến từng nhà người dân, từng thôn bản để thu thập thông tin, ghi nhận ý kiến của người dân hưởng thụ chính sách.
Với cách làm này, kiểm toán viên không còn là người “ngồi bàn giấy đọc tài liệu, đọc báo cáo tài chính” nữa mà họ đã trở thành “điều tra viên” thực thụ. Tôi rất kỳ vọng loại hình kiểm toán hoạt động sẽ được triển khai mạnh khi kiểm toán ở các lĩnh vực khác.
Trong tương lai, Kiểm toán Nhà nước sẽ tham gia giám sát ngay từ khâu lập đề án, dự toán phân bổ cho các công trình, dự án, chương trình có sử dụng nguồn lực quốc gia. Nguồn lực quốc gia ở đây không phải đơn thuần là ngân sách Nhà nước mà cả tài nguyên khoáng sản...
Kông Lý
tbktvn
|