Thứ Sáu, 08/02/2013 06:59

Thủy điện “treo”, rừng mất

Nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ khởi công xong lại “treo” trong khi hàng trăm hecta rừng bỗng chốc tan hoang.

Bộ Công Thương vừa kiểm tra công tác quản lý quy hoạch và đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Qua đó, nhiều bất cập đã được phát hiện tại các dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Chỉ để khai thác rừng?

Theo quy hoạch của UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh có 10 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất chỉ 71,2 MW. Trong đó, có 3 thủy điện đang được xây dựng. Tuy nhiên, ngoài thủy điện La Hiêng 2 (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) đã xây dựng được 95% khối lượng công trình, 2 thủy điện còn lại là Đá Đen (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) và Khe Cách (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) sau 7 - 8 năm xây dựng, đến nay chỉ mới dừng lại ở khâu làm đường vào lòng hồ, chỉ đạt khoảng 10% - 20% khối lượng công trình.

Có mặt tại thủy điện Đá Đen, không ai nghĩ rằng đây là một công trình sau 8 năm xây dựng. Ở đây, không có một hạng mục nào đã hoàn thành. Cả công trường không có tiếng máy nổ, không một bóng người, cũng chẳng có thiết bị gì liên quan đến thủy điện. Bên trong cánh cổng khép hờ có một bảo vệ, một vài chiếc xe ủi, xe xúc gỉ sét. Thế nhưng, theo con đường được mở vào lòng hồ thủy điện lại đầy dấu xe kéo gỗ, những cánh rừng già đã tan hoang. Nhiều cây gỗ ngã lăn lóc, những cây gỗ quý như gõ, chò đã bị đốn hạ. “Hình như họ mở đường chỉ để khai thác gỗ, chứ chẳng thấy làm gì cả. Mấy năm trước, xe cứ ùn ùn chở gỗ từ trong rừng ra, nay thỉnh thoảng vẫn còn” - ông Lương Thái Hòa, một người dân ở xã Hòa Mỹ Tây, cho biết. Theo Sở Công Thương Phú Yên, dự án thủy điện Đá Đen với công suất 9 MW, khởi công từ tháng 8-2005. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay dẫn đến chậm tiến độ xây dựng, chỉ mới đạt 20% khối lượng công trình, trong khi kế hoạch sẽ phát điện vào cuối năm 2013.

Dự án thủy điện Ðá Ðen sau hon 7 năm xây dựng nhung chỉ đạt 10%-20% khối luợng công trình

Đối với thủy điện Khe Cách, công suất 6 MW, sau 7 năm khởi công cũng chỉ hoàn thành 10% khối lượng công trình bằng việc mở được đường dẫn vào rừng già Phú Mỡ, tạo điều kiện cho lâm tặc phá rừng. Theo Sở Công Thương Phú Yên, do năng lực tài chính của nhà đầu tư là Công ty TNHH Tùng Hưng (Hà Nội) hạn chế nên không thể triển khai dự án. Trong khi đó, những cánh rừng nằm trong lưu vực lòng hồ thủy điện này đã bị “bốc hơi” từ lâu.

Tại tỉnh Khánh Hòa, những dự án thủy điện ì ạch nhưng “nuốt” một diện tích rừng lớn cũng đã xảy ra nhiều. Đặc biệt là dự án thủy điện Sông Giang 2 có công suất 37 MW nằm trên lưu vực sông Giang thuộc xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh. Khởi công từ năm 2006 trên diện tích 239 ha, kế hoạch cấp phát điện vào năm 2010 nhưng đến nay, dự án vẫn còn “giậm chân” ở công đoạn đào hầm. Trong khi đó, 200 ha rừng đầu nguồn ở đây đã bị đốn sạch.

Chỉ thu hồi được dự án còn trên giấy

Tại buổi làm việc mới đây với Sở Công Thương Phú Yên, ông Nguyễn Duy Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), yêu cầu: “Tỉnh Phú Yên cần kiên quyết thu hồi những dự án thủy điện nhỏ có tiến độ thi công quá chậm, ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như tác động lớn đến môi trường sinh thái”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hồi các dự án thủy điện chậm tiến độ chỉ được triển khai đối với những dự án còn trên giấy. Đối với những dự án đã khởi công ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, chưa có dự án nào được thu hồi dù có thi công chậm như rùa bò hoặc chỉ “treo” để đó. Bảy dự án thủy điện đã bị tỉnh Phú Yên thu hồi trước đây cũng chưa khởi công.

Riêng dự án thủy điện Khe Cách, ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên, cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi từ 3 năm trước vì chủ đầu tư không còn khả năng thi công nhưng đến nay, dự án này vẫn còn trong tiến trình giao Sở Kế hoạch - Đầu tư thực hiện kiểm tra, báo cáo kết quả”.

Đối với dự án thủy điện Đá Đen, trước đây đã từng bị thu hồi nhưng nhà đầu tư xin gia hạn, thay đổi thiết kế, công suất và đã được tỉnh chấp thuận. Thế nhưng, sau đó, chủ đầu tư lại “treo” dự án. “Đúng là chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn nên không thể triển khai công trình. Chúng tôi sẽ cố gắng đến cuối năm nay, công trình sẽ hoàn thành như cam kết với tỉnh” - ông Phạm Trọng Tứ, kỹ sư trưởng, phụ trách công trình dự án thủy điện Đá Đen, nói. Tuy nhiên, cố gắng bằng cách nào thì ông Tứ vẫn chưa biết. Ngay cả một số thủ tục cần thiết để xây dựng dự án này như quy trình hồ chứa thủy điện vẫn chưa được Tổng cục Năng lượng thẩm định nên việc hoàn thành dự án là điều còn
xa vời.

Chưa chấp nhận đầu tư thêm thủy điện

Ông Hồ Văn Tiến, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Phú Yên, cho biết với việc triển khai kém hiệu quả của các dự án thủy điện vừa và nhỏ, cũng như lo ngại về việc tác động xấu đến môi trường đối với các dự án này nên hiện nay, tỉnh Phú Yên chưa chấp nhận đầu tư thêm dự án thủy điện nào dù đã có trong quy hoạch. “Vừa qua, nhiều nhà đầu tư xin được cấp phép xây dựng thêm một số thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh nhưng UBND tỉnh Phú Yên chưa thể chấp nhận”- ông Tiến cho biết.


Hồng Ánh

người lao động

Các tin tức khác

>   VIBank: Khởi tố nguyên Phó giám đốc Ban truyền thông (07/02/2013)

>   Vụ Vinalines: Đề nghị truy tố 4 bị can tham ô hơn 3,3 tỉ đồng (07/02/2013)

>   "Trùm" Singapore giật dây vụ siêu dàn xếp tỉ số ở châu Âu (06/02/2013)

>   Chủ tịch nước gặp gỡ các chuyên gia kinh tế, xã hội (06/02/2013)

>   Chủ DN mở đường dây cá độ “trăm tỷ” (05/02/2013)

>   Từ ngữ của năm 2012: Nhóm lợi ích (10/02/2013)

>   “Đọc báo” giờ đã khác (11/02/2013)

>   Truy tố GĐ chiếm đoạt hơn 40 tỷ đồng (05/02/2013)

>   Tập đoàn Vingroup đề nghị công an can thiệp (04/02/2013)

>   Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gồm 16 thành viên (04/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật