Từ ngữ của năm 2012: Nhóm lợi ích
Chưa bao giờ xã hội lại rối như hiện nay, nhất là trước nguy cơ khủng hoảng siêu nợ và suy thoái. Trước thềm một năm mới đầy bất trắc, thiết tưởng cũng cần một lần nữa nhìn lại vấn nạn tham nhũng... và về từ ngữ của năm 2012 “nhóm lợi ích”.
Từ diễn đàn Quốc hội, báo chí đến các bàn cà phê vỉa hè, cụm từ “nhóm lợi ích” đã được nhắc đến một cách “trọng tâm” nhất trong năm qua. Thậm chí có đại biểu yêu cầu hãy chỉ rõ ra các nhóm lợi ích đó. Và cũng đã có ý kiến cho rằng lợi ích nhóm mà đàng hoàng thì đâu có sao, tốt thôi, đáng trách là các nhóm lợi ích xấu thôi. Có lẽ cũng cần nhìn nhận vấn đề nhóm lợi ích trong cục diện phát triển đất nước và trong vấn nạn tham nhũng làm nghèo đất nước.
Tham nhũng do nhu cầu
Trong kinh điển chống tham nhũng, người ta thường đặt câu hỏi “Tham nhũng do nhu cầu hay do lòng tham?” (corruption by need or by greed?). Monika Bauhr và Naghmeh Nasiritousi của Đại học Gothenburg và Linkõping (Thụy Điển - nước luôn đứng đầu các bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng), trong một nghiên cứu cuối năm 2011(l) một lần nữa nhắc lại: “Các công dân đút lót vì vừa để được nhận những dịch vụ mà (lẽ ra) họ phải được hưởng một cách hợp pháp song lại bị “đặt điều kiện” bởi một món tiền đút lót hoặc để được nhận những lợi thế mà họ không thể được hưởng một cách hợp pháp. Tham nhũng vì nhu cầu được xây dựng trên sự cưỡng ép và tống tiền”.
Chuyện người dân đóng thuế phải “chi” trong bệnh viện chẳng hạn, hay phụ huynh học sinh phải “chi” cho nhà trường hay cho hội phụ huynh học sinh hoặc cho giáo viên “dạy thêm” là câu chuyện xưa như trái đất! Có mới chăng là do được gọi đích danh bằng từ tham nhũng (trong nhà trường, trong bệnh viện) từ hai năm nay, còn trước kia chỉ mới gọi là “tiêu cực”.
Còn nhớ, tại cuộc hội thảo đầu tiên về vấn nạn tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục do Sứ quán Thụy Điển tổ chức hồi tháng 5-2010, sau khi nghe hai nhóm nghiên cứu trình bày về “Những phát hiện ban đầu của khảo sát tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục” và “Những phát hiện ban đầu về những hình thức và mức độ tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam”, một lực lượng đông đảo trong thành phần cử tọa rất uyên bác đã ra sức chất vấn các tác giả (nhóm GI và CIEM) về phương pháp lấy mẫu, xử lý... Các cử tọa đã cố chứng minh rằng do phương pháp đo lường xã hội học chưa chính xác nên không thể kết luận có tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục thay vì bình tĩnh tiếp nhận những phản ánh đó và suy ngẫm xem có thể làm gì... Dẫu sao thì sau hội thảo đầu tiên đó, cũng đã có những hội thảo khác về “tham nhũng trong nhà trường” và “khái niệm tham nhũng trong nhà trường” bắt đầu được nói đến một cách chính thức, vấn nạn “tham nhũng trong bệnh viện” cũng được nói đến sau đó.
Thế nhưng, không biết bao nhiêu nước đã trôi qua cầu, mà tham nhũng trong nhà trường hay trong bệnh viện hoặc trong xã hội vẫn cứ không giảm. Sở dĩ, “tham nhũng vặt” chỉ được xem như là “tiêu cực” để rồi bất quá là kiểm điểm, tự kiểm, giải trình, rồi... xin lỗi (và chấm hết!) là do lẽ “tham nhũng vặt có thể được xem là “trắng” vì ai cũng làm điều đó” (theo hai tác giả Monika Bauhr và Naghmeh Nasiritousi).
Trong thực tế ở Việt Nam, có khi người này phải đút lót cho người kia để cho con có được chỗ học tốt hay để khi vô bệnh viện có được giường nằm, thuốc tốt... Và đôi khi người ấy cũng có dịp được người khác đút lót... Tỉ như cô thư ký phường “biếu quà” cho bác sĩ, y tá; ông bác sĩ biếu quà cho ông thầy giáo; ông thầy giáo biếu quà cho cô thư ký phường... Một cái vòng luẩn quẩn mà không ít người cũng có thể “có phần”. Đáng phiền là, theo các tác giả, có tăng cường công khai minh bạch đi nữa cũng không thể trông mong giảm bớt tham nhũng do nhu cầu ở bậc thấp một khi điều này đã hằn sâu trong một xã hội. Có thể từ nhận xét này thử đặt giả thiết: nếu tăng lương cho các viên chức, liệu tăng đến đâu là đủ, là vừa để không còn tiếp tục thói quen “nhận quà”? Điều gì khiến các bác sĩ, y tá trong bệnh viện tư (nghiêm chỉnh đúng nghĩa) có thể hài lòng với đồng lương của mình mà không thích nhận quà? Chắc không phải do lương cao hơn trong bệnh viện công mà thôi? Điều gì khiến nhân viên các cấp trong các công ty tư hầu như không có nhu cầu “nhận quà” như các công chức? Chắc không phải do lương cao mà thôi...! Phải chăng do bản chất công việc trong các cơ sở tư ở đây là làm sao bán cho được một dịch vụ, sản phẩm chứ không phải là ban cho một dịch vụ mà mình tự cho là có quyền “có phần” như trong lĩnh vực công? Tất nhiên, cũng có những trường hợp cửa hàng tư, công ty tư bán “đểu” song đó là do thời buổi giao thời giữa một nền kinh tế ngầm của những “con phe” nên có cung cách buôn bán “con phe”, chuyển qua một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa thì khác. Một khi khách hàng không vừa ý, chỉ cần nói: “Cho tôi gặp quản lý” là nhân viên đó coi như “xong phim”! Chính khả năng dễ bị sa thải như vậy ở một số công ty tư đã tạo nên sự khác biệt trong phong cách làm việc của nhân viên so với các công sở mà ở đó sếp có muốn đuổi lính không phải dễ. Và vô hình dung, chính tình trạng “muốn đuổi cũng không xong” đã tạo ra chỗ dựa cho tâm lý “ai cũng có thể làm”...
Tham nhũng do lòng tham và lợi ích nhóm
Trong khi tham nhũng “vặt” và do nhu cầu có thể là “đại chúng”, thì tham nhũng do lòng tham (by greed) lại nguy hiểm hơn bội phần cho dù không phải ai cũng có thể làm được. Tham nhũng do lòng tham, theo các tác giả Monika Bauhr và Naghmeh Nasiritousi, “xảy ra khi sự hối lộ được đưa ra để mưu cầu lợi ích cá nhân mà lẽ ra không được có”. Tham nhũng do lòng tham dựa “trên sự thông đồng câu kết, các bên cộng tác vì lợi ích hỗ tương. Tham nhũng do lòng tham do đó thường ít gây bức xúc hơn là tham nhũng do nhu cầu nhất là khi được che đậy nhiều hơn”. Đáng phiền là “người dân đóng thuê cùng một số thành phần khác liên quan phải trả giá cho sự tham nhũng do lòng tham”.
Từ định nghĩa về tham nhũng do lòng tham trên có thể nhìn lại vấn nạn “lợi ích nhóm” ở Việt Nam. Tỉ như trong một dự án, các công ty dự thầu đều muốn thắng thầu để thu lợi nhuận; các chủ đầu tư, các tầng duyệt xét... cho đến “thần hoàng” địa phương cũng muốn được chia sẻ lợi nhuận. Và thường thì tham nhũng xảy ra khi có sự thông đồng câu kết giữa các bên liên quan vì lợi ích hỗ tương. Trong bối cảnh thiếu công khai thông tin, sự câu kết này được che đậy kỹ lưỡng, nên có “xà xẻo” 30-40% cũng chẳng ai hay, làm sao mà bức xúc được. Đến khi mọi sự đã được nghiệm thu xong, hình hài thật của dự án đó hiện ra, người sử dụng gặp bất trắc mới bắt đầu bức xúc, thì tất cả đã cao chạy xa bay rồi. Ai trả giá? Trực tiếp và hữu hình là người dân sử dụng công trình đó, dịch vụ đó cùng các nhà thầu đối thủ (trong đó có khi có nhà thầu nghiêm chỉnh làm ăn); trong “vô hình” là người dân cả nước đóng thuế để góp vô ngân sách chi cho dự án bể nát đó... Các con đường cao tốc hay thấp tốc cứ thế mà được cho đấu thầu kiểu đó, được nghiệm thu hoàn công đầy đủ, và cứ nhanh chóng lún, sụp, văng lớp nhựa nóng... Tham nhũng do lòng tham, vì lợi ích hỗ tương là như thế đó. Nhóm lợi ích ra đời từ cái khuôn đó.
Tất nhiên, đâu chỉ có lĩnh vực giao thông, mà còn vô số lĩnh vực khác, mỗi lĩnh vực có những lợi ích hỗ tương riêng. Thế cho nên, nếu muốn biết địa chỉ các nhóm lợi ích, không khó lắm. Nước nào cũng có lợi ích nhóm và nhóm lợi ích. Ở Mỹ, lợi ích của Hiệp hội Súng là vô cùng to lớn. Ở Pháp, lợi ích của giới sản xuất dược là lớn. Có khác chăng là mức độ tràn lan của các lĩnh vực sinh lợi ích hỗ tương và cơ chế giám sát các lợi ích đó. Với lại đâu phải ngày một ngày hai mà dân chủ, mà thượng tôn pháp luật... Phải vài thế kỷ như người Mỹ, người Pháp sau các cuộc cách mạng của họ hơn hai trăm năm trước. Song, vấn đề là có ý thức được nhu cầu giảm bớt dung túng nhóm lợi ích hay vẫn tạo điều kiện. Đây lại là một bài toán khác... trong đó có bài toán nhân sự.
Thiên Di
TBKTSG
|